Trang chủ > Kinh Điển > Kinh
Kinh Phổ Môn
Xem: 62175 . Đăng: 25/03/2016In ấn
KINH PHỔ MÔN
Ni trưởng Huỳnh Liên phổ thơ
Có Bồ tát là Vô Tận Ý,
Từ chỗ ngồi đứng dậy khoan thai.
Kính thành trịch áo bày vai,
Hướng về Đức Phật chắp tay bạch rằng:
“Bạch Đức Phật, Quán Âm Bồ tát,
Nhân duyên gì tên đặt Quán Âm?” O
Phật rằng: “Này gã thiện nam,
Nếu như muôn ức trăm ngàn chúng sanh,
Bị khổ não điêu linh tai ách,
Nghe Quán Âm Bồ tát oai linh.
Một lòng khẩn thiết xưng danh,
Thời Bồ tát quán âm thanh cứu nàn.
Hoặc có kẻ thân lâm hỏa nạn,
Niệm Quán Âm lửa chẳng đốt thiêu.
Oai thần Bồ tát cao siêu,
Chúng sanh xưng niệm thoát điều nguy nan.
Hoặc có kẻ thân lâm thủy nạn,
Niệm Quán Âm chỗ cạn gặp liền.
Oai thần Bồ tát diệu huyền,
Chúng sanh xưng niệm thoát miền nguy nan.
Hoặc sanh chúng trăm ngàn muôn ức,
Cầu bạc vàng, bảo vật, trân châu,
Xa cừ, mã não, san hô,
Lưu ly, hổ phách, lộ đồ gian nguy.
Vào biển cả gặp khi gió bạt,
Thuyền tắp bờ La Sát nguy nan.
Một người xưng niệm Quán Âm,
Mọi người nương cậy oai thần cứu an.
Hoặc có kẻ thân lâm đao nạn,
Niệm Quán Âm gãy đoạn gươm đao.
Oai thần Bồ tát nhiệm mầu,
Chúng sanh xưng niệm, nạn nào cũng qua.
Hoặc có quỷ Dạ Xoa, La Sát,
Khắp tam thiên toan bắt chúng nhân.
Nghe xưng danh Quán Thế Âm,
Mắt không dám ngó, huống tầm hại ai!
Hoặc kẻ tội, hoặc người vô tội,
Bị gông cùm ràng trói tấm thân.
Xưng danh Bồ tát Quán Âm,
Gông cùm rời rã, tấm thân nhẹ nhàng.
Hoặc thương khách trên đàng hiểm trở,
Dắt gia nhân chuyên chở báu trân.
Đầy đàng oán tặc ác nhân,
Một người trong bọn bình tâm xướng rằng:
“Các nam tử xin đừng hốt hoảng,
Phải một lòng niệm tưởng Quán Âm.
Ngài ban vô uý diệu thâm,
Chúng ta xưng niệm, nhứt tâm thoát nàn”.
“Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát!” O
Các thương nhân đồng phát tiếng xưng.
Nhờ xưng danh hiệu ân cần,
Đoàn thương nhân được thoát phần nguy nan.
Vô Tận Ý, Quán Âm Bồ tát,
Sức oai thần to tát dường kia.
Nếu người dâm dục nhiều bề,
Niệm danh Bồ tát dứt lìa dâm tâm.
Nếu có kẻ nhiều sân, lắm hận,
Niệm Quán Âm hận tận, sân lìa.
Nếu người si chướng nhiều bề,
Niệm danh Bồ tát dứt lìa si tâm.
Vô Tận Ý, Quán Âm Bồ tát,
Sức oai thần to tát dường kia.
Năng làm lợi ích nhiều bề,
Chúng sanh tâm niệm chớ hề lãng xao. O
Nếu phụ nữ muốn cầu con cái,
Năng cúng dường lễ bái Quán Âm.
Cầu nam thì đặng sanh nam,
Cầu nữ, sanh nữ, thành tâm đắc thành.
Cầu nam, được trai lành đức trí,
Cầu nữ, sanh gái quí đẹp xinh.
Trước trồng cội đức nhân lành,
Ai ai nhìn thấy kính thành ái thâm.
Vô Tận Ý, Quán Âm Bồ tát,
Sức oai thần to tát dường kia.
Cúng dường lễ bái chi chi,
Chẳng hao mất phước, nên trì niệm danh. O
Ví ai tưởng muôn nghìn Bồ tát,
Niệm nhiều tên như cát sông Hằng.
Sáu mươi hai ức gia tăng,
Sắm sanh tứ sự cúng dâng trọn đời.
Vô Tận Ý, vậy ngươi suy nghĩ,
Công đức người dường ấy nhiều chăng?”
Ngài Vô Tận Ý thưa rằng:
“Thế Tôn, phước ấy vô ngần xiết chi”.
Phật lại nói: “Bằng khi có kẻ,
Niệm Quán Âm cho chí một thời.
Cúng dường lễ bái Đức Ngài,
Phước so người ấy, kẻ này như nhau.
Ngàn muôn ức kiếp sau chẳng dứt,
Niệm Quán Âm phước đức vô vàn”. O
Ngài Vô Tận Ý bạch rằng:
“Thế Tôn, Bồ tát Quán Âm sao là,
Dạo khắp cõi Ta Bà thế giới,
Vì chúng sanh giảng nói pháp lành.
Sức mầu phương tiện độ sanh,
Đâu là duyên cớ, cúi xin giải bày?”
Phật mới bảo: “Hỡi này nam tử,
Có chúng sanh quốc độ xa gần,
Muốn cầu thân Phật độ dân,
Quán Âm liền hiện Phật thân hộ trì.
Cõi muốn được Bích Chi hóa độ,
Hiện Bích Chi vì đó giảng kinh.
Muốn Thinh Văn đến độ sanh,
Hiện Thinh Văn đến pháp lành tuyên dương.
Cõi muốn được Phạm Vương hóa độ,
Hiện Phạm Vương vì đó giảng kinh.
Muốn cầu Đế Thích độ sanh,
Hiện thân Đế Thích pháp lành giảng phân.
Muốn Tự Tại Thiên thân hóa độ,
Hiện thân này vì đó giảng kinh.
Muốn Đại Tự Tại thân hình,
Hiện Đại Tự Tại thuyết minh độ trần.
Muốn Thiên Đại Tướng Quân hóa độ,
Hiện Tướng Quân vì đó giảng kinh.
Muốn Tỳ Sa đến độ sanh,
Hiện Tỳ Sa đến pháp lành giảng phân.
Muốn Tiểu Vương dùng thân hóa độ,
Hiện Tiểu Vương vì đó giảng kinh.
Muốn cầu Trưởng Giả độ sanh,
Hiện thân Trưởng Giả thuyết trình lý chân.
Muốn Cư Sĩ dùng thân hóa độ,
Hiện thân này vì đó giảng phân.
Cõi nào muốn bực Tể Quan,
Hiện Tể Quan đến luận bàn cao xa.
Cõi muốn được Bà La Môn độ,
Hiện thân này vì đó giảng kinh.
Muốn cầu Tứ chúng độ sinh,
Hiện thân Tứ chúng thuyết minh luận bàn.
Muốn Phụ Nữ của hàng Trưởng Giả,
Bà La Môn, Cư Sĩ, Tể Quan,
Tức thì hiện Phụ Nữ thân,
Tùy cơ nói pháp độ dân muôn ngàn.
Cõi muốn được Đồng Nam hóa độ,
Hiện Đồng Nam vì đó giảng kinh.
Muốn cầu Đồng Nữ độ sanh,
Hiện thân Đồng Nữ pháp lành giảng ra.
Muốn Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát,
Ca Lầu La cùng các Tu La,
Khẩn Na La, Ma Hầu La,
Muốn cầu tất cả Nhân và Phi Nhân.
Hiện thân đó ân cần nói pháp,
Phương tiện này độ khắp thế gian.
Muốn cầu Thần Chấp Kim Cang,
Hiện thân Thần Chấp Kim Cang độ trần.
Vô Tận Ý, Quán Âm Bồ tát,
Thành tựu phần công đức oai linh. O
Thần thông hiện các thân hình,
Dạo cùng các cõi độ sinh thoát nàn.
Các ngươi phải cúng dường chăm chỉ,
Chỗ nguy nan, vô úy ban ra.
Cho nên trong cõi Ta Bà,
Gọi vô uý thí đó là Quán Âm”. O
Vô Tận Ý thưa rằng: “Bạch Phật,
Con cúng dường Bồ tát Quán Âm”.
Cổi xâu Anh Lạc bảo trân,
Báu mầu đáng giá nghìn trăm lượng vàng.
Dưng Bồ tát thưa rằng: “Nhân giả
Nhận của này pháp thí bảo trân”.
Nhưng Ngài Bồ tát Quán Âm,
Không ưng thọ lãnh bảo trân cúng dường.
Vô Tận Ý thưa cùng Bồ tát:
“Xin từ bi thọ nạp bảo trân!”
Bấy giờ Phật bảo Quán Âm:
“Phải thương tứ chúng cùng hàng Thiên, Long
Vô Tận Ý trong vòng Bồ tát,
A Tu La, Càn Thát, Dạ Xoa,
Ca Lầu La, Khẩn Na La,
Ma Hầu La với Nhân và Phi Nhân,
Mà thọ lãnh bảo trân Anh Lạc”.
Tức thời Ngài Bồ tát Quán Âm,
Thương trong tứ chúng các hàng,
Thiên, Long, Nhân, với các đoàn Phi Nhân,
Nhận Anh lạc hai phần phân tách,
Kính dâng lên hai Đức Phật Đà:
Một phần dâng Phật Thích Ca. O
Một phần phụng tháp Phật Đa Bảo gần. O
Vô Tận Ý, Quán Âm Bồ tát,
Có sức thần to tát dường kia,
Ta Bà tự tại đi về. O
Ngài Vô Tận Ý kệ thi hỏi rằng:
* * *
“Đức Thế Tôn tướng tốt,
Con xin hỏi lại rằng:
Nhân duyên gì Bồ tát,
Tên gọi Quán Thế Âm?” O
* * *
Phật hoàn toàn tướng quí,
Kệ đáp Vô Tận Ý:
“Ngươi nghe lực Quán Âm,
Khắp nơi nơi hiện thị.
* * *
Hầu nhiều ngàn ức Phật,
Nhiều kiếp khó lường biên,
Quán Thế Âm Bồ tát,
Phát rộng thanh tịnh nguyền.
* * *
Ta vì ngươi lược thuyết:
Nghe, thấy, niệm Quán Âm,
Các khổ não tiêu diệt,
Nếu một niệm thành tâm. O
* * *
Dầu ai có ác tâm,
Xô té hầm lửa độc,
Nhờ lực niệm Quán Âm,
Hầm lửa thành ao nước.
* * *
Hoặc ai chìm biển cả,
Mắc nạn quỷ rồng cá,
Nhờ lực niệm Quán Âm,
Sóng gió không gây họa.
* * *
Hoặc có kẻ ác tâm,
Từ Tu Di xô ngã,
Nhờ lực niệm Quán Âm,
Như mặt trời không hạ.
* * *
Hoặc có kẻ đuổi phăng,
Từ Kim Cang té xuống,
Nhờ lực niệm Quán Âm,
Một mảy lông chẳng tổn.
* * *
Hoặc giặc oán vây gần,
Đều cầm gươm muốn hại,
Nhờ lực niệm Quán Âm,
Lòng lành kia bỗng khởi.
* * *
Hoặc tội vua phạm nhằm,
Sắp thọ hình tuyệt mạng,
Nhờ lực niệm Quán Âm,
Đao liền gãy từng đoạn.
* * *
Hoặc mắc cảnh giam cầm,
Tay chân bị còng trói,
Nhờ lực niệm Quán Âm,
Tự nhiên đặng thoát khỏi.
* * *
Hoặc bị đầu độc ngầm,
Ai mưu hại mình khổ,
Nhờ lực niệm Quán Âm,
Mưu hại huờn về đó.
* * *
Hoặc gặp La Sát gần,
Rồng độc cùng quỷ quái,
Nhờ lực niệm Quán Âm,
Thảy đều không dám hại.
* * *
Bị thú dữ vây quần,
Nhăn nanh xoè vút đón,
Nhờ lực niệm Quán Âm,
Vội tìm đường chạy trốn.
* * *
Rắn độc và bò cạp,
Hà hơi độc đốt khắp,
Nhờ lực niệm Quán Âm,
Nghe tiếng liền ẩn nấp.
* * *
Mây giăng sấm sét nháng,
Mưa đá tuôn hỗn loạn,
Nhờ lực niệm Quán Âm,
Tức thời đều tiêu tán.
* * *
Chúng sanh vướng tai nàn,
Thân khổ bức gian nan,
Quán Âm sức trí diệu,
Năng cứu khổ thế gian.
* * *
Thần thông lực phi thường,
Quán Âm nhiều phương tiện,
Các quốc độ mười phương,
Không cõi nào chẳng hiện.
* * *
Các loài trong đường dữ,
Nhờ diệu lực Quán Âm,
Tam đồ cùng tứ khổ,
Khiến thoát khỏi lần lần.
* * *
Chơn quán, thanh tịnh quán,
Trí huệ quán rộng lớn,
Bi quán, từ quán chung,
Thường nguyện, thường chiêm ngưỡng.
* * *
Thể sáng suốt không dơ,
Mặt trời tuệ phá mờ,
Năng trừ tai gió lửa,
Soi sáng khắp trần nhơ.
* * *
Thể bi như sấm nổ,
Lòng từ tợ mây giăng,
Rưới mưa pháp cam lộ,
Diệt lửa phiền lao trần.
* * *
Kiện thưa đến cửa quan,
Trong trận quân kinh hoảng,
Nhờ lực niệm Quán Âm,
Kẻ oán đều lui tán.
* * *
Tiếng Diệu, tiếng Quán Thế,
Tiếng Phạm, tiếng Hải triều,
Tiếng thế gian khó tỷ,
Nên phải niệm thường nhiều.
* * *
Niệm niệm chớ nghi nan,
Quán Âm là Tịnh thánh,
Hay làm chốn tựa nương,
Cho kẻ trong khổ cảnh.
* * *
Đủ tất cả công đức,
Mắt lành trông chúng sanh,
Rộng không lường biển phước,
Nên kính lễ chí thành”. O
* * *
Có Bồ tát hiệu danh Trì Địa,
Từ chỗ ngồi đứng dậy bạch rằng:
“Chúng sanh nghe lực Quán Âm,
Thần thông thị hiện, phước tăng nghiệp mòn”. O
Khi Phật nói Phổ Môn diệu phẩm,
Chúng hội đông tám vạn bốn ngàn,
Nghe rồi đều thảy phát tâm,
Bồ đề Vô thượng thậm thâm diệu huyền. O
Phổ Môn Tán
Phổ Môn thị hiện,
Cứu khổ tầm thinh,
Từ bi thuyết Pháp,
Độ khắp mê tình.
Theo lời khẩn nguyện,
Cảm ứng tùy hình,
Tám nàn tiêu diệt,
Bốn biển an bình.
Thập Nhị Nguyện
1. Nam mô hiệu Viên Thông, danh Tự Tại, Quán Âm Như Lai quảng phát hoằng thệ nguyện. O (1 lạy)
2. Nam mô nhứt niệm tâm vô quái ngại, Quán Âm Như Lai thường cư Nam Hải nguyện. O (1 lạy)
3. Nam mô trụ Ta Bà, U minh giới, Quán Âm Như Lai tầm thinh cứu khổ nguyện. O (1 lạy)
4. Nam mô hàng tà ma, trừ yêu quái, Quán Âm Như Lai năng trừ nguy hiểm nguyện. O (1 lạy)
5. Nam mô thanh tịnh bình thùy dương liễu, Quán Âm Như Lai cam lồ sái tâm nguyện. O (1 lạy)
6. Nam mô đại từ bi, năng hỷ xả, Quán Âm Như Lai thường hành bình đẳng nguyện. O (1 lạy)
7. Nam mô trú dạ tuần vô tổn hoại, Quán Âm Như Lai thệ diệt tam đồ nguyện. O (1 lạy)
8. Nam mô vọng Nam Nham cần lễ bái, Quán Âm Như Lai già tỏa giải thoát nguyện. O (1 lạy)
9. Nam mô tạo pháp thuyền du khổ hải, Quán Âm Như Lai độ tận chúng sanh nguyện. O (1 lạy)
10. Nam mô tiền tràng phan, hậu bảo cái, Quán Âm Như Lai tiếp dẫn Tây Phương nguyện. O (1 lạy)
11. Nam mô Vô Lượng Thọ Phật cảnh giới, Quán Âm Như Lai Di Đà thọ ký nguyện. O (1 lạy)
12. Nam mô đoan nghiêm thân, vô tỉ toại Quán Âm Như Lai quả tu thập nhị nguyện. O (1 lạy)
Quán Âm Tán
Viên Thông hiệu quí,
Đại sĩ Quán Âm,
Mười hai nguyện lớn,
Quảng đại cao thâm,
Vào nơi khổ hải,
Độ khỏi mê tân,
Tầm thanh cứu khổ,
Chốn chốn hiện thân. O
NAM MÔ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT (3 lần)
BÀI LIÊN QUAN
Giới Thiệu Lịch Sử Truyền Dịch - Chú Kinh Pháp Hoa ( Phước Nguyên , 40504 xem)
Nghi thức tụng niệm của hệ phái Khất Sĩ tại Việt Nam ( Thượng tọa Thích Nhật Từ , 48952 xem)
Kinh Hoa Nghiêm - Việt dịch: Thiện Trí ( Cư sĩ Thiện Trí , 28607 xem)
Kinh Pháp cú ( Ni trưởng Huỳnh Liên , 28725 xem)
Kinh Tăng Nhất A Hàm (11050 xem)
Kinh Bát Đại Nhân Giác (11364 xem)
Kinh Di Giáo (14503 xem)
Kinh Đại Bảo Tích (11108 xem)
Kinh Tiểu Bộ (10555 xem)
Kinh Tứ Thập Nhị Chương (10603 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)
Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng
LỊCH VIỆT NAM
THỐNG KÊ