Trang chủ > Đức Tổ Sư > Chơn Lý

Chơn Lý 61 - Hòa Bình

Tác giả: Tổ sư Minh Đăng Quang.  
Xem: 8176 . Đăng: 01/02/2015In ấn

CHƠN LÝ 61

HÒA BÌNH

ĐOÀN DU TĂNG

 

Tổ sư Minh Đăng Quang

 

 

HÒA BÌNH 1

 

a.- Người đời chia rẽ từng nhóm khối xã hội gia đình, cá nhân tư kỷ, do đó mới có họa chiến tranh.

b.- Chúng tôi sanh trong thời loạn, thấy cảnh thương tâm, mong tìm phương cứu chữa, mới nhận thấy ra rằng: Lẽ sống ở đời không ai duy kỷ được: nào ai có thể tự sống riêng biệt lấy mình, mà không cần nhờ nơi tất cả? Chính thân ta đây, đã do biết bao người tạo sanh và nuôi dưỡng: Một điểm tinh cha, một chút huyết mẹ, hòa hiệp thành hình, tự lúc lọt lòng, đã chịu ơn muôn loại: thức ăn, sự mặc, chổ ở, thuốc men, các việc nhu cầu v.v… há phải chỉ một đôi người đảm nhận? Vạn vật chung quanh ta lúc nào cũng đỡ nâng đùm bọc, ta là kẻ quá nhỏ nhen, đang xin nhờ nơi tất cả, mà mỗi người chúng ta không ai tự mình có sẵn món chi được vậy.

c.- Ta là tất cả, tất cả là ta, ta sống cho tất cả, tất cả sống cho ta, tiếng ta đây là tất cả, đó tức là chơn lý võ trụ. Kẽ thật hành đúng chơn lý gọi là Khất sĩ. KHẤT: ấy là xin, SĨ: đây là học. Xin ấy rồi lại cho. Học đây rồi lại dạy. XIN phẩm thực, để nuôi thân giả tạm, CHO sự thiện lành phước đức, để bảo giữ sự sống dài lâu. HỌC bằng cách lượm lặt phương pháp khắp nơi, rút nhiều kinh nghiệm. DẠY là đem kết quả thật hành đặc điểm, chỉ lại cho người. Cái xin, cái học, cái dạy, cái cho, hai pháp nương sanh, mở ra một con đường xán lạn cho tất cả kẻ về sau tiến bước. Con đường ấy kêu là đạo. Đạo của sống là xin nhau sống chung, đạo của biết là học chung, đạo của linh là tu chung.

d.- Đạo đây là chơn lý võ trụ của chúng sanh chung, chớ không phải tông giáo tư riêng. Kẻ sống đúng chơn lý kết quả rốt ráo giác ngộ gọi là Phật, theo tiếng thông thường cũng kêu là đạo Phật. Khất sĩ chúng tôi tập nối truyền chánh pháp của Phật Thích-ca Mưu-ni, xuất hiện nơi xứ Việt Nam này, với mục đích cố gắng noi y gương Phật, thay Phật đền ơn và để đáp nghĩa chúng sanh trong muôn một, đang thời nạn khổ.

đ.- Những phần đặc sắc của Giáo Pháp Khất sĩ là:

 

1. KHÔNG CHEN LỘN TRONG ĐỜI VỀ CHỔ Ở

 

Một phen xuất gia nhập đạo, Khất sĩ không còn trở lại cảnh đời, không đi vào nhà thế, phải nhập chúng Tăng già, đi đi mãi, giải thoát chổ ở, không ở một nơi nhứt định. Đạo tràng Giáo hội ấy là cõi Cực Lạc, không còn tiếng khổ, nhờ giới luật bao vây, lập thành cảnh giới thanh tịnh trang nghiêm. Người người đều cổi bỏ hết phiền não nơi ngoài, vào đó quyết chí cần tu cho đắc quả. Vì vậy, nơi đó đã chọn lọc những bậc hiền nhơn minh triết, sống chung nhau muôn người như một (phép Tăng chẳng lìa đoàn) và nhờ sức oai thần của hiệp chúng, mà mỗi người đều tấn hóa rất mau.

 

2. KHÔNG BẬN VỀ VẤN ĐỀ ĂN MẶC

 

Khất sĩ mỗi ngày một bửa ngọ chay, khất thực nuôi sống thân mình, mỗi năm thay một bộ tam y, do người thiện tâm bố thí, giải thoát được vấn đề ăn mặc, không cất dành, chẳng chứa để, ngày qua ngày, thong thả rảnh rang, tâm không tham chấp, dể tu nhập định tham thiền.

 

3. KHÔNG TIỀN

 

Khất sĩ không được giữ tiền, bạc, vàng, đồ quý giá. Chính tiền, bạc đã làm cho con người phân biệt ra kẻ sang người hèn, tôn ti giai cấp. Bởi sự chưng diện xa hoa, tốn xài phung phí, mượn nơi vật chất cung phụng cho sắc thân mình, nổi bật lên trên những sắc thân khác; lấy làm hãnh diện của sự cao sang sung sướng tốt đẹp, giục lòng tham muốn, sanh sự đấu tranh, chiếm đoạt cho lợi lộc thuộc về mình. Đó là nguyên nhân bất bình đẳng ở đời, và do đó tạo sanh biết bao tội lỗi. Giáo pháp Khất sĩ trừ diệt lòng tham, trước nhất là sự ly gia cắt ái, buông bỏ hết sự nghiệp của mình. Lộc trời mà mỗi người đều có phần thọ hưởng, nay đem ra bố thí cho đời tất cả một lần. Ra đi không đem theo mảy bợn vật chất trong người, trọn đời không biết đến tiền, bạc, vàng, của quý. Để được nhẹ mình trong sạch bay cao.

 

4. BÌNH ĐẲNG VÔ TRỊ

 

Cõi bình đẳng về sắc thân không ai hơn kém, chỉ dùng đức hạnh làm cây thước, để đo trình độ thấp cao. Trong đạo cả thảy sự sống như nhau, một tiếng Khất sĩ như nhau. Cõi không hình phạt, không quyền, không trị, chỉ có một sự dạy, mà tất cả được yên.

e.- Giữa lúc cõi đời chết khổ, Khất sĩ là chất nhựa sống, gắn liền các khối chia rẽ riêng tư. Khất sĩ là con đàng chơn lý võ trụ, đúng theo trung đạo ánh sáng, không thiên về một bên lề mé, Khất sĩ tượng trưng giáo lý đại đồng.

Cái sống là đang sống chung.

Cái biết là đang học chung.

Cái linh là đang tu chung.

Cả thảy chúng sanh là Khất sĩ xin học tu chung, tạm sống đổi thay mãi, đi tới hoài, không chỗ nơi an trụ, để tiến tới cảnh toàn giác toàn năng, toàn sống, toàn tu, hoàn toàn vắng lặng tự nhiên bất diệt của đạo đức võ trụ.

Đoàn Du Tăng Khất sĩ là chúng sanh chung, có ra do nhân duyên, y theo chơn lý võ trụ, để tiến đến Niết Bàn, là con đàng đạo đức, không đứng nơi nhơn loại, cũng chẳng ở giữ thiên đường, không phải nhận riêng mình là gia đình, xã hội, thế giới chủng loại nào. Mục đích giải thoát, chánh đẳng chánh giác, sống chung tu học cho mình và tất cả, mong đem lại Niết Bàn hiện tại, hơn là cảnh nhơn loại.

ê.- Giáo lý Khất sĩ phải là tiếng chuông cảnh tỉnh ngân nga vang dội, gọi thức quần sanh, kêu khuyên người trí, tiếp độ kẻ hiền. Do đó mà cuộc đi du hành, sau khi giác ngộ, sẽ lan dần ra các xứ. Ban đầu đi quanh xứ Việt miền Nam, kế đó lần ra Trung, Bắc cùng khắp cõi Đông Dương, nếu con đường thuận tiện. Và Giáo hội sẽ đi với số đông, y như Phật Tăng ngày xưa, đi hành đạo khắp xứ ngoài nữa.

Giáo hội không thâu nhận riêng người tại gia cư sĩ làm bổn đạo tín đồ của mình, chỉ tiếp độ những kẻ hữu duyên đủ thiện căn phước đức, xuất gia nhập đạo làm Tăng.

Sự ích lợi quý báu nhứt của đoàn Du Tăng, sẽ là gương mẫu hiệp hòa, sống chung làm một, bình đẳng không tranh, dính liền tất cả bằng sự đoạn tham dứt ác. Hột giống ấy quyết sẽ phải kết quả Phật Niết bàn, giải thoát sự khổ chết cho sanh loại vậy.

g.- Chương trình hành đạo mỗi ngày:

1.

Chiều 5 giờ tới 7 giờ sáng, tu tịnh ngủ nghỉ, hoặc gốc cây vườn rừng, hoặc chùa am hang cốc, tùy theo phương tiện.

2.

Sớm mai khất thực theo đường dài hoặc nơi xóm làng thành thị.

3.

Buổi trưa độ cơm.

4.

Xế chiều thuyết giáp giảng đạo cho tứ chúng.

5.

Đi đến mỗi nơi, trình sổ Giáo hội Du Tăng và chương trình cho nhà đương quyền tại đó.

6.

Tùy tiện dọc đường, giúp ích pháp thí cho những sự bất hòa, những nơi nhóm đông hữu sự, cùng xin phép giảng đạo khuyến tu các nơi bịnh viện, đề lao, công sở, nhà đương cuộc, tông giáo, đảng phái v.v.

Tóm lại: Các sự tu học giúp ích cho người, cho mình, việc chi thiện lành trong sạch, đều có thể làm được, trong khi gặp gỡ. Ấy tức là thật hiện lẻ sống chung tu học, quán xét hạnh phúc của chung, mà xin học lẫn nhau, y theo chơn lý Võ trụ và đạo Phật (phận sự của Tăng già Khất sĩ xuất gia giải thoát đạo Niết bàn). Đó là sự thật hành pháp giải thoát lý trung đạo theo kinh, luật, luận; Pháp bảo Tam tàng của từ xưa chư Phật dạy là:

 “Nên phải tập sống chung tu học”

 

HÒA BÌNH II

 

Thành kính gửi đến chư Tăng sư Đại Đức!

Nghiệp quả của chúng sanh, ngày nay đền trả cũng gần xong. Phận sự chánh của Tăng sư là không nên để cho người đời tạo vay thêm trở lại. Lẽ ấy nên chúng ta cần phải giác ngộ cho giùm. Vả lại nhơn duyên trình độ của chúng sanh đối với đạo Phật, nay đã đến lúc hợp thời; vậy chúng ta trước phải nên lập đạo, sau đó sẽ cứu độ đời, thì mới mong được tránh khỏi hổ danh Phật tử.

Nghĩ rằng: đạo Phật lâu nay ví như cái bát bể, chẳng nguyên lành, giới luâït phân chia không còn Giáo hội. Do đó mà ai cũng đạo Phật, ai cũng Tăng già, kẻ giống ba, người giống bảy, làm cho ngoại khách xem vào như là trong cõi đời chưa có Tăng sư cùng đạo Phật, nên mới phải phân sanh tông giáo. Rồi biết đâu mai kia, chiến tranh hỗn loạn, đảng phái chủ nghĩa sẽ không nể vì kẻ tu ngủ nghỉ, chừng ấy đá ngọc ắt chẳng còn, thì còn chi nữa là ta, người, Tăng sư, hay đạo Phật.

Vì lẽ đó mà hôm nay chúng ta, là phải quên mình, quên giáo pháp ý riêng của mình, hãy ngó ngay đức Phật Thích-ca Mưu-ni, tức là ngó ngay giới luật, ông thầy thiện lành, trong sạch, mà hiệp hòa, bình đẳng nơi giới luật Phật, để nên đạo Phật với Tăng già, chung cùng cả thế giới chư Tăng sư “ăn chay và khất thực” y nhau xưa nay như một, mới không còn tội lỗi với Phật và chúng sanh kia.

Thế tức là ai ai cũng đều tu học cả Tam thừa, hay Phật thừa trọn đủ thì mới mong chánh pháp đặng sống đời; sống bằng lập đạo cứu đời, đời người mới sẽ tôn lưu Phật pháp.

Thật vậy, trong đời chỉ có pháp Phật là thiện lành, trong sạch, đức lớn bao trùm, là giáo lý thế giới, võ trụ, chúng sanh chung, mới có thể cứu độ được nạn khổ của chúng sanh ngày nay. Chắc chắn như thế, đạo Phật giới Luật Tăng già thành lập hòa bình, thì thế giới mới sẽ hòa bình, và trong xứ nhơn loại, tự nhiên sống chung tu học cùng nhau theo về hiệp một.

Hôm nay tình thế bên ngoài, ai cũng đã tự nhận thấy mình bất lực, rối trí lắm rồi. Vậy âu là chúng ta hãy tiến bước, trước hiệp hòa bình đẳng, lập đạo làm gương, sau lại chúng sanh, mới sẽ noi theo nối dấu được. Kìa xưa nay các cuộc hòa bình, thảy đều do nơi lời nói của đạo đức cả, dầu ai trước chẳng chịu nói, thì sau lại cũng phải đến biết tập nói lần lần mà thôi.

Lẽ đó mà ngày nay cả thế giới Tăng sư, phải nên gom một, để đặng chia ra nhiều Giáo hội, mỗi Giáo hội đều có đủ Tăng sư các xứ đi chung, đến giữa những nơi bất hòa, thế mạng xin khuyên, tu hành cảm hóa giác ngộ diệt tranh, y như Phật, Thánh, xưa kia, các Ngài đã từng làm gương bằng thân mạng bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn, trì giới, thiền định, trí huệ, thì cõi đời nạn khổ chết của chúng sanh mới sẽ giảm lần ngưng dứt.

Thời buổi nay, ắt chỉ phải có đến y như vậy, mới có được cái tu học chung của chúng ta, cái tu học của trí tâm, mà không còn vì ngôi riêng của Giáo chủ.

Lành thay! Nếu không có chi sái phép.

Lòng mong, cả thế giới quần Tăng, chóng mau định ngày hội hiệp.

                                                 MÔ PHẬT!  (Đảnh lễ tam bái).

 

HÒA BÌNH III

 

Vấn: Làm sao mới được hòa bình?

Đáp: Hòa bình không phải là độc lập! Vì độc, nghĩa là cô độc, độc tài, thì phải bị cô lập, không sao tránh khỏi nạn chết khổ, bởi mãi phải chiến tranh nhau. Thế mới biết rằng, tự lập chẳng bằng toàn lập. Trong đời nếu ai cũng tự lập tức là phải tranh đấu, thất bại; sao bằng toàn lập, toàn thể tất cả lậïp nên cho mình, họ lại gìn giữ cho mình, ủng hộ mình. Ấy mới gọi là hoàn toàn, nên gọi hòa bình là toàn lập, hay đồng lập, chung lập. Lẽ ấy tức là chơn lý sống chung tu học của trong võ trụ, mà trong đời là: không ai tự mình có chi được cả.

Hòa bình cũng có nghĩa là chan hòa bình đẳng, gò đất cao chan sớt xuống cho trũng đất thấp, để được bằng nhau, không cao thấp long chong vấp té. Ấy mới gọi là: mặt đất thẳng bằng lý công võ trụ, làm chổ ngồi nằm ngủ nghỉ cho thiên hạ. Thế nên lời nói, ý tưởng chẳng bằng việc làm. Những ai có lời nói ý tưởng hòa bình, là tự mình phải làm việc. Việc làm của mỗi người, không ai cho ai, cũng chẳng ai ép bảo ai được. Chính hòa bình là ở từ trong tâm ý, và ngoài thân làm nói của mỗi người, gia đình xã hội, thế giới, chúng sanh, bằng sự đói no, chết sống sức trí, thiếu dư, tự biết chan hòa chia xẻ cho nhau mới gọi là lý Trung đạo.

Hòa bình mà khi xưa đức Phật dạy là:

1.- Trong đời chỉ có đạo đức tinh thần, đức hạnh của trí tâm mới là giáo pháp bình đẳng, vì ngó xem nơi đó thì nhân loại sẽ không còn phân chia giai cấp của xác thịt. Cũng như đức Phật khi xưa, Ngài dắt tay người gánh thùng phân cho vào nhập đạo. Và vị vua xứ ấy biết lễ nhà sư đó mà không câu nệ, ấy mới gọi là bình.

2.- Còn hòa là như trong Giáo hội Tăng già Khất sĩ không không danh lợi, các sư sống chung nhau hiệp một, với số đông nhiều đủ hạng bậc, mà gọi là chúng hiệp hòa. Bởi mỗi khi có xảy ra sự bất bình nhau, thì Phật dạy nên hãy êm ngay với nhau đi:

1.

Dùng cách tự thuận.

2.

Hoặc nói quyết rằng quên.

3.

Hoặc mình không biết, không cố ý.

4.

Hoặc xin lổi thành thật rằng mình đã lỡ phạm.

5.

Hoặc chuyển lên Giáo hội xem xét cho.

6.

Hoặc nhờ người quãng đại quyết định cho.

7.

Hoặc cùng nhau niêïm Phật bỏ qua khỏa lấp, như cỏ mới mọc.

Đó tức là hòa. Phép hòa là phép của Chư Phật dạy đạo cho các nhà sư, từ học trò để trở nên ông thầy, từ tiểu nhơn đến làm quân tử cũng giống như các trẻ nhỏ ở trong nhà trường lớp học.

Vậy thì muốn hòa bình là không nên tranh chiến. Muốn khỏi chiến tranh, thì chớ bảo thủ lợi danh. Hãy xem gương chư Khất sĩ Tỳ-kheo giải thoát xuất gia kia. Không hột gạo, chẳng của tiền, ăn chay xin nơi rau trái qua ngày, ăn, mặc, ở, bịnh, trong đời có sẳn, rãnh lo, sống chung tu học, tham, sân, si chẳng có. Thường làm việc đạo, mãi đi, không ở, đổi thay tiến hóa, chẳng có một niệm tranh đua. Không chiến tranh thì khỏi vái nguyện ước mong hòa bình chi hết.

Hơn nữa, có hòa mới có bình! Nếu muốn người hòa, thì mình phải thật sự hòa trước đã, vì không nhơn thì chẳng bao giờ có quả. Vậy âu là chúng ta hãy chớ tham ác, rồi mới sẽ bảo người đừng tham ác! Nghĩa là chúng ta có tu trước, cho người xem gương tu theo sau thì mới tiện việc. Hay là chúng ta phải biết quý trọng cái tham chung, là cái tham lam có biết chia sớt, không độc tài ích kỷ, bằng cách mình tham lam một mình, mà lại cấm không cho kẻ khác tham. Như kìa đám ăn trộm chia đồ, chẳng xong và rắc rối, thật là vô lý. Cũng như ta cắp lá rau của cỏ, ta trộm nhánh trái của cây, ta cướp mạng sống của thú, mà ta lại cấm thần quỷ chẳng cho làm giặc giết người thì âu cũng là một điều bất công quá đáng! Mà tại sao là chúng ta chưa chịu tu học sống chung, vì lẽ đã nhận biết ra, thân thể là món nợ vay, tội lỗi với tất cả. Nó không phải là ta hay của ta, ta không phải làm chủ nó được, vì trước khi sanh, cùng sau khi chết, hoặc trong mỗi lúc, là nó chẳng có chi hết. Có hiểu rõ thật như thế chúng ta mới sẽ thấy rằng: Cõi đời là đạo đức, và có đạo đức mớí có đời đời, là cõi đời là hòa bình vậy.

(Hãy tiếp xem bài Ăn và Sống, phép bình ngoại xâm sau này)

 

HÒA BÌNH IV

 

Vấn:

Chừng nào mới được hòa bình?

Đáp:

Ngày nay hiện tình của trong mỗi xứ, là đang sẵn có như vầy:

1.

Là những người tu giải thoát xuất gia Khất sĩ Tỳ kheo Tăng già.

2.

Là người tu tại gia cư sĩ các tông giáo.

3.

Là người chưa tu, đang ở trong gia đình xã hội.

4.

Là bởi do sự chia rẽ, loạn ly, hỗn tạp của lớp ấy, nên trong thế giới mới phải: mạnh được, yếu thua, như beo cọp, lớn nhỏ tranh giành nhau mãi.

     

Vậy thì trong mỗi xứ muốn được bình yên là phải cần do đạo đức, trước lập đạo, sau cứu đời mới đặng. Sự lập đạo ấy tức là hòa hiệp, hòa hiệp là sẽ bình yên, có hòa bên trong trước, thì ngoài mới sẽ bình sau. Nghĩa lý của sự hòa bình là như thế.

Vấn: Sao gọi là hòa bên trong?

Đáp:

1.

Phải hợp tác Tăng già, làm hột giống của trái trước hết, hợp tác bằng giới luật Phật.

2.

Phải liên hiệp tông giáo cư gia, làm ruột cơm của trái, kế đó liên hiệp bằng giới luật Phật.

3.

Phải cải tổ xã hội gia đình, làm bao vỏ của trái, sau chót cải tổ bằng giới luật Phật.

Cũng như vỏ chung dính ruột, ruột chung dính hột; vỏ che ruột, ruột che hột, hột nương ruột, ruột nương vỏ, làm một cái trái dính liền tròn trịa bằng sự kết giới luật, gọi là kết quả, tượng trái hòa bên trong, thì người ngoài mới sẽ biết quý trọng, giữ gìn, ủng hộ cất để, thương yêu không hủy hoại, mà được bình yên bên ngoài, nên gọi là trong hòa, thì ngoài bình, ấy nghĩa là hòa bình.

Hòa là đạo, hòa là quý, đạo quý là bởi giới luật, bởi thế mới chỉ rõ rằng: Giới luật là hòa, là lập đạo quý báu, thì sẽ bình yên, bình yên do quý báu. Khác nào cái trái tốt thơm, hay như viên ngọc quý báu, thì chúng ta mới sẽ cất giữ ủng hộ bình yên, còn quả hư đã xấu thì tránh sao được sự phá hại hủy hoại.

Vậy thì giới luật quý báu ở đời ấy là:

1.

Cũng như đạo Phật là giới luật xuất gia, có giới luật xuất gia mới gọi là Tăng già giải thoát, Khất sĩ Tỳ kheo. Giới luật xuất gia là hợp tác, có hợp tác mới có Tăng già, có đạo Phật.

2.

Cũng như đạo trời là giới luật tại gia, có giới luật tại gia mới gọi là chư Thiên thiện nhơn cư sĩ, giới luật tại gia là liên hiệp, có liên hiệp mới có chư Thiên, có đạo trời.

3.

Cũng như đạo người là giới luật xã hội, gia đình, có giới luật xã hội, gia đình, mới gọi là người. Giới luật xã hội, gia đình là cải tổ, có cải tổ mới có người, có đạo người.

Trong đời mỗi ai cũng đều có kỹ luật. Ví như làm vua phải nhiều giới hơn quan, quan phải nhiều giới hơn dân, cha mẹ phải luật răn nhiều hơn con cháu. Ai ai cũng phải như thế, thì lớn nói nhỏ mới nghe. Cũng như cha không uống rượu dạy con cữ rượu mới được. Vua không sát sanh, mới dạy được tù tội hiền lương. Quan không trộm cắp, thì dân mới trong sạch. Thầy không dâm dục thì trò mới trở nên lễ độ. Như vậy thì không có ai tranh giành chen lấn giớí luật chi nhau cả.

Có giới luật, mới không còn phải là đám rừng hoang hỗn loạn, thì con người mới sẽ định tâm sáng trí. Thế nên: Đạo Phật, đạo trời, đạo người, là giới luật. Tăng già, tông giáo, xã hội, gia đình, là giới luật. Giới luật là hòa, là đạo, là quả. Kết giới luật là kết quả quý báu vô cùng. Vì chúng sanh ở trong một xứ nào mà có đạo, có giới luật mặt đất tốt đẹp, có tu học sống chung thì đâu còn có sự ghét ganh hềm tỵ, vị kỷ, đối với nhau nữa. Chừng ấy tức là kẻ thiếu ăn, người thiếu sống, trong ngoài, với ai, người ta đều biết hiểu cho nhau, trao đổi cùng nhau, đâu còn ai đói chết mà không phải gọi là bình yên bên ngoài, bình yên lâu dài mãi mãi, do nhờ sự kết quả là kết giới luật Phật.

Với chơn lý ấy, mà thật hành đúng được, thì chừng đó, trong ngoài, việc lớn nhỏ, ta người, với ai, ở đâu, đều cũng thảy được hòa bình hết.

Đọc nghe nơi bài này, chúng ta xem như là sự hòa bình rất dễ dàng và ít có. Nó dễ dàng là bởi thời kỳ nay, ai cũng đang chán nản giác ngộ, chỉ còn muốn biết học tu thôi. Ấy là nhơn duyên của đời đạo đức, xứ thiên đường, quốc độ Phật đã kết tượng, hay là giáo lý đại đồng sắp đang thành lập đó. Và nó ít có là bởi xưa nay, thế giới chiến tranh văn minh cũng ít có. Cõi đời biến thành đạo đức, ít có, là cũng bởi xưa nay ít có ai chịu biết mình, biết người, theo lẽ trăm việc trăm nên, nên để phải mãi loạn rối vì nhau. Phần đông chúng ta là chỉ ngó bên ngoài, mà quên hẳn bề trong. Cũng như người kia mãi lo tìm cách tranh hơn thua bằng tay chân cửa miệng với người ngoài, để mong tạo sắm cửa nhà đồ ăn mặc, nhưng lại quên hẳn chứng bệnh trong mình, vì vậy mà họ phải bị chết thân bỏ của, nên hồn oan thêm uất hận.

Ngay như trong xứ này cũng thế, nếu lo bình được nước ngoài, thì bên trong chắc đã chết với nhau hết rồi, đâu còn có ai sống sót ngày mai. Chính hiện nay chúng ta xét xem kỹ lại, thì mới biết là trong xứ đang nội loạn bất hòa với nhau, chớ giặc giã ngoại xâm đâu có thấy mà tính lo bình.

Kìa như trong tâm ta chẳng định hòa, thì thân thể chẳng bình yên. Cũng giống như trong thân chẳng điều hòa, thì bên ngoài ta sẽ không bình yên với ai, và cũng chẳng ai chịu bình yên với ta hết!

(Hãy tiếp xem bài Đời Đạo Đức, phép hòa nội loạn sau này)

 

HÒA BÌNH V

 

Vấn: Có hòa bình chăng?

Đáp: Chỉ có đạo đức mới có hòa bình, bằng không đạo đức thì chẳng có hòa bình, mà là những hòa bình tạm dối, không bền thật.

Nghĩ xét lại, dầu chúng ta muốn không hòa bình đi nữa, nhưng lâu sau khi hết sức không còn chiến tranh nổi được, thì cũng phải đến lúc hòa bình ngưng tạm, chớ sức đâu mà lại kéo dài thêm mãi! Vậy thì trong cái kia là đang có sẵn chứa cái nọ.

Chính chiến tranh của nước này với những nước kia, có ra là bởi do trong nước này, trong xã hội không có giới luật, ví như cái võ trái thúi dơ nên người ta mới nắn nhồi chữa sửa!

1.- Cũng không khác nào, bởi Tăng già chia rẽ, không giới luật, hoặc hành sai, không thiện lành trong sạch, như hột giống bể hư, thì các tông giáo cư sĩ, ruột cơm, mới phải bóp chặt lọc dính lại, lột áo Tăng già; ấy không phải vì ghét giận, hoặc áp chế độc tài, mà là vì sự quý trọng trợ giúp Tăng già, ủng hộ chỉnh đốn, để tôn Tăng già lên cao, cho có bước chân tông giáo tiến lên, cùng nối dấu. Ấy là ruột bao hột, hột có ra do ruột, bởi ruột là nuôi hột, nên bổn phận tông giáo, hộ pháp Tăng già, là phải như thế.

2.- Cũng giống như, bởi Tông giáo phân ranh, không giới luật hoặc hành sai, không thiện lành trong sạch, ruột bị bể hư, thì các gia đình xã hội trong xứ, cái vỏ mới phải bóp chặt lọc dính lại, đốt bàn thờ tông giáo; ấy không phải vì ghét giận, hoặc áp chế độc tài, mà là vì sự quý kỉnh, trợ giúp tông giáo, ủng hộ chỉnh đốn, để tông giáo lên cao, cho có bước chân người xã hội tiến lên, cùng nối dấu! Ấy là vỏ bao ruột, ruột có ra do vỏ, bởi vỏ là nuôi ruột, nên bổn phận xã hội hộ pháp tông giáo, là phải như thế.

3.- Xã hội cũng y như vậy, bởi xã hội loạn ly, không giới luật, hoặc hành sai, không thiện lành trong sạch, như cái vỏ bể hư, thì các nước ngoài bàn tay, mới phải bóp chặt lọc dính lại, đàn áp phá sản xã hội! Ấy không phải vì ghét giận, hoặc áp chế độc tài, mà là vì sự quý kỉnh trợ giúp xã hội, ủng hộ chỉnh đốn, để tôn xã hội lên cao, cho có bước chân của các nước tiến lên, cùng nối dấu đó thôi! Ấy là bàn tay bao nắm vỏ, vỏ có ra do bàn tay, bởi bàn tay là nuôi vỏ, nên bổn phận các nước hộ pháp xã hội, là phải như thế chính là họ phải chữa sửa xoay chuyền cho nhau.

Ấy mới biết rằng: tại người ta chưa giác ngộ lo sợ, chớ bàn tay là sanh vỏ, vỏ là sanh ruột, ruột là sanh hột, từ dưới tiến lên, từ ngoài sanh vào, từ bàn tay đến hột, là phải như thế! Bàn tay ngoài tuy lớn, hột trong tuy nhỏ, mà mục đích của bàn tay, là để đến với hột: Nghĩa là các nước nhân loại chung, ai ai rồi cũng đến với đạo đức làm Tăng, Tăng là hột giống, cái có của chúng sanh. Nhưng bởi bên trong hột, Tăng chưa có hoặc hư bể, nên bàn tay phải bắt từ ngoài bao nắm tạo sanh vào! Chớ nếu bên trong đã tốt đẹp rồi, hột đã chắc tròn liền, là hột làm của cho ruột; ruột dính tròn liền, là ruột làm của cho vỏ; vỏ tốt tròn liền,  là vỏ làm của cho tay, thì bàn tay đâu có nắm bóp nắn nhồi chi nữa, mà không phải là hòa bình, là hòa hiệp, thì sẽ bình yên.

Thế mới gọi đời là lẽ sống chung tu học, càng nhiều thiện lành trong sạch, có giới luật, của từng lớp một như nhau, là báu quý tốt đẹp lắm. Còn ai không kỹ luật là tất nhiên phải bị tai nạn sợ sệt, vì tưởng sai, lầm hiểu.

Có biết rõ như vậy, mới thấy ra võ khí sức lực của trong đời, là chỉ dùng phòng ngừa sự thất luật, cùng việc bất ngờ thôi, chớ hòa bình là ở tại nơi giới luật đạo đức, nếu ai đem chỉ ra bằng lời nói rõ rệt, là sẽ nên được việc!

Kìa bởi lời nói đạo lý chỉ đúng ra kết quả, nên xưa kia vua Nghiêu, Thuấn, ở chòi tranh vách lá, mà dạy được thiên hạ khắp xứ phục tùng! Như Tăng sư hột giống bên trong không danh lợi, mà dạy đạo lý cho các nước khác bàn tay ngoài. Khỏi phải có lầu đài, thành quách cung điện nguy nga cũng được; vì ở nơi đó thì lẽ phải, khó nói ra. Đã ít ai chịu tin nghe theo, mà còn bị mang tiếng, có kẽ gọi thất đức tổn nhơn là khác.

Thế thì nào tài trí đức hạnh, há phải chỉ bên ngoài!

Nhưng sao trong đời, chúng ta nhìn xem kỹ lại, đâu là người áo vá ba manh bô bố, được ngồi nơi giữa nhóm đông xã hội, để chung bàn định về sự hạnh phúc của toàn dân. Bởi nếu những ai chưa từng gần gũi với chúng sanh nạn khổ, chưa biết cái khổ của nhơn loại, mà lại lo việc giải khổ cho thiên hạ; lãng quên rằng: mình đang sướng vui đạp trên cái khổ của thiên hạ, thì lời nói: chúng sanh là bình đẳng, dân là chủ gốc của xã hội, e có khi sai lạc.

Cũng vì thế mà việc rối của đời, là ai cũng chán nản quá, lắm kẻ chỉ còn muốn nhắm mắt chết ngủ nghỉ thôi, vì sớm muộn gì thì ai cũng phải chết, mà cho rằng: ai giết hại sao cũng được, bởi biết đâu, tại mình giết hại thú cỏ cây xưa nay nhiều quá, là nay phải vui lòng chịu quả báo đền tội, mà than rằng: trong đời chúng sanh vẫn sao mê muội.

 

HÒA BÌNH VI

 

Vấn: Chiến tranh có từ đâu?

Đáp:

1.- Sở dĩ có chiến tranh, là bởi trong đời có khóa sưu thuế vụ. Chiến tranh là để giành phần khóa sưu thuế vụ, chớ nếu các cái ấy không có, thì tranh đấu để ích lợi gì?

Kìa như khi xưa, nhà vua Nghiêu, Thuấn, bản chiêu mộ có tự người ghi tên, sổ lạc quyên có tự người ký sổ, khởi việc làm có tự người giúp công, thảy đều tự lòng người phát tâm, chớ không hề ép buộc, nên không hay sanh trái nghịch, và cũng chẳng ai đua chen giành lấn việc làm: vì nếu mục đích phải, là sẽ có tự lòng người phụ trợ, do đó mà trong thiên hạ mới đặng chỗ thái bình, thái bình nhờ nơi bình đẳng, vì ai nấy cũng như nhau.

2.- Xưa kia sĩ hiền đạo đức như đầu, nông phu là bụng, công thợ làm tay, thương mãi là chân, ấy tức như một thân hình, đầu trên chơn dưới, tôn thờ đạo đức làm đầu, hạ dẹp tham muốn làm chơn, thì thân hình xuôi thuận, thế mà về sau trái lại, người ta tôn sùng cái muốn tham thương mãi lên cao, hạ dẹp đạo đức sĩ hiền xuống thấp, cũng như thân người lộn ngược, chân trên, đầu dưới, tay công nghệ quơ quào, vì đó mà ngoài chợ thì thương gia áp chế sĩ hiền, trong xóm thì công thợ hiếp đáp nông phu, khiến nên đầu ruột lộn nhào, bàn chân ngất nghểu, đứng đi không đặng, lại bị lún ngộp chìm sâu, sanh ra khổ họa.

Vậy muốn được bình yên, thì trước phải hạ dẹp lòng thương mãi muốn ham, như chân kia đã được đứng xuống, tay công thợ chỏi đất đi lên, buông lìa ác vật, để cho trong đời có được sĩ, nông, công thương xuôi thuận, đầu trên chân dưới, đạp đất đội trời, đi trên vật chất, đứng dưới tinh thần, thì mới mong sanh chúng hòa yên, thái bình thiên hạ.

3.- Kìa như người xưa, lẽ sống ăn của già, lớn, nhỏ khác nhau. NHỎ sống ăn bằng xác thân vật chất, cái ác; LỚN sống ăn bằng lý trí, tinh thần, lẽ thiện; GIÀ sống ăn bằng chơn tâm, đạo đức trong sạch.

Nhưng nếu khi nào người già mà còn sống ăn lẽ thiện, người lớn mà còn sống ăn cái ác, thì trẻ nhỏ bảo sống ăn trong sạch sao đặng mà chẳng phải là ba hạng chiến tranh nhau. Ông già giết người lớn, người lớn hại trẻ nhỏ, trẻ nhỏ giết hại ông già, thật rất uổng mạng oan thay cho người lớp dưới, bởi kẻ trên đi ngược, mà bảo phải hòa bình làm sao cho được.

4.- Còn đây là sự tương đối của nghèo giàu!

Một người kia may mắn, gặp sanh nơi đất tốt, trúng mùa, duyên cảnh cho giàu, nên của nhà ai no dư thì nấy hưởng. Còn người nọ chẳng may, gặp đất xấu thất mùa, duyên cảnh bảo nghèo, nên phải góp sức sớt chia tương tế cùng nhau cho qua cơn đói hụt, ấy tức là do cảnh ngộ khác nhau, khó ai mà theo cảnh trạng của người khác. Vì thế mà sự hiểu biết chẳng đồng nhau; khác nào như trường học đủ lớp đủ cỡ học sanh, ai hạp duyên nào thì học lớp nấy, há phải đâu tất cả, mà chỉ bắt học một bài, của một người như một hạng bậc được. Ví bằng trong đời, có một người giàu sang nào, áp chế một người nghèo hèn nọ, thì âu cũng chỉ là riêng từng người đó chớ phải đâu hết thảy bậc sang giàu là ác quấy; còn người nghèo nào gian xảo là cũng sẽ có riêng từng người, chớ phải đâu hết thảy ai nghèo là càng bậy. Vậy thì sự xung đột ấy có xảy ra, là cũng phải do riêng từng người ấy với nhau, chớ phải đâu kẻ ngoài đi bênh vực chủ nghĩa, để hại lây với nhau làm chi cho nhọc.

Có xét như thế, mới thấy ra chiến tranh vốn không thù hận, vô lý là bởi sự thiếu hiểu tin lầm, vì mãi ở xa nhau, chưa biết ra sao lẽ phải sự thật của nhau, thiếu thân cận thương yêu, nên mới phải dễ dàng vì nhau xích mích.

5.- Mà biết đâu chiến tranh ấy, chẳng là nghiệp báo của chúng sanh chung, đã do quá khứ hiện tại gieo nhơn, vì thân miệng ý, mãi rủa chửi vọng ngôn, chém đâm đánh đập, tánh ác tập quen, làm gương, gây hận, khiến nên lòng ngã ái nâng cao, mới chấp khư nơi danh từ giáo lý, của nghiệp ác mây che, chẳng thấy ra đạo là đường lẽ phải có một: bài học thì phải đổi thay mãi, các lớp tuy nhiều nhưng đều vẫn chung một trường, cùng chung một sự học, là phải tiến lên, để gặp chung nơi lớp trên, mà bỏ hết, không còn đem theo cái biết chi của lớp dưới nữa.

6.- Sự chiến tranh nhau ấy, có khác nào như buổi mới tựu trường, những kẻ mỗi năm, mới gặp trường lần thứ nhứt, nên ngơ ngác lạ lùng, lại còn quen tánh cũ buông lung, đua chen giành lấn trong lúc chưa tới giờ, lớp ranh chưa phân biệt, chưa hiểu mục đích của học là chi (...).

Thế mới hay rằng: Đời là trường học, chúng sanh ấy học trò, trường học có yên là chỉ do thầy giáo, mọi người đều được hiểu biết mục đích của biết là học, của linh là tu, của sống là tạm sống chung, đang ở trong trường học với nhau, cùng học là để cho được sáng suốt hiền lương khỏi khổ vậy. Thật thế, trong đời mà chúng sanh được biết mình đang là học trò, và hiểu rõ công lý biết sợ tội lỗi, đừng bắt bảo kẻ khác phải sợ mình, đừng làm tội khổ, chết người, chi cho sanh điều vay trả, có học, biết đạo, ắt là hòa bình nhau mãi, ấy là tốt đẹp quý hay hơn hết.

 

CẦU NGUYỆN HÒA BÌNH 7

 

Đời gặp thuở can qua chinh chiến,

Sống những ngày nguy biến kinh tâm;

Kéo dài thê thảm nhiều năm,

Đầy trời sát khí cõi âm hiện hình!

Kẻ thác đi hồn linh tức tưởi,

Người sống còn rũ rượi sầu thương.

Kể đâu hết khúc đoạn trường,

Bàn tay ác liệt vô thường gây nên?

Thử xét lại căn nguyên giặc giã,

Bởi loài người mất cả lòng nhơn.

Thế thì đạo đức hết trơn,

Mất sao mất cả chữ NHƠN là người?

Đời như thế mất đời có phải?

Chữ đời là mãi mãi đời đời,

Nhơn từ ấy đạo bền dài,

Vĩnh miên trường cửu đạo đây là đời.

Đời không đạo nên đời loạn khổ,

Đạo ở đời thật chổ yên vui

Dài dòng chẳng nói xa xuôi,

Tiến lên đạo chánh dẹp lui đường tà.

Cầu học đạo ấy là cầu nguyện,

Cầu sao cho phổ biến chúng sanh.

Thế gian tất cả hiền lành,

Tức thời thế giới hòa bình tự nhiên.

Một lẽ nữa căn nguyên giặc giã,

Bởi người đời tham chạ giựt giành;

Miếng ăn lẽ sống cho mình,

Mà bao kẻ khác điêu linh khốn nàn

Đạo cứu thế muôn ngàn điều luật,

Đây hai điều phương thuật cứu tinh:

Không trộm cắp, không sát sinh,

Ấy là hai đấng thần linh hộ trì.

“Nhơn bất sát” không khi nào giết.

“Sát bất nhơn” mất biệt tiếng người;

Bao nhiêu loài vật trên đời,

Cũng là mạng sống, cũng thời mang thân.

Cũng đau đớn chịu phần sanh tử

Nỡ lòng nào bày sự giết ăn!

Oái oăm bạc ác vô ngằn,

Giết thân kẻ khác nuôi thân của mình.

Tâm đã chẳng động tình bi thiết,

Mất thiên lương lịm chết cõi lòng.

Quen tay giết được đèo bòng,

Mạng người đồng loại cũng không ngại ngùng

Càng tập nhiễm ăn dùng huyết nhục,

Tánh tình người lắm lúc đổi thay;

Thấm vào cơ thể lâu ngày,

Hòa chung chất máu các loài thú muôn.

Đời hăng hái say cuồng chém giết,

Bởi nung bầu nhiệt huyết bùng sôi;

Hồn oan chết thảm không nguôi.

Thù xưa vương vấn giục xui giặc loàn.

Nay bằng muốn giải oan dứt nghiệp.

Phép tu trì cần kíp ban hành;

Mỗi người phải cử sát sanh,

Xót thương loài vật lòng lành ăn chay.

Theo luật sống chẳng ai đặng giết,

Không sanh người sao diệt mạng người,

Lập nên luật sống ở đời,

Bảo tồn mạng sống các loài nhỏ nhen.

Nếu con kiến có quyền được sống,

Thì loài người luật rộng biết bao;

Tự do sống mãi bền lâu,

Miễn đừng đoản mạng giảm thâu tuổi dài …

Ăn để sống mỗi ngày đơn giản,

Mễ cốc đều có sẵn khắp nơi.

Cấy cày trồng tỉa đua bơi,

Ấy là phận sự của người cư gia.

Bậc giải thoát lìa xa nghệ nghiệp,

Được nhẹ mình độ tiếp chúng sanh;

Hạnh tu Khất sĩ lữ hành

Mỗi ngày khất thực trì bình giáo khuyên.

Mượn pháp ấy làm duyên tế độ.

Cho thế trần được chỗ gieo nhơn.

Tập lần bố thí ra ơn,

Lòng tham dứt bỏ, đạo chơn hầu gần.

Đã bố thí một lần cả thảy,

Lộc của mình để lại cho đời;

Ra đi chẳng dính trong người,

Một tăm danh lợi, hoặc hơi của tiền.

Rồi xin lại luân phiên mỗi bữa,

Một bát cơm đủ chứa dạ dày;

Chẳng dư cất để nhiều ngày,

Không hay phung phí tốn xài chi chi

Người bố thí sau khi mình thí,

Nên kẻ đời gắng chí học theo.

Lòng tham làm giặc hiểm nghèo,

Hạnh tu bố thí gương treo sửa đời.

Pháp khất thực dạy người bố thí

Cùng dạy mình chơn lý không tham;

Bao giờ dứt tánh mê ham,

Muôn ngàn phận sự việc làm đều xong

Bằng trái lại nếu không huấn tập,

Bước ra đời tạo lập thân danh;

Ô hô! Sự nghiệp tan tành,

Lại thêm báo hại chúng sanh khổ sầu.

Trong đời phải cần tu hai pháp:

Ăn chay và vui hạp đi xin;

Luật nghiêm giới cấm giữ gìn,

Muôn người hoà hiệp như in một người.

Ấy phương pháp lập đời đạo đức,

Dẫn loài người đến mức yên vui;

Không còn loạn khổ chia phui,

Ủ ê tang tóc ngậm ngùi đau thương!

Cùng hiệp trí tìm phương cầu nguyện,

Cầu xin cho xuất hiện triết nhân;

Đảm đang phận sự độ trần,

Cao xuê ngôi vị đáng phần Thế Tôn.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH-CA MÂU NI PHẬT. (3 lần)

 

-----oo0oo-----

Nghe Chơn Lý

BÀI LIÊN QUAN

Chơn Lý 66 - Pháp học Cư sĩ  ( Tổ sư Minh Đăng Quang , 11559 xem)

Chơn Lý 62 - Lễ giáo  ( Tổ sư Minh Đăng Quang , 10306 xem)

Chơn Lý 49 - Pháp Tạng  ( Tổ sư Minh Đăng Quang , 9899 xem)

Chơn Lý 13 - Y Bát Chơn Truyền  ( Tổ sư Minh Đăng Quang , 12355 xem)

Chơn Lý 32 - Đi Tu  ( Tổ sư Minh Đăng Quang , 10562 xem)

Chơn Lý 38 - Nguồn Đạo Lý  ( Tổ sư Minh Đăng Quang , 8906 xem)

Chơn Lý 37 - Trường Đạo Lý  ( Tổ sư Minh Đăng Quang , 8825 xem)

Chơn Lý 50 - Vô Lượng Cam Lộ  ( Tổ sư Minh Đăng Quang , 11231 xem)

Chơn Lý 52 - Đại Thái Thức  ( Tổ sư Minh Đăng Quang , 8499 xem)

Chơn Lý 53 - Địa Tạng  ( Tổ sư Minh Đăng Quang , 9219 xem)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC


NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên

 

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương

 

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ
  • Thích Nữ Bạch Liên
  • Thích Nữ Thanh Liên
  • Thích Nữ Kim Liên
  • Thích Nữ Ngân Liên
  • Thích Nữ Chơn Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Tạng Liên
  • Thích Nữ Trí Liên
  • Thích Nữ Đức Liên
  • Thích Nữ Thiện Liên
THÔNG BÁO

Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)

Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến

Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày

VIDEO HÔM NAY

Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO

Pháp âm MP3

  • 0 - Lời Mở Đầu
  • 01 - Võ Trụ Quan
  • 02 - Ngũ Uẩn
  • 03 - Lục Căn
  • 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên

LỊCH VIỆT NAM

THỐNG KÊ