Trang chủ > Đức Phật > Vesak 2014
Vài nhận định về thế kỷ XXI theo quan điểm Phật giáo
Xem: 5550 . Đăng: 11/05/2014In ấn
Vài nhận định về thế kỷ XXI theo quan điểm Phật giáo
(Bài tham luận hội thảo khoa học chào mừng Đại lễ Vesak 2014 tại Việt Nam)
Hòa thượng Thích Giác Toàn
Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN
Phó ban Thường trực Ban giáo dục Tăng Ni Trung ương
A. Nhập đề
Bước vào thế kỷ XXI, loài người tiếp tục có những tiến bộ vượt bậc về mặt khoa học kỹ thuật, đặc biệt là trong các lĩnh vực sinh học, y học, dược học, công nghệ truyền thông thông tin, vật liệu mới, năng lượng mới, công nghệ siêu vi… khiến cho cuộc sống của loài người ngày càng có thêm nhiều tiện nghi. Tuy nhiên, về mặt nhân sinh, xã hội loài người chẳng những đã không an lạc hạnh phúc hơn mà còn có những biểu hiện suy thoái ngày một trầm trọng.
Chủ nghĩa cực đoan về dân tộc và tôn giáo hồi sinh một cách mạnh mẽ mang lại những phân hóa sâu sắc trong cộng đồng loài người khiến xuất hiện những mâu thuẫn trầm trọng đưa tới những tranh chấp gay gắt là tiền đề để việc chạy đua vũ trang, không những chỉ xuất hiện giữa các nước tiên tiến mà ngay cả ở những quốc gia đang phát triển; có những chứng cớ cho thấy vũ khí hủy diệt hàng loạt rất dễ lọt vào tay những nhóm người có tư tưởng không khoan nhượng đe dọa những cuộc tàn sát tập thể. Chủ nghĩa tiêu thụ được các tập đoàn sản xuất kinh tế thương mại đa quốc gia đẩy mạnh để thu tóm lợi nhuận ở cấp độ toàn cầu khiến mọi người đều khao khát vật chất dẫn đến việc hoặc gom góp tích tụ của cải hoặc cướp bóc trộm cắp nếu không đủ năng lực tài chánh, cũng làm cho xã hội con người trở nên hỗn loạn.
Hoạt động truyền thông được phương tiện máy tính và mạng toàn cầu hỗ trợ càng khoét sâu thêm tình trạng phân hóa về mặt tư tưởng nhận thức khiến con người thay vì thông cảm nhau thì lại càng xa lạ với nhau. Sự khao khát vật chất dẫn đến việc bùng nổ khai thác tài nguyên thiên nhiên đến mức cạn kiệt, đối xử với thiên nhiên một cách thô bạo mà hệ quả là sự biến đổi khí hậu một cách khắc nghiệt, làm hủy hoại môi trường sống, làm tuyệt chủng nhiều giống loài vẫn sống trên quả địa cầu, là nguyên nhân của tình trạng thiên tai xuất hiện dày đặc và những dịch bệnh mới hoành hành. Những người có tiên kiến, các học giả, các nhà khoa học, những bậc tu hành… đã lên tiếng báo động tình trạng hủy diệt của quả địa cầu nếu những thách thức lớn của nhân loại trong thế kỷ XXI này không được khắc phục một cách thích đáng.
Có lẽ con người đã lâm vào tình trạng nguy hiểm như hiện nay là vì lối sống của thời kỳ hậu kỹ nghệ hóa đã được phổ biến ở mức toàn cầu. Khi cuộc cách mạng kỹ nghệ diễn ra, hoạt động nghiên cứu khoa học của con người được đẩy mạnh, phục vụ cho việc sản xuất nhiều hàng hóa hơn với ít chi phí hơn và tiêu thụ ít nguyên liệu hơn. Tuy nhiên, lòng tham của con người cũng đã đẩy các nghiên cứu khoa học đến chỗ cố gắng thỏa mãn mọi khao khát của con người; và vì tài nguyên của quả đất có hạn trong khi khao khát cần thỏa mãn của con người là vô hạn, nên đã có sự tranh giành nguyên liệu một cách quyết liệt giữa các tập đoàn sản xuất. Mặt khác, nếu như trước đây việc giải thích các bí ẩn của thiên nhiên thường dựa trên các luận thuyết siêu hình của các tôn giáo độc thần làm chủ đạo, thì khi khoa học tiến bộ, cách giải thích ấy đã tỏ ra lạc hậu, khiến cho con người cảm thấy mình đã làm chủ được mọi quy luật thiên nhiên, đã trở nên ngang bằng với đấng sáng tạo, họ phủ nhận những giá trị thiêng liêng, họ tiếp tục duy trì tín lý rằng con người là sinh vật được chọn để cai quản vũ trụ, và hy vọng rằng trước mọi bế tắc, luôn luôn sẽ có những sáng tạo đúng lúc để cứu loài người ra khỏi sự bế tắc đó. Chính vì thế, những người có trách nhiệm đã bỏ qua mọi lời cảnh báo của giới thức giả, những vị có nhận thức đứng đắn rằng có một sự tương quan mật thiết giữa cá nhân con người với cộng đồng và giữa cộng đồng con người với môi trường; không những thế, con người hiện tại còn có trách nhiệm không chỉ với cuộc sống đang diễn ra mà còn có bổn phận gìn giữ môi trường sống trong lành cho các thế hệ đến sau. Những người này tuy không công nhận một vị Thượng Đế toàn năng quản lý việc vận hành vũ trụ nhưng cũng không chấp nhận quan điểm con người là chủ tể của vũ trụ, một quan điểm rất gần với giáo lý của Đức Phật.
Quả thực, từ hơn hai trăm năm qua, khi Đông và Tây gặp nhau, nhiều học giả phương Tây đã nghiên cứu Phật giáo dưới ánh sáng khoa học, đã nhìn nhận rằng Phật giáo là cả một học thuyết hoàn chỉnh thuyết minh về một lối sống hài hòa, bền vững, giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, cũng như giữa con người với toàn thể các loài động thực khoáng vật trên địa cầu. Vấn đề được trình bày ở đây là trong thế kỷ XXI này, trước những thách thức lớn của loài người, Phật giáo sẽ có thể có những đóng góp gì cho nhân loại.
B. Những thách thức của thế kỷ XXI đối với loài người
Trong phiên họp toàn thể ngày 8 tháng 9 năm 2000 của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, những người đứng đầu chính phủ các quốc gia thành viên đã thông qua một nghị quyết gọi là Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc. Sau khi khẳng định nhiệm vụ và cam kết trách nhiệm của những người đứng đầu chính phủ các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc về việc bảo vệ phẩm giá loài người và gìn giữ sự hài hòa của cộng đồng quốc tế, bản Tuyên ngôn nêu lên những giá trị thiết yếu đối với mọi quan hệ quốc tế cần được tuân thủ trong thế kỷ XXI, bao gồm Tự do và Bình đẳng cho mọi người, Tình Hữu nghị cho mọi xã hội, Sự Bao dung giữa các cộng đồng, Việc tôn trọng thiên nhiên và Tinh thần chia sẻ trách nhiêm chung của toàn thể nhân loại. Bản Tuyên ngôn cho rằng để chuyển những giá trị thiết yếu đó thành hiện thực, những vấn đề được đặc biệt quan tâm ở mức độ phổ quát gồm có gìn giữ Hòa bình, An ninh và tiến hành việc Giải trừ quân bị; thúc đẩy Sự Phát triển và cố gắng Xóa bỏ tình trạng nghèo đói; đẩy mạnh công tác Bảo vệ môi trường sống của cả cộng đồng nhân loại; cố gắng phổ biến việc tôn trọng Quyền con người, thúc đẩy nền chính trị Dân chủ và Việc Quản trị có hiệu quả; cam kết Bảo vệ nhóm người dễ bị xâm hại. Ngoài ra, Bản Tuyên ngôn còn nêu lên việc Đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của châu Phi và Tăng cường hiệu năng hoạt động của Liên Hiệp Quốc. Trên cơ sở của bản tuyên ngôn này, các cơ quan hữu quan của Liên Hiệp Quốc cũng đã soạn thảo Những mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc đến năm 2015 với 8 đề mục được nêu là Xóa bỏ nghèo đói, Giáo dục phổ thông, Bình đẳng giới tính, Sức khỏe trẻ em, Sức khỏe sinh sản, Chống HIV/AIDS và các chứng bệnh nguy hiểm khác, Bảo vệ tính bền vững của môi trường và kêu gọi Sự hợp tác toàn cầu.
Người ta biết rằng những giá trị và mục tiêu mà Liên Hiệp Quốc nêu ra là sự đúc kết những thách thức chung đối với nhân loại của thế kỷ XXI đã được dự báo trước đó bởi nhiều khoa học gia và các nhà tư tưởng có ảnh hưởng trên thế giới. Điểm qua một số những kiến nghị và cảnh báo đã được phổ biến nhiều trên thế giới, ta có thể nêu lên những thách thức chính của nhân loại trong thế kỷ XXI được nhiều tác giả cùng nhắc đến. Ở đây, ta có thể phân loại những thách thức này thành ba chủ đề chính: thứ nhất thuộc về vấn đề sinh thái, thứ hai liên quan đến an ninh và hòa bình của nhân loại,và thứ ba là về lối sống của con người.
1. Những thách thức liên quan đến sinh thái
Từ giữa thế kỷ XX, nhiều nhà khoa học đã quan tâm đến sự thoái hóa của môi trường sống, thể hiện qua tình trạng cạn kiệt nguồn không khí, nguồn nước và lớp đất mặt màu mỡ, dẫn đến việc hủy hoại môi sinh và làm tiệt chủng những loài sinh vật hoang dã.
Những phương tiện quan trắc đã được đặt ở nhiều nơi trên thế giới để đo đạc mức độ ô nhiễm của không khí, của nguồn nước và những khảo sát ở diện rộng đã xác định tình trạng sa mạc hóa tại nhiều nơi trên thế giới.
Con người không thể sống mà thiếu không khí nhưng bầu không khí bao quanh chúng ta đã bị ô nhiễm trầm trọng. Mặc dù không khí bị ô nhiễm bởi nhiều tác nhân khác nhau, nhưng sự tác động từ phía con người vẫn là quan trọng nhất. Các nhà khoa học đã chỉ ra những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí bao gồm khói bụi thải ra từ nhà máy và các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu dẫn xuất từ dầu hỏa, các loại hóa chất được phóng thích ở dạng bụi trong lúc thực hiện việc đốt rừng làm rẫy, các hình thức khói bụi phóng thích vào khí quyển do thói quen sử dụng các loại bình phun hóa chất dùng trong canh tác hoặc trong việc làm đẹp, và một tác nhân mà ảnh hưởng ngày càng tăng là những bãi rác thải, kể cả rác công nghiệp lẫn rác dân dụng.
Nước là yếu tố không thể thiếu cho cuộc sống của loài người. Mặc dù hành tinh của chúng ta được mệnh danh là hành tinh nước, nhưng chỉ có khoảng 2,5% lượng nước trên địa cầu là nước ngọt, có thể đáp ứng nhu cầu sống của con người; trong đó có khoảng 69% lượng nước ngọt bị đóng băng ở Nam cực và quanh quần đảo Greenland ở Bắc cực. Nước này gồm cả nước mặt và nguồn nước ngầm. Thế nhưng nguồn nước này cũng đã chứa rất nhiều chất độc hại, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người mà còn gây hại cho cả những sinh vật vẫn sống trong môi trường nước. Theo các nghiên cứu, việc làm ô nhiễm nguồn nước không thể quy cho tất cả là lỗi của con người, nhưng tác động của con người vẫn là quan trọng nhất. Người ta đã chỉ ra nguyên nhân quan trọng nhất gây ô nhiễm nước là việc đưa trực tiếp nước thải công nghiệp hay nước thải sinh hoạt ra ao hồ sông suối không qua xử lý. Nước ngầm cũng bị ô nhiễm bởi việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu, phân bón trong hoạt động nông nghiệp. Phần nước mặn bao quanh quả đất gọi là biển, tuy không đáp ứng trực tiếp nhu cầu sống của con người nhưng lại là yếu tố mang lại sự điều hòa khí hậu trên mặt đất, một môi trường vận chuyển tích cực phục vụ việc giao thông và cung cấp một nguồn thực phẩm vô cùng phong phú cho loài người. Tuy nhiên, biển hiện không còn là nơi an toàn cho sự sống của các sinh vật biển và đã dần dần đánh mất tác dụng điều hòa khí hậu, cũng bởi những tác động của con người, nặng nề nhất là công nghệ khai thác dầu khí trên biển, những vụ tràn dầu trong khi vận chuyển, việc thải rác công nghiệp ra biển và những hoạt động đánh bắt theo kiểu tận thu.
Đất là yếu tố nâng đỡ toàn bộ sinh hoạt của loài người nhưng quan trọng nhất là lớp đất mặt, được gọi là “lớp da của quả địa cầu”, nơi diễn ra sự tương tác giữa thạch quyển, thủy quyển, khí quyển và sinh quyển. Đất là hỗn hợp của các khoáng chất, các chất hữu cơ, chất khí, chất lỏng và vô số các loại vi sinh vật, có tác dụng nuôi sống thực vật. Tương tự các yếu tố không khí và nước, đất cũng có thể bị suy thoái bởi nhiều tác nhân khác nhau nhưng cũng như hai trường hợp trên, tác nhân quan trọng nhất làm suy thoái lớp thổ nhưỡng cần thiết cho đời sống của loài người vẫn là con người. Đất bị suy thoái thể hiện qua các hiện tượng xói mòn, bạc màu, biến thành hoang mạc… Một trong những sản phẩm của đất là rừng cũng đang bị con người khai thác theo kiểu hủy hoại khiến ngay cả những khu rừng nguyên sinh từng tồn tại hàng ngàn năm cũng lần lần bị biến mất.
Khi ba yếu tố không khí, nước và đất bị ô nhiễm, bị thoái hóa mà không kiểm soát được, toàn bộ quả đất bị ảnh hưởng. Những hiện tượng như lỗ thủng của tầng ozone, hiệu ứng khí nhà kính, tình trạng quả đất ấm dần lên, nước biển xâm nhập đất liền, sạt lở đất, sóng thần, lũ quét, mưa bão, cháy rừng, núi lửa hoạt động mạnh bất thường, đất sụt, tuyết lở, tan băng ở vùng Bắc cực, mực nước biển dâng cao, mực nước ngầm sụt giảm, đất đai biến thành hoang mạc, sự tuyệt chủng các sinh vật hoang dã, sự mất cân bằng sinh thái, sự xuất hiện những căn bệnh mới vì có những loài vi khuẩn mới có khả năng tự điều chỉnh để chống lại mọi hình thức chữa trị… chỉ là những hệ quả tất yếu.
2. Những thách thức liên quan đến an ninh và hòa bình thế giới
Chiến tranh đã được biết đến như một trong những phương thức giải quyết tranh chấp mang tính bản năng của loài người. Tuy nhiên, từ khi con người phát minh ra vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí khác có tầm sát thương lớn, loài người đã buộc phải quan tâm đến việc tìm kiếm mọi biện pháp giải quyết mâu thuẫn bằng đường lối hòa bình. Mặc dù nhiều định chế quốc tế đã được thiết lập nhằm tạo ra những kênh hòa giải để cố gắng dập tắt mọi tranh chấp có thể gây nên đổ máu, nhưng ngay trong thời gian gần đây, nhân loại vẫn phải băn khoăn trước việc phổ biến vũ khí hạt nhân và các loại vũ khi mang tính hủy diệt hàng loạt. Một số điểm nóng có khả năng biến thành chiến tranh cục bộ địa phương hay chiến tranh toàn cầu thỉnh thoảng vẫn xuất hiện khiến cho cả loài người hồi hộp. Gần đây nhất, hoạt động khủng bố được tiến hành bởi những phần tử mang tinh thần dân tộc hay tôn giáo cực đoan luôn luôn là sự đe dọa đối với an ninh của loài người.
Một trong những điều gây âu lo nhất là việc phổ biến các kỹ thuật chế tạo vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí giết người hàng loạt. Đã có khá nhiều chứng cớ cho thấy những kỹ thuật này có thể dễ dàng rơi vào tay những tổ chức khủng bố, những nhóm chính trị hay tôn giáo cực đoan, những cá nhân bất bình thường… bên cạnh việc dễ dàng thủ đắc những phương tiện, những yếu tố, những hoạt chất… cần thiết để chế tạo các loại vũ khí đó. Kế đến, còn có thể chỉ ra những đòi hỏi lãnh thổ lãnh hải, những cố gắng sáp nhập các vùng đất lâu nay vẫn thuộc chủ quyền của những quốc gia khác bằng cách gợi lên những khác biệt về chủng tộc để khuyến khích một vài sắc tộc thiểu số dấy lên những tranh đấu ly khai, tạo nên nhiều bất ổn ở mức độ khu vực và có thể dẫn đến bất ổn toàn cầu.
Ngoài ra, mặc dù về nguyên tắc, các chính phủ vẫn luôn cam kết sẽ giải quyết mọi mâu thuẫn tranh chấp bằng đường lối thương thuyết, nhưng cũng đã có biểu hiện cho thấy nhiều trường hợp các nhóm cực đoan có thể kiểm soát được chính quyền ở một hay vài quốc gia và khó mà nói rằng những nhóm cực đoan này sẽ tôn trọng các định chế thương thuyết quốc tế. Sự lo ngại đó khiến các nhà nước vẫn phải tìm cách chạy đua vũ trang để tự bảo vệ và hiện trạng cho thấy không ít quốc gia khao khát sở hữu kỹ thuật sản xuất vũ khí hạt nhân.
Cuộc chạy đua vũ trang đã ngốn mỗi phút khoảng một triệu đô-la Mỹ để tạo ra những vũ khí giết người hàng loạt, trong khi số ngân khoản khổng lồ ấy có thể dành vào việc cung cấp thực phẩm, nước uống hợp vệ sinh cho một nửa dân số địa cầu đang thiếu thốn, và thực hiện những chương trình giáo dục cho con người những thái độ sống tích cực hơn, thân thiện với môi trường hơn. Đây chính là thách thức lớn nhất về mặt an ninh và hòa bình thế giới trong thế kỷ XXI này, vì tất cả mọi người đều hiểu, nếu xảy ra một trận đại chiến như các trận thế chiến thứ I và thế chiến thứ II đã diễn ra trong nửa đầu thế kỷ thứ XX thì khả năng nền văn minh đã xây đắp qua sự tiến hòa hàng trăm ngàn năm của loài người sẽ có thể bị xóa sổ hoàn toàn.
3. Những thách thức về lối sống của con người
Khi con người còn cảm thấy bị đe dọa là có thể phải xuống địa ngục sau khi chết hoặc phải bị giam hãm đời đời nơi luyện ngục chờ đến ngày được đưa tới trước một vị Thượng Đế toàn năng để được phán xét mà ngày đó không biết khi nào mới xảy ra thì người ta sẽ bớt liều lĩnh. Tất nhiên, khi đó cũng có những kẻ táo bạo sẵn sàng liều chết để được lên Thiên đàng ngay bằng cách thực hiện những mệnh lệnh của những kẻ giả danh giáo chủ giết chết những kẻ ngoại đạo; nhưng nói chung số đó không nhiều vì họ vẫn còn nghĩ đến những điều răn thiết yếu thường mang tính nhân bản mà bất kỳ tôn giáo nào cũng phải tuyên xưng. Ngược lại, phần lớn con người của thế kỷ XXI đã được giải phóng khỏi sự đe dọa như vậy.
Về đại thể, con người trong thế kỷ XXI có kiến thức khoa học, chuộng tư duy thực chứng, đòi hỏi được tự do và bình đẳng, sẵn sàng tìm hiểu những điều mới lạ, không thích bị ràng buộc vào những mối quan hệ lâu dài, ưa thích chủ nghĩa cá nhân, có nhiều suy nghĩ phù phiếm và muốn được thể hiện mình. Với những con người như thế mà lại được kích thích bởi chủ nghĩa tiêu thụ và xu hướng hưởng lạc thì sự liều lĩnh của họ có thể lên đến đỉnh điểm. Nói rõ hơn, đặc điểm của con người trong thế kỷ XXI là tính ích kỷ, sự lãnh đạm đối với thân phận của người khác và của chính mình. Vì thế, những thách thức về lối sống của con người trong thế kỷ XXI là rất lớn. Trong khi đó, một hiện tượng nổi bật trong xã hội loài người ở thế kỷ XXI là hố cách biệt giàu nghèo vẫn rất rộng, và còn đang ngày càng được mở rộng hơn.
Sự cách biệt giàu nghèo không chỉ xuất hiện giữa các xứ phát triển với những xứ đang phát triển, mà ngay trong nội bộ của từng xã hội cũng có những sự chênh lệch rất lớn về thu nhập giữa các nhóm người được ưu đãi và những nhóm người kém may mắn. Trong lúc những người có may mắn được hưởng tất cả mọi tiện nghi do tiến bộ của khoa học kỹ thuật mang lại thì đại đa số quần chúng vẫn phải quần quật kiếm ăn và chui rúc trong những khu ổ chuột; trong lúc giới thượng lưu Bắc Mỹ tiêu thụ các loại thực phẩm bổ dưỡng nhất thì người dân Phi châu có nơi vẫn không đủ ăn; bên cạnh những người sử dụng sữa tắm thì vẫn có những kẻ phải hứng nước chảy ra từ những đường cống rồi đem lọc mà uống.
Chính lối sống xa hoa được chủ nghĩa tiêu thụ xiển dương đã là tác nhân chính làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và gây nên hố ngăn cách ngày càng rộng lớn giữa giàu và nghèo. Và chính sự cách biệt khủng khiếp ấy đã dẫn đến việc nhiều người dân trong các quốc gia chậm phát triển tìm mọi cách nhập cư vào những nơi giàu có với ước mơ đổi đời. Sự tập trung các khu công nghiệp cũng dẫn đến việc thu hút dân cư về những khu phố thị tồi tàn sống một cuộc sống tạm bợ để hình thành những ổ bạo lực và tội phạm. Thống kê cho thấy trong lúc dân số thế giới hiện nay là khoảng trên bảy tỷ người thì đã có tới hơn ba tỷ con người còn đang sống trong những điều kiện hết sức nghèo khổ.
Chính sách toàn cầu hóa mà các quốc gia giàu có đang thực hiện với sự tiếp tay của các tập đoàn kinh tế thương mại sản xuất đa quốc gia chỉ có tác dụng nuôi lớn số người bất mãn với những khao khát vật chất không bao giờ được thỏa mãn. Nhân loại đã và đang chứng kiến tình trạng suy đồi về lối sống ở mức độ chưa bao giờ có. Lối sống suy đồi ấy góp phần làm tăng dân số thế giới hàng ngày, đóng góp vào tình trạng tội phạm xảy ra như cơm bữa, mở rộng số người phạm tội khiến các nhà nước đều phải gia tăng việc xây dựng trại giam, nhà tù, tiếp tục duy trì tỷ lệ số trẻ em thất học ở mức độ cao, làm tăng tỷ lệ trẻ em phạm pháp. Bệnh tật, nghiện ngập, cướp bóc cũng ngày càng gia tăng.
4. Nguồn gốc những thách thức của thế kỷ XXI đối với loài người
Xét đến căn nguyên, có thể thấy những thách thức của nhân loại trong thế kỷ XXI này về cơ bản không khác mấy với những vấn đề mà nhân loại đã từng đối mặt trong quá khứ. Trước hết, con người đã hành xử thô bạo với thiên nhiên và với đồng loại chỉ vì thiếu hiểu biết; trong đó, những thách thức về mặt sinh thái có nguồn gốc chính là lòng tham. Những thách thức về mặt hòa bình và an ninh có sự tham dự quan trọng của thái độ sân hận và những thách thức về lối sống chủ yếu là vì sự ngu si; tất nhiên, trong lòng tham cũng có cả thái độ sân hận và sự thiếu hiểu biết. Nói khác đi, nguồn gốc của mọi vấn đề trong thế kỷ này cũng chính là từ ba độc tham sân si mà Đức Phật đã nói đến từ cách đây hơn 25 thế kỷ.
C. Những giải pháp chính trị xã hội và kinh tế
Hiển nhiên, khi các học giả, những vị có tiên kiến, các nhà khoa học… đã nhìn ra vấn đề thì cũng đã có những đóng góp để giải quyết vấn đề. Vào năm 1968, khi Ủy ban Thế giới về Phát triển và Môi trường của Liên Hiệp Quốc đưa ra lời kêu gọi cần có những định hướng để chuyển đổi sự phát triển của loài người thành sự phát triển bền vững thì một số thành viên của một tổ chức có tên là Câu lạc bộ Rome đã có ý tưởng về một bản Hiến chương Địa cầu.
Tuy nhiên, ý tưởng này đã không có được sự chấp thuận của các vị lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc lúc ấy. Mãi đến năm 1994, khi các tổ chức hậu thân của Câu lạc bộ Rome gồm Hội đồng Địa cầu (Earth Council) và Quốc tế Chữ Thập Xanh (Green Cross International) nhắc lại ý tưởng ấy với tính cách một sáng kiến của một tổ chức dân sự thì việc soạn thảo một Hiến chương Địa cầu mới giành được sự ủng hộ của chính phủ Hà Lan.
Sau sáu năm tham khảo các nhà hoạt động về chính trị kinh tế và xã hội có ảnh hưởng trên khắp thế giới, vào tháng 3 năm 2000, bản văn dự thảo chung quyết của bản Hiến chương Địa cầu đã được chấp thuận trong một buổi họp của Hội đồng Hiến chương Địa cầu tại trụ sở của cơ quan Kinh tế Văn hóa Xã hội Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tại Paris.
Về nền tảng, bản Hiến chương này khẳng định loài người chỉ là một phần của cả một vũ trụ rộng lớn đang tiến hóa, rằng Địa cầu – ngôi nhà của nhân loại – cũng sống động cùng với một cộng đồng duy nhất của sự sống, rằng sức mạnh của thiên nhiên khiến cho sự tồn tại trở thành một cuộc phiêu lưu bất định với những đòi hỏi khắt khe; vì vậy mà mọi con người sống trên địa cầu đều có trách nhiệm về hạnh phúc hiện tại và tương lai của đại gia đình nhân loại, phải nhận biết tình thế toàn cầu với những thách thức trước mặt, phải có sự chia sẻ tầm nhìn về những giá trị căn bản nhằm cung cấp một nền tảng đạo đức cho mọi hoạt động của một cộng đồng nhân loại đang hình thành.
Trên nền tảng đó, bản Hiến chương đề ra các nguyên tắc gồm: Tôn trọng Địa cầu cùng với tính cách đa dạng của sự sống; Quan tâm đến cộng đồng đời sống bằng sự hiểu biết và tình thương; Xây dựng các xã hội dân chủ mang tính cách công bằng, có sự tham dự đồng đều của mọi người, có tính bền vững và hòa bình; Gìn giữ sự hào phóng và vẻ đẹp của Địa cầu cho hiện tại và các thế hệ tương lai. Dựa trên những nguyên tắc đó, bản Hiến chương đề ra các hoạt động nhằm duy trì sự toàn vẹn của hệ sinh thái, thực hiện sự công bằng về kinh tế và xã hội, bảo đảm tính dân chủ, bất bạo động và hòa bình. Chính là dựa trên những thành tựu này, Liên Hiệp Quốc đã đưa ra Tuyên bố Thiên niên kỷ và Những mục tiêu phát triển của Thiên niên kỷ đến năm 2015 như đã nói ở trên.
Chúng ta đang sống giữa thập niên thứ hai của thế kỷ XXI. Xem ra những mục tiêu phát triển đến năm 2015 của Liên Hiệp Quốc vẫn chưa có thể nói là đã thành tựu mặc dù không thể phủ nhận nhiều tiến bộ đã đạt được. Dù sao chăng nữa, qua những vận động nói trên, loài người đã ý thức được những thách thức nghiêm trọng mà nền văn minh nhân loại đang phải đối đầu.
D. Quan điểm Phật giáo về những thách thức của thế kỷ XXI
Các học giả phương Tây khi nghiên cứu Phật giáo đã nhận định Phật giáo không phải là một tôn giáo theo định nghĩa truyền thống Tây phương mà là một lối sống, một biện pháp thực hành nhằm đạt tới tuệ giác về bản chất của thực tại. Thật vậy, Tiến sĩ Lily de Silva thuộc Đại học Tích Lan phát biểu rằng Phật giáo đã tự giới hạn một cách nghiêm ngặt trong việc mô tả một lối sống được thiết định chỉ nhằm mục đích triệt tiêu mọi nỗi đau khổ của kiếp nhân sinh. Trong suốt cuộc đời giảng pháp, Đức Phật vẫn không trả lời bất kỳ câu hỏi nào không trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến việc đạt tới mục đích cuối cùng của một hành giả là giải thoát khỏi sự khổ của kiếp luân hồi. Mặt khác, cũng nên thấy rằng giáo pháp của Đức Phật đã được nói ra cách đây hơn 25 thế kỷ; lúc bấy giờ, những khái niệm như ô nhiễm môi sinh hay nạn nhân mãn chưa được biết tới. Vì thế, hẳn là kinh điển Phật giáo không trực tiếp đề cập những giải pháp cho các thách thức hiện nay của loài người. Tuy nhiên, là một hệ thống tư tưởng đầy đủ nhất nói về lối sống hài hòa của con người trong cộng đồng, trong xã hội và giữa thiên nhiên, người ta cũng có thể tìm thấy trong kinh điển Phật giáo những tài liệu mô tả thái độ của người Phật tử đối với vấn đề sinh thái, về hòa bình và chiến tranh; đặc biệt là những lời giảng về lối sống.
Phật giáo quan niệm rằng toàn thể môi trường sống, trong đó có thiên nhiên và mọi sinh vật, là môt hệ thống năng động, luôn biến đổi, không khi nào giữ mãi một trạng thái cố định. Quan niệm đó được diễn tả bằng hai chữ “vô thường”. Trong kinh Ưu-ba-ly thuộc Trung bộ, Đức Phật nói, “Phàm pháp gì được khởi lên, pháp ấy đều bị tiêu diệt”. Điều này hàm ý không vật gì được tạo thành mà có thể ở trong một trạng thái vĩnh cửu. Từ quan niệm này, Phật giáo cho rằng toàn thể thế giới đã trải qua vô số những chu kỳ sinh thành rồi hoại diệt. Tuy nhiên, theo kinh “Khởi thế nhân bổn” thuộc Trường bộ thì sự sinh thành hoại diệt là kết quả gây nên bởi tinh thần đạo đức của các sinh vật hiện hữu trong môi trường sống đó. Nói khác đi, tinh thần đạo đức của con người có tác động đến thiên nhiên, khiến cho thiên nhiên có thể trở nên khắc nghiệt đối với cuộc sống hay tiếp tục hào phóng ban tặng con người những sản vật của trời đất.
Phật giáo cho rằng mọi sự vật đều nương nhau mà tồn tại. Nhận định này được thể hiện qua thuyết duyên sinh. Trong Kinh Phật tự thuyết, Đức Phật dạy, “Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh.” Và “Do cái này không có mặt, cái kia không hiện hữu; do cái này diệt, cái kia diệt.” Như vậy, không thể có một sự vật nào trong thế giới này có thể tồn tại độc lập, mà tất cả mọi sự mọi vật đều tùy thuộc vào những sự vật khác trong một mối tương quan mật thiết, chẳng những trong sự sinh tồn mà cả trong sự hủy diệt. Từ quan điểm này, Phật giáo dạy con người tuyệt đối tôn trọng sự sống và có sự tôn trọng đối với thiên nhiên.
Về việc tôn trọng sự sống, giới đầu tiên mà một người Phật tử phải gìn giữ là Không sát sanh. Trong Luật Sa-di, Đức Phật dạy “nếu thắp đèn thì phải lấy lồng che kín không để các loại phi trùng gieo vào” và “không được nước sôi đang nóng mà rót bắn trên mặt đất”. Trong Luật Tỳ-kheo, Đức Phật dạy phải lọc nước trước khi uống vì e uống nhằm côn trùng, Ngài cũng không cho phép các tu sĩ may tọa cụ bằng tơ tằm hay lông của các loài thú. Thói quen ăn chay của người chấp nhận tư tưởng Phật giáo cũng xuất phát từ việc giữ giới không sát sanh, đang là một khuynh hướng phổ biến của những con người hiện đại, mình được sống và tôn trọng sự sống xung quanh.
Về việc tôn trọng thiên nhiên, cũng trong Luật Tỳ-kheo, Đức Phật dạy không được khạc nhổ, tiểu tiện và bỏ đồ dơ trên cỏ tươi, không được đại tiểu tiện vào giòng nước trong. Trong Kinh Tăng chi, Đức Phật dạy không được làm ô nhiễm nguồn nước, không được vất những vật ô uế vào sông hồ. Nói chung, tuy không trực tiếp nói về môi sinh, Phật giáo có sẵn quan điểm tôn trọng thiên nhiên và tôn trọng sự sống.
Vì mọi sự vật đều phải dựa vào nhau mà tồn tại và mọi vật đã có sinh thì đều có diệt nên Phật giáo quan niệm rằng thực ra mọi sự mọi vật đều không có một bản ngã chắc thực, gọi là vô ngã. Trong Kinh Vô ngã tướng được giảng cho nhóm năm vị Kiều-trần-như sau khi vừa chứng Chánh Đẳng giác, Đức Phật nói rõ, “Này các Tỳ-kheo, sắc này là vô ngã. Nếu sắc này là ngã thì sắc này không thể đi đến bệnh và có thể đạt được sắc theo ý muốn rằng ‘sắc của ta hãy như vầy, sắc của ta đừng trở thành như vầy’”. Tương tự, Đức Phật lập luận để các Tỳ-kheo nhận biết rằng không chỉ sắc mà thọ, tưởng, hành và thức cũng đều vô ngã. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức – hay ngũ uẩn – chính là tập hợp tạo thành sinh mệnh của một chúng sanh, và vì các thành phần của tập hợp đó là vô ngã nên con người là vô ngã. Trong kinh Tương ưng, thiên Nhân duyên, khi các đệ tử đặt câu hỏi rằng “ai xúc”, “ai cảm thọ”, hay “ai khát ái”… Đức Phật đều bác bỏ và bảo chỉ có thể hỏi Ngài rằng “do duyên gì, xúc sanh khởi”, “do duyên gì, cảm thọ sanh khởi” hay “do duyên gì, khát ái sanh khởi”…và Ngài xác định là trước các câu hỏi đó, Ngài sẽ trả lời, “do có sáu xứ, xúc sanh khởi”, “do có xúc, cảm thọ sanh khởi”, và “do có cảm thọ, khát ái sanh khởi”… để bác bỏ sự có mặt của một cái ngã.
Ở đây cần nêu rõ, theo quan niệm Phật giáo, sắc uẩn gồm có nội sắc và ngoại sắc. Nội sắc là những yếu tố tứ đại tạo nên thân người; còn ngoại sắc là yếu tố tứ đại hình thành nên thế giới chung quanh. Nội sắc và ngoại sắc đều cùng là sắc. Điều đó cho thấy con người không tách rời những người khác và môi trường mình đang sống. Từ đó, quan niệm về một cái ngã hoàn toàn riêng biệt chỉ thể hiện sự vô minh của con người.
Cũng từ lý thuyết duyên sinh, Phật giáo xác định luật nhân quả là quy luật tất yếu của cuộc đời. Khi một người thực hiện một hành vi có tác ý thì hành vi đó tạo nên một nghiệp thiện hay một nghiệp ác tùy sự tác ý. Trong những điều kiện thuận lợi hay không thuận lợi, hành vi đó sẽ dẫn đến một kết quả tốt hay xấu tùy theo nghiệp mà người ấy đã gieo là nghiệp thiện hay nghiệp ác. Do tin vào luật nhân quả, một người đã chấp nhận tư tưởng Phật giáo sẽ cố gắng tránh những việc bất thiện. Trong phẩm “Song Yếu”, Kinh Pháp cú, Đức Phật dạy:
"Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo,
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo ".
“Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo,
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình”.
Phật giáo cũng quan niệm rằng cuộc đời là khổ. Trong Kinh Chuyển pháp luân được Đức Phật tuyên giảng cho nhóm năm vị Kiều-trần-như, Ngài nói, “Này các Tỳ-kheo, đây là ‘sự thật cao quý’ về khổ: Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ; sống chung với người mình không ưa thích là khổ; xa lìa người thân yêu là khổ; mong muốn mà không được là khổ; tóm lại nắm giữ năm uẩn này là khổ”. Để giải thoát khỏi những sự khổ đó, Đức Phật dạy các vị Kiều-trần-như về 8 con đường cao quý, hay Bát chánh đạo, bao gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Tuy nhiên, về phương diện thực tiễn, một trong những biện pháp để đạt tới tình trạng không bị khổ mà Đức Phật đã chỉ ra cho các đệ tử của Ngài là lối sống biết đủ và ít ham muốn. Trong Kinh Di giáo, Phật dạy, “Này các Tỳ-kheo, người nhiều ham muốn luôn cầu được nhiều món lợi nên khổ não cũng nhiều. Người ít ham muốn thì không bị sự mong cầu gây ra cái hại ấy”. Ngài tiếp, “Này các Tỳ-kheo, muốn thoát khỏi mọi khổ não, nên quán xét việc biết đủ. Biết đủ chính là chỗ giàu có, vui vẻ, an ổn. Người biết đủ, dù nằm trên mặt đất vẫn thấy an vui. Người không biết đủ, dù ở cõi trời cũng chưa thỏa ý”.
Về vấn đề chiến tranh và hòa bình, Phật giáo khuyên mọi người không nên ôm ấp hận thù, Kinh Pháp cú Phẩm “Song Yếu” ghi:
"Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi "
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi
"Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi, "
Không ôm hiềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi.
"Với hận diệt hận thù,
Ðời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu ".
Rõ ràng, khi con người không ôm ấp hận thù thì sẽ dẹp được tình trạng mâu thuẫn xảy ra giữa người với người. Nếu các cộng đồng không ôm ấp hận thù thì cũng sẽ dẹp được những tranh chấp. Và rộng ra, sẽ không có chiến tranh giữa các quốc gia này với quốc gia khác, giữa dân tộc này với dân tộc khác.
Không những thế, đạo Phật chủ yếu dạy cho con người có lòng từ bi, biết thương người khác, trong hành xử, luôn luôn nghĩ đến lợi mình, lợi người và lợi cả hai. Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong lối sống của người Phật tử là “không làm hại”.
Lại nữa, đạo Phật nêu cao trí tuệ, đạo Phật là “đạo đến để mà thấy”, không luận thuyết suông, không buộc ai phải nhám mắt tuân theo những giáo lý của Đức Phật, mà chính Đức P
BÀI LIÊN QUAN
Vesak 2014: Cầu quốc thái dân an theo nghi lễ 3 miền ( Q.Hậu , 7796 xem)
Từ VESAK 2008 đến VESAK 2014:PGVN tự hào và tự tin trên con đường phụng sự Đạo pháp và Dân tộc ( PGS.TS Hàn Viết Thuận , 5389 xem)
Chủ đề trung tâm Vesak 2014: Phật giáo góp phần thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ ( Tiểu Bình , 5415 xem)
Vesak 2014: Hội thảo khoa học “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ” ( Tiểu Bình , 5303 xem)
Vesak 2014: Lãnh đạo đảng, nhà nước, Phật giáo quốc tế cầu nguyện hòa bình ( Tiểu Bình , 5750 xem)
Vesak 2014: Trang nghiêm đàn tràng cầu nguyện thế giới hòa bình ( Tiểu Bình , 7410 xem)
Bế mạc Đại lễ Vesak LHQ 2014 - Ra Tuyên bố chung Ninh Bình ( NHÓM PV GIÁC NGỘ , 6977 xem)
Chiều nay, 10-5, bế mạc Đại lễ Vesak LHQ 2014 ( Đ.Long , 5361 xem)
Hôm nay Hoà thượng Chủ tịch ICDV đã đến Hà Nội ( Cẩm Vân , 7062 xem)
10.000 người dự Lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak 2014 ( Quỳnh Trang , 5133 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo: Hội thi giáo lý nhân ngày Lễ Tưởng niệm lần thứ 38 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam
Nhân ngày lễ Tưởng niệm lần thứ 38 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương sẽ tổ chức Hội thi giáo lý về cuộc đời và đạo nghiệp của Ni trưởng Đệ Nhất.
Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)
Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng
LỊCH VIỆT NAM
THỐNG KÊ