Trang chủ > Văn Học

Du hành ký

Tác giả: Ni Sư Tuyết Liên.  
Xem: 8202 . Đăng: 14/05/2015In ấn


Du hành ký


Mộng du phương đã âm ỉ từ lâu mà chưa có duyên lành thực hiện, trước là chưa có pháp lữ chung chí nguyện lành, sau là nơi trú xứ bận rộn, khiến cho mộng cứ mãi là mộng mà chưa có cơ hội nứt mầm, nẩy lộc.

Vào một chiều mùa đông 1999, quý Ni trưởng du hành đã ghé lại tịnh xá ba hôm, như nhắc nhở lại những gì mình đang hoài bão, có hạt giống tìm đất gieo, vun phân tưới nước, dù chậm mau cũng có lúc đâm chồi.

Đầu năm 2001, năm bước đầu của thiên niên kỷ thứ ba mà cũng là năm đầu của thế kỷ 21, thế giới đang có nhiều chuyển biến, thiên tai địa ách rất nhiều, khoa học kỹ thuật cũng không ngừng phát triển; sự biến hoại và phát triển song song, chứ không có một quy luật nào dành riêng cho từng giai đoạn, thế tại sao mình không nắm bắt mọi thời duyên, mà lại chờ thời duyên tự đến.

Thế rồi hơn một lần ngỏ ý, may sao có Ni sư Khoa Liên - trụ trì Tịnh xá Ngọc Ẩn cùng ước nguyện du phương, hiệp trí chung đường vạch lối đi trong mộng. Ngày mùng 1 tháng 2 năm Tân Tỵ, cùng nhau kết thúc mộng du phương, định ngày mùng 9 tháng 3 năm Tân Tỵ khởi hành.

Khi Ni sư Khoa Liên cùng Tuyết Liên quyết định thực hiện cũng còn lắm băn khoăn, bởi sau một thời gian dài an trụ ấm êm, giờ biết ai chịu dãi dầu mưa nắng. Nhiều vị nguyện vầy đoàn, nhưng bị... tại... bởi... cuối cùng xin thất hứa, nhưng Ni sư Khoa Liên và Tuyết Liên không lùi bước, dù chỉ hai người cũng quyết định thực hiện chuyến du hành.

Trước khi đi, ngày mùng 8 họp nhau tại Tịnh xá Ngọc Phú cùng đảnh lễ xin phép Ni sư Trưởng đoàn để ngày mai cất bước, đến lúc này cũng còn ý kia ý nọ phân vân, nhưng lòng đã quyết không gì lay chuyển được.

Đến giờ phút chót, SC. Ánh Liên, SC. Dũng Liên chuẩn bị hành lý cùng đi, thế là đoàn du hành được bốn vị, hẹn 7 giờ sáng hôm sau có mặt tại Tịnh xá Mộc Chơn, chốn Tổ khi xưa bắt đầu bước chân du hóa, làm nơi khởi điểm cho chuyến du hành. Điều ngạc nhiên là SC. An Liên, NC. Sáng Liên cùng có mặt tham gia chuyến đi.

Ngày mùng tám tháng ba năm Tân Tỵ

Một phái đoàn Ni Khất sĩ du phương

Khoa, Tuyết, An, Ánh, Sáng, Dũng kiên cường

Đồng hiệp chí vầy đoàn vui cất bước

Về Ngọc Phú lễ Trưởng đoàn là trước

Đến Mộc Chơn nơi điểm hẹn đầu tiên

Chốn Tổ sư chuyển pháp ngữ hoằng dương

Khai ánh đạo rạng con đường Khất sĩ.

1. PHÚ MỸ

Ngày 09/03/Tân Tỵ

Sáng nay trời Phú Mỹ như hân hoan chào đón bóng huỳnh y, nắng vàng trải nhẹ đường quê, chư Ni Khất sĩ nhẹ nhàng cất bước. Tay ôm bát thực hiện hạnh trì bình cho bá tánh gieo duyên, kẻ cúng vui vui mừng mừng, người nhận bồi hồi cảm xúc. Có một điều hy hữu là khi đi khất thực chia làm hai đoàn, đi hai hướng, thế mà liên tục hai hôm đều đi và về cùng lúc. Trưa về thọ thực tại tịnh xá, chiều lại cùng học quyển Chơn lý "Y bát chơn truyền"; sau giờ học chư Ni đã cùng nhau thảo luận về giá trị của chiếc y, quả bát và sứ mạng truyền trì.

Tối nay Phật tử địa phương về tịnh xá tụng kinh và cung thỉnh Ni sư Khoa Liên thuyết giảng giáo lý cho Phật tử nghe đề tài "Mục đích đi chùa của người Phật tử".

Sáng ra khất thực hóa duyên

Trưa về thọ thực, tham thiền định tâm

Xế chiều học lý cao thâm

Đêm khuya tĩnh tọa sưu tầm lý cao.

Ngày 10/03/Tân Tỵ

Hôm nay, lưu lại Phú Mỹ đi khất thực một ngày nữa. Chiều, sau giờ học Chơn lý, chư Ni từ giã lên đường đến Tịnh xá Ngọc Hiệp (Tân Hiệp) - ngôi Tổ đình của Ni trưởng Trí Liên. Chư sư Ni đồng thắp nén tâm hương tưởng niệm Thầy.

Nơi thầy xưa gầy dựng

Khơi nguồn giải thoát tâm

Nay về đây đảnh lễ

Tưởng niệm đến ân thâm.

Đặc biệt trong chuyến đi này, để trợ duyên cho chư Ni giữ giới nghi được thanh tịnh nên Ni sư Đồng Liên tình nguyện đưa đón chư Ni khi chưa có Phật tử theo hộ pháp.

Chiều mồng mười khởi hành về Ngọc Hiệp

Ni sư Đồng đi hướng dẫn phái đoàn

Đến nơi này chỉ lưu trụ hai hôm

Cho Phật tử hữu duyên nhuần ân phước.

2. TÂN HIỆP

Ngày 11/03/Tân Tỵ

Nghe tin chư Ni sáng nay đi khất thực hóa duyên, Phật tử chuẩn bị chờ đón để được gieo duyên. Nhìn những bàn tay, những tấm lòng hộ đạo sao mà như đặt hết niềm tin vào lễ phẩm cúng dường; có điều là Phật tử không biết chư Ni đi hướng nào nên có đón chờ mà không gặp, đành phải đem lễ phẩm đến tịnh xá cúng dường. Phật tử dâng cúng không thiếu thứ gì, từ thuốc uống, thức ăn, cho đến bột, đậu, sữa, đường bồi dưỡng cho chư Ni, phải tu thế nào để đền đáp xứng công của chư Phật tử.

Tay thọ lãnh bâng khuâng tự nghĩ

Đức hạnh mình thọ thí đáng không

Món vay món trả phải đồng

Người dâng vật quý là mong phước lành.

Chiều, chư Ni cùng học Chơn lý "Pháp chánh giác". Trong buổi học, chư Ni cùng nêu lên những nhận định của mình về lời dạy của Tổ sư, sau đó đọc một đoạn trong quyển "Một cuộc đời, một ngôi sao", có những đoạn văn miêu tả sinh hoạt, cùng những lời ngây thơ nhưng đầy chất giác ngộ của những tôn giả sa-di thời Phật, làm cho chư Ni cũng nghe lây cái không khí hân hoan của những tâm hồn «hồn nhiên trong trắng». Tối, Phật tử về tụng kinh, nghe Ni sư Khoa giảng về đề tài «Đường lối Khất sĩ», đến gần 22 giờ Phật tử mới ra về.

Ngày 12/03/Tân Tỵ

Hôm nay chư Ni đi sâu vào xóm khất thực, vì đã lâu không ai thực hiện hạnh trì bình, nên tuy nhiều người phát tâm, nhưng đa số cúng gạo và tiền. Thấy chư Ni không nhận, mọi người bỡ ngỡ không biết làm thế nào? cúng món chi? do đó đi khá lâu mới đầy bát. Khi vừa về đến Tịnh xá, một tín nữ đi theo sau với vật thực trên tay, cô nói:

«Con thấy quý cô đi, nhưng trong nhà không có gì để cúng, vội vã đi mua vật thực khi về thì quý cô đã đi, con buồn muốn khóc, đi tìm hỏi thăm người ta chỉ con vô đây, giờ mong quý cô nhận dùm con, nếu quý cô không nhận con buồn lắm».

Chư Ni tiếp nhận vật thực và chú nguyện, tín nữ rất hân hoan, một niềm tin vừa phát khởi quý biết bao.

Chiều, chư Ni cùng học tiếp quyển Chơn lý «Pháp chánh giác». Vừa đọc vừa cùng nhau thảo luận mới nhận thấy quyển «Pháp chánh giác» là một kho tàng Pháp bảo. Trong một đoạn ngắn mà Tổ sư chỉ cho chúng ta nhiều phương pháp thiền quý báu, nếu chúng ta thực hành đúng theo lời dạy một cách tinh tấn thì lo gì không lìa được phiền não, đoạn trừ mọi triền phược.

Thật là «Gia trung hữu bảo» mà các con cứ mê mờ, không nhận được gia tài vô giá có sẵn, cứ mãi nhọc sức tìm cầu.

Nhà xưa đầy đủ báu trân

Con thơ khờ dại vô phần bôn ba

Nay mở kho báu thiền gia

Có đủ thất bảo do cha sẵn dành.

 

Tối đến Phật tử viếng thăm

Chư Ni ban rải pháp âm mát lòng.

Tối, Ni sư Khoa Liên giảng cho Phật tử nghe đề tài “Tri kiến phật và đường trở về”. Đêm đã khuya mà Phật tử còn nhiều thắc mắc nên ra về mà lòng còn lưu luyến.

3. THÂN CỬU NGHĨA

Ngày 13/03/Tân Tỵ

Sáng mười ba đến Ngọc Tân thăm viếng

Quý Sư cô lưu trụ ở nơi này

Sáng hóa duyên trưa học tập vui vầy

Cùng hóa giải tác nhân gây phiền não.

Hôm nay chư Ni vào xóm khất thực. Vì đã lâu không đi nên hôm nay hạnh hóa duyên thật sự tạo sự chú ý và ngạc nhiên cho mọi người. Khất thực xong, chư Ni trực chỉ Tịnh xá Ngọc Tân. Đến nơi, Sư cô Nhung Liên và Sư cô Ngàn Liên mừng rỡ đón tiếp. Trưa, thọ thực xong đến 2 giờ chiều học quyển Chơn lý “NHẬP ĐỊNH”.

Pháp môn thiền định dạy rành

Lắng tâm, định ý, huệ sanh pháp mầu.

Ngày 14/03/Tân Tỵ

Sáng, chư Ni đi sâu vào xóm rẫy để khất thực.

Hai bên đường, từng luống rau xanh thẳng tắp

Gió thanh thổi nhẹ tung mảnh huỳnh y

Phật tử phát tâm, tay vàng bát ngọc kết duyên

Nguyện cầu kiếp kiếp Phật tử hữu duyên trùng phùng Phật pháp tinh tấn tiến tu.

Trưa, giờ thọ thực Ni sư dạy: “Sớt tất cả bánh, trái cây, mì, đường, rau, thức ăn mặn vào bát trộn đều”. Thật là thượng vị, dùng xong nhớ mãi! Độ ngọ xong, chư Ni ngồi lại tháo gỡ nội kết của hai vị nơi đây, kết quả:

Chư Ni cùng hoan hỷ

Vui nếp sống hiền hòa

Vâng hành theo chí nguyện

Làm rạng rỡ thiền gia.

Hôm nay mới thấy được không khí nhẹ nhàng hoan hỷ nhưng đã đến lúc chư Ni quảy bát lên đường.

Chiều mười bốn chư Ni tách bến

Bước du hành ra đến Long An

Về nơi Tân Bửu tịnh đàng

Nghĩ chân nương tạm đạo tràng vài hôm.

Chiều, đến Tịnh Tân Bửu Tháp, Ni sư trụ trì đang mong đợi nên thấy chư Ni đến Ni sư rất vui. Đêm nay Phật tử về sám hối thật đông và chờ đợi mưa pháp. Ni sư Khoa giảng đề tài “Nguồn gốc đạo Phật”.

Phật tử vui họp mặt

Thăm viếng thật đủ đầy

Ni sư Khoa ban pháp ngữ

Lòng Phật tử hân hoan.

4. LONG AN

Ngày 15/03/Tân Tỵ

Vì Ni sư trụ trì mời chư Ni lại ở cúng hội nên sáng nay không đi khất thực. Trưa, đến giờ cúng ngọ, được sự chỉ đạo “Sư cô Tuyết nói chuyện với Phật tử trong buổi cúng trưa nay”. Biết nói gì đây? Thôi thì chọn đề tài: “Nhơn hữu tứ nan”.

Độ ngọ xong, Phật tử gặp nói: “Sao mà Sư cô nói trúng tâm lý con quá, thật lòng muốn tu mà không phải dễ, bao chướng duyên đang chờ sẵn”.

Tối, Phật tử lại quy tụ về mong được nghe pháp. Đêm nay Ni sư Khoa dành thời gian để giải đáp nghi vấn cho Phật tử. Phật tử nêu nhiều điều nghi vấn:

- Cầu siêu cho người chết có kết quả không?

- Người chết rồi cúng có ăn được không?

- Biết tu rồi sao gặp khổ hoài v.v…?

Đêm đã khuya mà Phật tử dường như muốn hỏi thật nhiều nhưng thời gian có giới hạn.

Ngày 16/03/Tân Tỵ

Sáng nay chư Ni sửa soạn đi khất thực, Sư cô Quý và Sư cô Hòa muốn tháp tùng cùng đi nhưng duyên lành chưa hội đủ nên Sư cô Hòa không đi được. Chư Ni vừa ra khỏi tịnh xá chừng vài trăm mét thì Phật tử đã sớt đầy bát. Chư Ni trở về tịnh xá, còn mấy vị chưa để bát được mang vật thực tới tịnh xá cúng dường.

Sau giờ học Chơn lý buổi chiều, chư Ni từ giã đi Mỹ Tho. SC. Hòa theo đưa mà lưu luyến mãi: “Dù thân con ở nhà nhưng tâm trí vẫn theo đoàn”. Vì không có Ni sư đưa đi nên SC. Hòa hộ tiền xe cho chư Ni. Đã cẩn thận chọn xe Gò Công mới đến được Tịnh xá Ngọc Định, vậy mà đến bến Mỹ Tho, xe không chạy nữa, đành xuống đi bộ, nhìn mớ hành lý với đoạn đường gần 2 km mà ngao ngán. Ni sư Khoa có sáng kiến một người kêu xích lô chở hành lý đến tịnh xá xin tiền trả tiền xe, còn bao nhiêu thì đi bộ. Đi khất thực xin ăn thì dễ, sao nói đến xin tiền ai cũng ngán, nên cuối cùng Ni sư Khoa tình nguyện lên xe đi, năm vị còn lại đi bộ hành dưới nắng chiều. Quý vị cứ hỏi thăm gần đến chưa, mình nói: “Quý Sư cô cứ quán tưởng như đang đi thiền hành, mỗi bước mỗi câu Phật hiệu thì đường xa hóa gần”. Cuối cùng Tịnh xá Ngọc Định cũng hiện ra.

Tịnh xá đang xây nhà thờ Cửu huyền Thất tổ nên khá bận rộn. Ni sư trụ trì tiếp đón niềm nở và dành nhiều ưu đãi cho chư Ni.

5. MỸ THO

Ngày 17/03/Tân Tỵ

Sáng, chư Ni khất thực ở thành phố Mỹ Tho. Nhìn những chú thanh niên trẻ tuổi để bát hết lòng thành kính, tâm mình dấy lên niềm cảm xúc. Thì ra dù ở đâu, thời gian nào, quốc độ nào, thế hệ nào, thì đạo tâm vẫn chan chứa tràn đầy ở mọi tầng lớp nhân dân.

Ngày 18/03/Tân Tỵ

Hôm nay là ngày tưởng niệm Ni sư Hưng Liên, Sư cô trụ trì thỉnh sớt bát nên chư Ni không đi khất thực

Hôm nay ngày tưởng niệm

Ni sư xả báo thân

Tăng Ni cùng Phật tử

Thắp hương lòng nhớ ân.

Độ ngọ xong, chư Ni lên xe đi thành phố, Phật tử theo đưa và hộ tiền xe. Về đến Ngọc Phú mọi người đều hoan hỷ chú ý ngắm xem đoàn du hành có gì thay đổi; mọi người nhận xét: trắng ra, mập hơn, hoan hỷ . v.v… thắc mắc hỏi mình sao đi du hành mà không đen, độ ngọ mà không ốm?

Mình bảo: “Phật nuôi, đi du hành dùng toàn pháp hỷ nên mọi người vui vẻ và an lạc nên mới thấy sắc diện như vậy” .

Chư học Ni thì vây quanh sư cô Sáng hỏi huyên thuyên, không khí thật vui vẻ, khiến cho chư Ni đi du hành cũng cảm thấy hân hoan phấn khởi.

Sư cô An Liên vì bận Phật sự nên dừng cuộc hu hành. Tranh thủ về thăm thân mẫu xong, Tuyết Liên cùng SC. Dũng tiếp tục lên đường.

6. TP. HỒ CHÍ MINH

Ngày 19/03/Tân Tỵ

Xuôi dòng xe cộ rộn ràng

Về nơi thành phố đạo tràng Ngọc Phương

Thắp nén hương nguyện cúng dường

Kính dâng Ni trưởng, tấm gương tuyệt vời

Chiều về Ngọc Hiệp nghỉ ngơi

Viếng thăm thân mẫu đầy vơi thâm tình

Sáng ra cất bước đăng trình

Ba y một bát nặng tình quê hương

Chiều 19, đoàn hợp nhau tại Tịnh xá Ngọc Hiệp. Lần này có cô Liên Ngọc (mặc dù sức khỏe kém) phát tâm theo hộ nên Ni sư Đồng Liên trở về tịnh xá nghỉ.

7. MỎ CÀY

Ngày 20/03/Tân Tỵ

Sáng, từ Tịnh xá Ngọc Hiệp chư Ni đón xe đi thẳng Mỏ Cày một địa danh mà chỉ mới nghe tên chứ chư Ni chưa đến lần nào. Lên xe hỏi thăm phụ xế và hành khách, nhưng chẳng ai biết Tịnh xá Bồ Đề ở nơi mô? NS. Khoa, Tuyết nhìn nhau mĩm cười! Thôi thì cứ nhắm mắt đưa chơn, đến đâu hay đó, tìm không được thì “đói xin ăn mệt nghỉ chốn mồ hoang” là cùng. Tuy nhủ lòng như thế nhưng bụng cũng lo lo, nhất là đã trưa mà chưa tìm được chỗ trú và cũng chưa đi khất thực.

Xe gần đến Mỏ Cày. Lần ra cửa hỏi thăm phụ xế lần nữa, bởi không biết phải xuống đâu, bỗng có một hành khách lên tiếng chỉ đường rành rẽ. Ôi! thật là chư thiên dắt lối, nếu không thì trời nắng, bụng đói, hành lý nặng, ở đâu đây? Khi vào Tịnh xá thì… trụ trì đi vắng, Phật tử coi chùa. Đã hơn 10 giờ 30, bụng rỗng, bát không, chư Ni rủ nhau đi hóa duyên. Năm người chia làm hai tốp, một ra phố, một vào xóm. Tuyết Liên trong nhóm đi vào xóm. Ôi! đường đất cát giữa trưa không một bóng cây.

Dưới thì cát nóng rát chân,

Trên thì nắng chói đầu trần chang chang.

Tay, nắp bát chiếu hào quang,

Nhưng vì hạnh nguyện lòng vàng dễ nao.

Tay ôm bát lần theo đường mòn, dừng lại từng nhà. Nơi đây đã lâu không có người khất thực nên mọi người thấy lạ và không biết phải làm sao? Thấy hai sư nữ đầu trần chân không, giữa trời trưa nắng hạ, mọi người xót xa nên rụt rè đem hộ tiền hộ gạo nhưng chư Ni không nhận. Cơm chưa có, bánh cũng không, mọi người nhìn ngược nhìn xuôi tìm vật thực để hộ và kêu rủ nhau, có người phát tâm mời:

“Mời hai cô vô nhà ngồi đụt mát chờ người ta cúng, chớ đứng ngoài nắng vậy sao chịu nổi”.

Thật vô cùng cảm kích trước những tấm lòng, không biết rồi cũng biết, không phát tâm rồi sẽ phát tâm, cuối cùng cơm, bánh, mì gói, đường, chuối đủ đầy. Thật là:

Ví đặng dốc tình lo học đạo

Áo cơm ai nỡ tiếc chi mình.

Khất thực về đến tịnh xá hơn 11 giờ, cô Phật tử hộ pháp đi chợ cũng vừa về đến. Cô mua đủ thứ thức ăn, thật là Phật nuôi chúng con chu đáo quá; tuy không có trụ trì nhưng Phật tử vẫn lo đủ đầy. Chư Ni lưu lại nghỉ ngơi. Tối đến, Phật tử về tụng kinh khoảng 10 người, vì vắng Trụ trì nên chư Ni không nói pháp. Qua tìm hiểu được biết nơi đây Phật tử được chư Tăng hướng dẫn tu hành rất tinh tấn: mỗi tháng cúng hội một lần vào ngày mùng 08; hàng đêm sau giờ tụng kinh, Phật tử thực hành thiền tọa 45 phút sau đó mới về, thật là quý.

Ngày 21/03/Tân Tỵ

Sáng, chư Ni lại chia hai tốp đi ra phố. Bá tánh hoan hỷ phát tâm gieo duyên trong hoan hỷ và còn thỉnh ngày mai trở lại cho con được cúng dường. Thời kỳ “củi quế gạo châu” kinh tế khó khăn mà bá tánh vẫn siêng năng làm thiện sự, vậy mới biết chưa phát tâm chứ không có hoàn cảnh nào là khó. Tay ôm bát nhận lãnh những tấm lòng vàng gieo duyên kết phước, tâm miên man suy nghĩ:

Tay thọ lãnh bâng khuâng tự nghĩ

Đức hạnh mình thọ thí đáng không?

Chính nhờ hạnh khất thực đã nhắc nhở tâm mình tinh tấn nhiều, mà nếp sống an trụ dễ khiến mình xao lãng.

Tối, sau giờ tụng kinh, tuy không có thời pháp hẳn hoi nhưng tùy nhân duyên tiếp độ, khiến Phật tử vô cùng hoan hỷ. Hơn 9 giờ tối thì Sư cô trụ trì về đến. Sư cô vừa ngạc nhiên vừa vui mừng nên niềm vui hội ngộ đã quên đi thời gian, khi nhìn lại đã hơn 12 giờ khuya.

8. THƠM

Ngày 22/03/Tân Tỵ

Sáng, Sư cô trụ trì theo chư Ni đi khất thực trong sự vui thích lẫn hoan hỷ, bởi vì từ trước đến giờ Sư cô chưa đi khất thực lần nào. Khi về đến tịnh xá, Phật tử tìm đến thưa hỏi những điều thắc mắc trong sự tu học nên hôm nay hơi bận.

Độ ngọ xong, chư Ni từ giã đi đến Tịnh xá Thành Đức ở Thơm. Ngồi trên chiếc xe tàu mo - phương tiện thô sơ của địa phương, chư Ni thấy lạ lạ vui vui. Được thỏa thích nhìn khung cảnh chung quanh, càng đi sâu càng thấy rõ nếp sống bình dị của miền quê sao yên tỉnh quá; nơi đây chưa có điện nước, khoa học kỹ thuật chưa can thiệp nhiều vào đời sống của người dân, đa số người dân sống bằng việc chế biến xơ dừa. Chư Ni tại Tịnh xá Thành Đức cũng quay se xơ dừa. Quý Sư cô cho biết nơi đây đời sống tu hành hòa đồng gần gũi với dân. Sư cô quay xơ dừa tự túc sống, không nhận của cúng dường, sống với phương châm của tổ Bách Trượng: “Một ngày không làm, một ngày không ăn”. Nghe vậy, đoàn du hành hơi đắn đo có nên lưu lại không? Lưu lại có làm trở ngại sinh hoạt thường ngày của tịnh xá không? nhưng đã đến rồi cứ lưu lại một hôm.

 

Thành Đức, An Thiện đến nơi,

Đêm không điện, lấy sao trời làm vui.

Ngày thì quạt gió thảnh thơi,

Nếp sống bình dị tiên trời cũng thua.

Nơi đây Sư nữ bốn mùa,

Quay xơ, se sợi, đong đưa nhịp nhàng.

Tri túc tâm được bình an,

Vui trong mọi cảnh nhẹ nhàng biết bao.

 

Hoàng hôn nơi đây thật yên tĩnh, sau giờ thiền tọa, chư Ni ra sân ngắm sao trời. Những vì sao lấp lánh như nạm ngọc trên bầu không gian đen thẳm, tiếng côn trùng hòa tấu nhạc nghe vui tai. Đêm nay dưới ánh hồng lạp, chư Ni tụng thời kinh cầu nguyện. Ánh đèn lập lòe trước gió, mình tưởng chừng như đang sống với thời gian của 30, 40 năm về trước, lâu lắm rồi mình mới có dịp sống với không gian yên tĩnh thế này. Đêm dần về sáng, tiếng chân người rộn rịp, ánh đuốc lập lòe xa gần mờ tỏ, tiếng gà gáy đây đó mời gọi bình minh. Tọa thiền xong, chư Ni dạo bước quanh sân, cỏ cây xanh tươi dưới làn sương sớm, không khí thật trong lành thoáng đãng.

Cô Liên thì đang bận rộn lo chuẩn bị bữa điểm tâm sáng cho chư Ni. Mặc dù sức khỏe rất kém cô chu đáo từ ly sữa buổi chiều đến tô mì buổi sáng hôm nay và cô còn hẹn đoàn trong chuyến đi sau. (Khi viết lại chuyến du hành này thì cô Liên Ngọc không còn nữa! Nguyện cầu hương linh cô được siêu sinh lạc quốc).

 

Ngày 23/03/Tân Tỵ

 

Sáng, chư Ni đi hóa duyên. Hai vị lớn tuổi đi gần, bởi nghe chợ Thơm cách xa 2km sợ quý vị yếu chân đi không nổi. Còn lại bốn vị đi đến gần chợ thì Phật tử đã đón lại xin cúng dường, một người thêm một người chỉ đi một đoạn ngắn chừng 50m đã đầy bát. Khi để bát vào túi rồi mà Phật tử còn năn nỉ xin cúng thêm, mạnh ai nấy chất vào không từ chối được. Cuối cùng, chư Ni vừa quảy vừa mang, vậy mà còn một số người chưa cúng dường được nên cùng nhau mang thực phẩm đến tịnh xá cúng mấy mâm đầy.

Trưa, Phật tử tề tựu về tịnh xá thăm chư Ni. Phẩm thực sớt bát xong còn lại Phật tử được chia phần, cùng dùng bữa trong niềm hoan hỷ. Dùng ngọ xong, phẩm vật còn lại 3, 4 mâm đầy, chư Ni xin cúng dường lại tịnh xá. Thật là Phật tử vì kính Phật, hộ Tăng “thảo lòng nhịn miệng” biết nói sao hết những tấm lòng vàng.

Sau giờ ngọ, Sư cô trụ trì cùng hai Phật tử cung kính đến thỉnh chư Ni ban pháp ngữ. Ni sư Khoa chỉ đạo: “Hôm nay Sư cô Tuyết nói pháp”. Với tấm lòng thiết tha của Phật tử, không thể chối từ. Khi Phật tử nơi đây toàn nghe pháp đại thừa, giảng sư xuất thân từ học viện mà còn bị Phật tử vấn nạn trả lời không được, phải hẹn chờ đi du học trở về, mình cũng hơi ngại, trình độ Phật tử tới đâu mà cử nhân Phật học lại chịu thua, cỡ ngài Duy Ma Cật chăng?

Thử thì sẽ biết! Mình mời Phật tử ngồi lại thăm dò thử vài câu thì đã rõ, xem kinh đại thừa, nói pháp đại thừa, mà căn bản tu chưa rõ, mãi nghĩ tới lầu cao mà quên nền móng ban đầu, nên mình quyết định chọn đề tài “Tam quy – Ngũ giới”. Trong buổi nói chuyện, Phật tử nêu những thắc mắc của mình như: Thọ giới rồi, nếu còn bổn phận trong gia đình, làm dâu, làm vợ thì sao? Thọ năm giới có uống bia được không? Có lập gia đình được không?… Nhìn đồng hồ thấy đã 3 giờ chiều, nên chư Ni xin kết thúc buổi nói chuyện, Phật tử rất hoan hỷ và hứa nguyện sẽ quy y Tam bảo và tu hành tinh tấn hơn.

Sau giờ nói pháp, chư Ni từ giã trở về, Sư cô trụ trì và Phật tử quyến luyến theo đưa và mong có ngày đoàn trở lại lưu trụ lâu hơn, xe chạy xa dần mà Phật tử vẫn còn đứng trông theo sau lớp bụi mờ.

 

Phà Hàm Luông hiện ra trước mắt

Chuyến du hành kết thúc nơi đây

Chư Ni hoan hỷ vui vầy

Trở về trú xứ lòng đầy niềm tin

Lòng mong có được duyên lành

Chư Ni tiếp tục du hành viễn phương.

 

Ngày 08/06/Tân Tỵ - 2001

 

TÌNH MẸ

 

( Riêng tặng Sư cô Dũng người chung bước du phương)

 

Mẹ! Một âm môi vỏn vẹn,

Mà chứa nhiều ý nghĩa sâu xa.

Mẹ! là bà tiên tóc trắng dáng hiền hòa,

Mang hạnh phúc niềm tin cho con trẻ.

Mẹ! dáng hao gầy lặng lẽ,

Là cây cao bóng mát cho trẻ thơ.

Khi con đi mẹ ngóng đợi từng giờ,

Mong con trẻ sớm ngày quay trở lại.

Mẹ ơi! con vẫn biết,

Tình mẹ thâm sâu tợ trùng dương đại hải,

Cho con khờ muôn vạn ý tình sâu,

Nghĩa sanh thành con chẳng dám quên đâu,

Khi xa mẹ lòng con nhiều xao xuyến.

Nhưng đường trần dong ruổi,

Vì hạnh nguyện du phương,

Con quảy bát lên đường,

Cho thế nhân gieo phước.

Mẹ! con vẫn biết,

Con cất bước,

Mắt mẹ vời trông theo lối bước,

Ánh mắt buồn sâu thẳm,

Lặng lẽ chờ mong.

Con bước đi lòng cũng xót xa lòng,

Vì hạnh nguyện, tình thương con gát lại.

Mẹ!

Ngày mai con trở lại,

Dâng mẹ kết quả tâm,

Xin quỳ bên gối mẹ,

Đền ơn nghĩa thậm thâm.

 

Tịnh xá Bồ Đề, 21/03/Tân Tỵ - 2001

BÀI LIÊN QUAN

Nhà Nho Nguyễn Công Trứ với Phật Giáo  ( PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn , 9967 xem)

Mối quan hệ giữa Phật giáo với văn học  ( Nguyễn Công Lý , 8160 xem)

Dẫn vào thế giới Văn học Phật giáo  ( Thích Tuệ Sĩ , 7380 xem)

Giấc mơ vượt quá tầm tay  ( Ngọc Chơn , 8956 xem)

Lịch sử văn học Phật giáo tiếng Sanskrit  ( J. K. NARIMAN - Thích Nhuận Châu dịch , 9472 xem)

Sự kết nối thơ thiền xưa và nay  ( Hoàng Thị Ngọc Bích , 7985 xem)

Con người hành hương trong thơ Thiền Lý Trần và Đường Tống  ( Lê Thị Thanh Tâm , 7822 xem)

Vần thơ sinh tử của Vô Nhị thượng nhân  ( Nhật Chiêu , 7918 xem)

Bài thơ thiền của Trần Nhân Tông  ( Hà Thúc Minh , 9927 xem)

Mối quan hệ giữa Phật giáo với văn học  ( Nguyễn Công Lý , 9484 xem)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC


NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên

 

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương

 

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ
  • Thích Nữ Bạch Liên
  • Thích Nữ Thanh Liên
  • Thích Nữ Kim Liên
  • Thích Nữ Ngân Liên
  • Thích Nữ Chơn Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Tạng Liên
  • Thích Nữ Trí Liên
  • Thích Nữ Đức Liên
  • Thích Nữ Thiện Liên
THÔNG BÁO

Thông báo Khóa tu Truyền thống lần thứ 37 tưởng niệm 100 năm ngày sinh Đức Tổ sư Minh Đăng Quang

Ni giới Hệ phái Khất sĩ sẽ tổ chức khóa tu Truyền thống lần thứ 37 tưởng niệm Tổ sư vào tháng 8 âm lịch năm 2023 như sau: ĐỊA ĐIỂM: CHÙA THUẬN PHƯỚC ĐỊA CHỈ: SỐ 171, ẤP 4, PHƯỚC VÂN, CẦN ĐƯỚC, LONG AN Trụ trì: SƯ CÔ NGHIÊM LIÊN Thời gian tu: Từ ngày mùng 10/8 - 16/8 (âl) năm Quý Mão (24.9.2023 - 30.9.2023)

Thư mời viết bài Hội thảo Hệ phái Khất sĩ: Tư tưởng Phật học, Lịch sử truyền thừa và những đóng góp

Thư mời viết bài Hội thảo Hệ phái Khất sĩ: Tư tưởng Phật học, Lịch sử truyền thừa và những đóng góp

Thông báo Khóa tu Truyền thống lần thứ 36-37-38 của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm Quý Mão 2023

Khóa tu Truyền thống của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm 2023 sẽ tổ chức tại các Tịnh xá, như sau: KHÓA 36: Tịnh xá Ngọc Long - Xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. KHÓA 37: Chùa Thuận Phước - số 171, ấp 4, Phước Vân, Cần Đước, Long An. KHÓA 38: Tịnh xá Ngọc Lâm - số 839 Trần Phú, phường B’Lao, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến

Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày

VIDEO HÔM NAY

Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO

Pháp âm MP3

  • 0 - Lời Mở Đầu
  • 01 - Võ Trụ Quan
  • 02 - Ngũ Uẩn
  • 03 - Lục Căn
  • 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên

LỊCH VIỆT NAM

THỐNG KÊ