Trang chủ > Hoạt Động Hệ phái > Khoá Tu

Cảm tưởng Khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 31

Tác giả: Giác Minh Thi.  
Xem: 4090 . Đăng: 03/04/2023In ấn

 

Cảm tưởng Khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 31

 

Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật!

Kính lạy đức Tổ sư chứng minh!

Kính lạy Giác linh Nhị tổ và chư Đức Thầy khai lập các Giáo đoàn chứng minh!

Ngưỡng kính bái bạch chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng chứng minh!

 

Khóa tu truyền thống trọn bảy ngày

Cuộc đời Khất sĩ cao đẹp thay

Bát cơm ngàn nhà qua muôn dặm

Dừng chân chợt thấy trắng mây bay!

 

Thật là một phước duyên thù thắng khi chúng con được quy tụ về tịnh xá Ngọc Vạn, đóa sen thiêng trang nghiêm hiện hữu ngời sáng giữa hoang vắng núi đồi, để cùng chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng và huynh đệ tham dự khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 31 theo lời dạy của đức Tổ sư: “Nên tập sống chung tu học” trong tinh thần lục hòa cộng trụ. Hôm nay, ngày bế mạc, trong không khí trang nghiêm thắm tình đạo vị, được sự chứng minh chỉ dạy của chư Tôn đức, chúng con thành kính đảnh lễ và kính dâng những dòng cảm tưởng chân thật lưu xuất từ đáy lòng đối với những ân đức mà chúng con được thọ nhận trong bảy ngày qua. Ngưỡng mong chư Tôn đức hoan hỷ từ bi chứng minh cho chúng con.

 

 

Kính bạch chư Tôn đức!

Tịnh xá Ngọc Vạn được kiến tạo bằng đôi bàn tay vững vàng, từ ý chí kiên trì, bền bỉ với cả một tâm lượng bao la quảng đại của Thượng tọa Giác Hạnh, vị sư được mệnh danh “Thần Núi” đầy trìu mến. Trải qua 31 năm kể từ ngày thành lập, từ vùng núi đồi cằn cỗi hoang vu, giờ đây, một ngôi tịnh xá tiền hải hậu sơn mang vẻ đẹp đặc thù của Hệ phái Khất sĩ hòa quyện với nét thơ mộng, thanh nhã của chốn tòng lâm góp phần tô điểm non sông Việt Nam. Ngôi chánh điện cao nghiêm, thiền đường và nhà Tăng thoáng đãng, v.v…, những triền đồi xanh cỏ, hồ nước cá lội tung tăng dưới ngôi chùa Một Cột mô phỏng và những mạch nước dào dạt chảy cũng đủ làm cho chúng con cảm nhận được bao nhiêu công sức, mồ hôi thấm đất. Ngày hôm nay, chúng con được an ổn lưu trú trong những căn phòng, những dãy nhà mát mẻ, rộng rãi để an tâm tu học trong bảy ngày. Chúng con thành kính tri ân sâu sắc Thượng tọa.

 

 

Kính bạch chư Tôn đức!

Với chủ trương “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, đức Tổ sư đã học theo gương hạnh của Phật Tăng xưa nên ngài đã duy trì truyền thống Khất sĩ. Đối với chúng con, mỗi lần khất thực cùng Tăng đoàn là những kỷ niệm ngày thọ giới Sa-di, lóng ngóng vừa đi vừa giữ bát và y áo sao cho khéo, cảm xúc tinh khôi ấy lại hiện về. Đã bao lần, bước chân đã vững hơn, y áo đã gọn hơn, những cảm giác nôn nao, hồ hỡi xen lẫn niềm xúc động vẫn chưa bao giờ phai nhạt.

Chúng con nhớ lời căn dặn của đức Phật đến 60 vị A-la-hán đầu tiên rằng: “Các thầy hãy đi các nơi, đừng đi hai người cùng một hướng” để đem ánh sáng giác ngộ xoa dịu những lầm than thống khổ trong muôn kiếp nhân sinh. Bước chân của đức Tổ sư đã in dấu trên mọi nẻo đường miền Tây, rồi những bước chân của chư đức Thầy lan tỏa ra miền Trung, đem những màu mỡ phù sa bồi đắp thành những ngôi tịnh xá khắp dãi đất quê hương Việt Nam thân yêu.

Xin thành kính tri ân đức Từ phụ Bổn sư, đức Tổ sư, các bậc tiền bối và chư Tôn đức hiện tiền đã thắp sáng hạnh tu khất thực, giúp cho chúng con hiểu rõ hơn quan hệ hỗ tương giữa người xuất gia và cư sĩ tại gia cùng chúng sanh vạn loại. Từ đó, lòng biết ơn vì thọ nhận những phẩm vật thảo thơm, được nuôi lớn và giúp chúng con sống có trách nhiệm hơn với chính mình và với mọi người, mọi loài.

 

 

Kính bạch chư Tôn đức!

Khi muôn người còn đang say giấc nồng thì tại tịnh xá Ngọc Vạn vang vọng tiếng đại hồng chung thức tỉnh. Chư Tôn hành giả lặng lẽ thiền hành trong không khí trong lành, thanh tịnh của núi đồi xứ biển. Những bước chân ấy, âm thầm hiện hữu như một minh chứng sống động cho lý tưởng tu tập chuyển hóa từng bước chân của bao hành giả qua hơn 26 thế kỷ qua.

Dù trong buổi sáng tinh sương hay buổi chiều hanh nắng, những bước chân thiền hành của Tăng đoàn là một bài học thiết thực. Nếu như buổi sáng mát mẻ, dễ chịu, thoải mái, thì buổi chiều lại nóng nực, mồ hôi, nhưng những bậc Trưởng lão Hòa thượng vẫn dẫn đoàn lặng lẽ đi như một dòng sông. Chúng con học được rằng, cuộc đời luôn tồn tại hai thái cực đối lập như thế. Nếu có được sự thoải mái, đầy đủ thì chúng ta cũng phải chịu sự cực nhọc và thiếu thốn, nếu được sự ngợi khen thì chúng ta cũng phải sẵn lòng đón nhận lời chê bai, nếu có được thành công thì chúng ta càng phải can đảm đương đầu với bao phen thất bại. Hoa sen phải nở trong bùn, cội tùng phải chôn rễ dưới sỏi đá mới có thể sinh tồn cùng tuế nguyệt. Do vậy, hạnh nhẫn nhục mà đức Phật dạy cho tôn giả Ra-hu-la với lời dạy “vui chịu với mọi cảnh ngộ” lại âm thầm nhắc nhở chúng con trong khi thiền hành cùng đại chúng.

Những chỗ ngồi đặc biệt xen kẽ bên những tảng đá chắc chắn, trong chiếc mùng thiền, chúng con tận hưởng được những giờ phút thảnh thơi khi trở về cùng hơi thở. Chúng con thấy được rằng: Giữa rất nhiều việc ứng phú đạo tràng, những công việc gọi là Phật sự, những giờ phút căng mình học tập và lao động, chúng con dường như quên mất sự chánh niệm trong hơi thở. Mặc dù biết rõ, đây là phương pháp hữu hiệu đối trị những lăng xăng và vọng động nơi tâm nhưng chúng con thật sự chưa nỗ lực để áp dụng giá trị của chánh niệm hơi thở làm thực phẩm cho tâm. Nhìn những nét thâm trầm, điềm nhiên thể hiện pháp hỷ nơi chư Tôn đức, chúng con cũng mong muốn có được thành tựu ấy để cuộc sống tu hành ngày càng an lạc, phóng khoáng và tâm được trụ vững trước những ngọn gió đời trực chờ xô đẩy.

 

 

Kính bạch chư tôn đức!

 

Công khó khổ tu hành từ thuở nhỏ

Trải bao ngày rèn luyện mới thành công

Ngồi ngôi cao, ấy thật sự xứng danh

Trí và đức cả hai đều vẹn đủ.

 

Tham dự các khóa tu, chúng con may mắn được chư Tôn đức hướng dẫn, giảng giải và sách tấn những bài học có nhiều giá trị. Đó là những kiến thức được thu thập và những pháp hành trải qua nhiều năm tháng tu trì, đúc kết thành những kinh nghiệm hữu ích. Giờ đây, chúng con được thừa hưởng những thành quả đó. Cuộc sống tu hành vốn chưa bao giờ là dễ dàng. Thật tâm chúng con nhìn nhận, bên ngoài đầy dẫy những pháp trần mạnh mẽ cuốn lôi, hấp dẫn, sẵn sàng cuốn phăng bất kì ai; bên trong thì những phiền não ngủ ngầm lúc nào cũng có thể hiện khởi làm rối loạn tâm trí. Nếu có suy tư về đạo nghiệp, chúng con dường như nhận ra, tuy “tâm hình dị tục” nhưng ý chí chưa thật cao nhàn. Bước chân chưa thật sự muốn đến những chân trời cao rộng: Chân trời của tri thức Kinh Luật Luận, chân trời của thiền định và chân trời của chí hướng xuất trần; chưa biểu hiện được khí chất Bi – Trí – Dũng của một người xuất gia. Thông qua những giờ học, chúng con được thực nghiệm những tri thức thể hiện bằng khẩu giáo và những phẩm hạnh mực thước bằng thân giáo; để nhờ đó, chúng con cố gắng áp dụng, chắt lọc những dược liệu quý giá ấy để chữa trị căn bệnh của chính mình, đồng thời giữ những dưỡng chất trí tuệ của chư Tôn đức nuôi dưỡng khu vườn tâm Bồ-đề được tăng trưởng, đó là những lời nhắc nhở ân cần  quan tâm chỉ dạy về các oai nghi khi ăn uống, khi đi kinh hành, khi chắp tay lễ kính, phải nỗ lực điều chỉnh vì “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”; là những trăn trở quan hoài thao thiết về sự thật trong đời sống tu sĩ hiện nay. Đó là những liều thuốc đắng nhưng thần diệu để chữa trị những căn bệnh trầm kha của chúng con. Chúng con cảm thấy vô vàn biết ơn, bởi vì:

 

Nếu thấy bậc hiền trí

Chỉ lỗi và khiển trách

Như chỉ chỗ chôn vàng

Hãy thân cận người trí

Thân cận người như vậy

Chỉ tốt hơn không xấu.

 

Ngoài ra, chúng con còn học tập được những tấm gương bền bỉ, nhẫn nại và kiên định với sự nghiệp gầy dựng trí tuệ. Các ngài dù tuổi cao, nhưng các ngài vẫn nghiên cứu kinh luật để tỏ ngộ sở nghi theo những bài kinh: Kinh Thánh cầu (số 26), Kinh khu rừng Sừng Bò (số 31); Kinh Potaliya (số 54) trong Trung bộ hoặc Kinh Khúc gỗ trong Tương ưng bộ; hoặc những lời cảnh sách nhắc nhở hộ trì sáu căn, cẩn trọng trong lời nói, dù hữu ý hay vô tình thì lời nói tuy hợp lý mà chứa đựng một sự tế vi bực bội cũng không phù hợp với đạo; là những lời dạy quản lý ba nghiệp tốt đẹp để được sống với chân lý, là những vần thơ được thi hóa từ những bài Chơn lý. Chúng con xin thành kính đảnh lễ tha thiết tri ân.

 

 

Đó còn là những trải nghiệm thú vị ở các trường thiền quốc tế và giúp chúng con minh định: Thiền chỉ là trau tâm, thiền quán là dồi trí, xác quyết pháp môn tu của Hệ phái Khất sĩ là Giới – Định – Tuệ, giải quyết các vấn đề nhân-duyên-quả liên quan đến nội hàm của Giới – Định – Tuệ. Từ đó, chúng con không còn phải hoang mang băn khoăn về con đường mình đã chọn, tu học trong lẽ đạo: Cái lẽ tròn là không khổ, là thiện, là mỹ, là chơn. Người ta cũng nói, tròn tức là đạo quả vậy. Lẽ tròn là chơn lý, dầu kẻ dốt học bực nào mà hằng giữ sự tròn, thì cũng thành công được.” (Chơn lý “Võ trụ quan”). Quan trọng hơn, chúng con đã học được thân giáo uy nghi, trang nghiêm mà vẫn chứa chan lòng từ bi, hòa ái và thân tình. Đó là những bài pháp vô ngôn thiết thực, hữu ích và lưu lại trong tâm trí chúng con lâu dài, miên viễn.

 

Để mỗi lần mưa tuôn lời pháp nhũ

Nước cam lồ từ thể tánh tịnh minh

Ai uống vào đều thức tỉnh buông tình

Tâm tham ái, vô minh liền dứt sạch.

Kính bạch chư Tôn đức!

Thức ăn này từ đâu đem đến

Phải chăng vì người mến đạo lành

Thương ai chính chắn tu hành

Thảo lòng nhịn miệng kỉnh thành cúng dâng.

 

Xuyên suốt trong bảy ngày, Thượng tọa Trụ trì, chư Đại đức Tăng trong Ban Ngoại hộ cùng các vị thiện nam tín nữ đã hết lòng tận tụy, thức khuya dậy sớm để nấu những món ăn bổ dưỡng cho đại chúng. Để có được những bữa cơm ngon lành, những chén yến bổ dưỡng, những ly nước mát… luôn có mặt sau những giờ học pháp, giờ công phu là cả một sự tất bật, lo lắng chu toàn của Ban Ngoại hộ, chỉ mong đại chúng có đủ sức khỏe tu tập. Trời chưa sáng, chúng con đã thấy các chú lo xếp tọa cụ, mùng thiền; cơm vừa xong, các chú cặm cụi lau quét; còn các cô thì gửi gắm lòng thành kính thơm thảo qua từng món ăn, chén nước, những viên thuốc giảm đau khi cần; từng phái đoàn ở tận các miền xa cũng hân hoan lặn lội về cúng dường trong niềm khát ngưỡng tịnh tín với Phật pháp. Bấy nhiêu đó thôi cũng đủ cho chúng con thật cảm động, xin được gửi đến lời cảm ơn sâu sắc, chân thành!

 

 

Ngày về, chúng con được sắp xếp xe đi về trú xứ, nghĩa cử ấy thật đáng trân trọng biết là bao! Vậy là bảy ngày đã qua, khóa tu đã khép lại viên mãn trong niềm hoan hỷ của tất cả chư Tôn đức Tăng và cư sĩ Phật tử. Trong lòng mỗi người chắc chắn ai cũng đọng lại những kỷ niệm khó quên, những kỷ niệm làm thênh thang hơn, khoáng đạt hơn - tấm lòng và ý chí của người tu sĩ. Chúng con sẽ cố gắng ghi nhớ những lời dạy ân cần, những hành động  “khuôn vàng thước ngọc” của chư Tôn đức; ghi nhớ tình Linh Sơn pháp lữ của Tăng đoàn cũng như niệm ân đến chư vị Phật tử thuần thành.

 

Bảy ngày Chánh pháp thiêng liêng

Bảy ngày sống trọn đáp đền tứ ân

Bảy ngày ấm áp Tăng thân

Bảy ngày rạng rỡ thế trần “Đuốc sen”.

 

Lời sau cùng, chúng con thành tâm kính chúc chư Tôn Hòa thượng, Giáo phẩm Hệ phái sức khỏe vạn an, pháp hỷ sung mãn, mãi mãi là bóng mát chở che cho hàng để tử chúng con, mãi là hiện thân của từ bi và trí tuệ. Kính chúc chư Tôn Thượng tọa, chư Đại đức Tăng pháp thể khinh an, thành tựu pháp học, toàn kiện pháp hành để dìu dắt hàng hậu học đàn em. Kính chúc chư huynh đệ luôn luôn phát triển Bồ-đề tâm, ra sức học tập và chu toàn bổn phận làm trò, vững vàng hơn trên con đường xuất gia cao thượng. Kính chúc quý Phật tử và gia đình an hòa, cháu con hiếu thuận, luôn là người hộ đạo thuần tín trong giáo pháp của đức Như Lai. Xin hẹn gặp đại chúng trong khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 32 vì:

 

Về đây gặp cửa gặp nhà

Gặp cha mẹ cũ gặp bà con xưa

Ân lành nhuần hạt móc mưa

Đức Ngài ban rưới phước thừa chúng con.

Con xin nguyện từ đây luôn noi dấu

Bước chân người Khất sĩ khắp muôn phương

Quyết học gắng tu, danh lợi xem thường

Lấy Giới – Định – Tuệ làm gương soi sáng.

 

Giác Minh Thi

-----oo0oo-----

Nguồn: www.daophatkhatsi.vn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC


NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên

 

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương

 

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ
  • Thích Nữ Bạch Liên
  • Thích Nữ Thanh Liên
  • Thích Nữ Kim Liên
  • Thích Nữ Ngân Liên
  • Thích Nữ Chơn Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Tạng Liên
  • Thích Nữ Trí Liên
  • Thích Nữ Đức Liên
  • Thích Nữ Thiện Liên
THÔNG BÁO

Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)

Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến

Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày

VIDEO HÔM NAY

Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO

Pháp âm MP3

  • 0 - Lời Mở Đầu
  • 01 - Võ Trụ Quan
  • 02 - Ngũ Uẩn
  • 03 - Lục Căn
  • 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên

LỊCH VIỆT NAM

THỐNG KÊ