Trang chủ > Văn Học > Truyện

Đêm rằm ngẫm chuyện trăm năm

Tác giả: Chơn Hạnh Phúc.  
Xem: 6626 . Đăng: 21/09/2021In ấn

 

Đêm rằm ngẫm chuyện trăm năm

 

Chú về Việt Nam cũng hơn một năm rồi. Bác vẫn còn thích trụ nơi xứ chùa tháp ấy, mặc dù giữa thời đại hỗn tạp, “khủng hoảng kép” trầm trọng, vừa nội chiến leo thang khốc liệt, vừa dịch bệnh chết chóc tràn lan. Cứ coi như là thử thách tình yêu của mình đối với cái nơi “khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn” qua bao nhiêu năm miệt mài trên những trang kinh để vật lộn với những kỳ thi khó nhất trong cuộc đời đèn sách.

 

 

Mùa Trung Thu năm nay chú ở Việt Nam, là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi gắn bó cuộc đời tuổi thơ từ lúc sinh ra đời đến năm hai mươi sáu tuổi. Ấy vậy mà chẳng hiểu sao chú cứ nôn nao khó tả, cứ nhớ mãi những đêm trăng Rằm được trầm mình vào những buổi lễ hội Ánh Sáng rực rỡ của trăm ngàn ngọn nến thắp quanh ngôi đại tháp Xá Lợi Phật Shwedaw, những lúc chân trần đi dạo mát giữa trời nơi chùa Vàng Shwedagon nổi tiếng thế giới, những lúc thả mình lang thang nơi góc sân trường đầy lá rơi mà ngắm trăng tròn miền viễn xứ.

Nhớ nhung mãi cũng khó bề tao ngộ,

Dòng sông trôi nào trở lại bao giờ,

Ánh trăng tròn mai hết Rằm, lại khuyết,

Ta vắng người, lòng sao mãi…bơ vơ…

Đọc thơ chú mà bác cứ nói là thơ tình. Chú tính cãi không phải thơ tình, nhưng ngẫm lại mà đúng là thơ tình thiệt nên chú liền không cãi nữa. Cái tình của chú đối với xứ sở chùa tháp cứ như một đứa trẻ thơ thèm được dầm mưa chạy tung tăng trên sân cát lớn; hoặc được leo lên cây cao để thả ùm mình xuống dòng sông mát lạnh vừa có chút sợ mà cái hồ hà hồ hởi lại to tát hơn; hoặc tay dắt con cún con đi ra ngoài sau vườn chui rúc vào từng hốc cây, bụi cỏ mà tưởng tượng mình là Tazan cưỡi cọp lang bạt giữa rừng rậm hoang vu một cách đầy bản lĩnh. Nó ấm áp một cách hừng hực, và nó mát mẻ đến tê người. Giữa lúc quê hương Việt Nam cũng đang oằn mình trước làn sóng dịch bệnh mới này đây, thì quê hương thứ hai của chú hằng ngày vẫn luôn gởi tới những hung tin rơi nước mắt. Thầy chú chết, cô chú chết, bạn học chú chết, và bạn không học cũng lần lượt đi mất tiêu. Từ thuở sinh ra đến giờ chú cũng từng trải qua cảm giác mất người thân, từng nhìn thấy một người đang sống nhăn răng lại đột ngột ngã lăn ra chết, từng nhìn thấy mấy vụ tai nạn xe be bét máu, từng vào bệnh viện thấy bao người băng bó vết thương, khập khiễng lết đi từng bước một, hoặc rên la khóc lóc khi không chịu được nỗi đau dày vò của thứ bệnh tật chết người. Còn giờ bao tin dữ ập tới mà sao chú cứ bần thần, thẫn thờ cứ như trái tim bị ai đó ghim cho vài mũi. Mấy chú virus này chắc là oan gia trái chủ từ vô thủy kiếp nào đó nay đủ nhân đủ duyên quay lại báo thù. Mạng sống con người thì mong manh cứ như ngọn đèn liu xiu trước sân đầy gió bụi. Cứ theo thuyết nhân quả của Đạo Phật mà nói thì đây là thời điểm mà con người phải nhận lấy quả của mình. Cũng không ai biết được nhân loại đã gieo ác nghiệp thế nào mà nay cái quả bất thiện lại bao trùm toàn thế giới như vậy. Nén lại đau thương mà suy lại sự đời.

Đêm Rằm ngẫm chuyện trăm năm,

Lá rơi năm ngoái, còn âm ỉ buồn.

Nhắc tới đây mới nhớ, trăm năm là cả một cuộc đời, ấy vậy mà sao người ta lại ví cái chuyện trăm năm là cái chuyện vợ chồng thì chú hay bác gì cũng chịu thua không lý giải được. Cho là sớm lắm mười tám tuổi họ lấy nhau thì cái quãng đời bên nhau hạnh phúc lắm cũng chỉ tầm tám chín mươi năm là cùng, hay là họ cầu cho sống tới hơn trăm tuổi để được quấn quít nhau nhiều hơn, để được trả nợ nhanh hơn, chắc vậy đó! Đời ai cũng sống ngần ấy năm, mà con người nào biết trân quý từng phút giây của kiếp người này. Đức Phật dạy rằng khó lắm mới được mang thân người quý báu. Thôi giờ quả của nghiệp cũng tới rồi, thần thông bậc nhất như Tôn giả Mục Kiền Liên cũng không thể vận dụng ra mà thoát nghiệp, thì cái hạng phàm phu như chúng ta cũng đành chấp nhận và vui chịu mà thôi.

Xưa con người tự do tung tăng bay nhảy, thích chinh phục những đỉnh núi cao chót vót để gom trọn thế giới vào hai tròng mắt bé xíu của mình; thích du ngoạn đó đây vừa thưởng thức những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, vừa được thoả thê những sơn hào hải vị khắp tây đông; thích vùi đầu vào công việc kinh doanh để rồi tới bữa chỉ cần a lô một tiếng là thức ăn dâng tận họng; thích tụ năm tụ bảy kết bè kết lũ nhậu nhẹt bê tha, hay sang trọng hơn nữa là xập xình trong những quán Bar túy lúy cả ngày đêm, nhắm mắt đưa chân hay phì phà khói thuốc. Xưa khi mới ho sù sụ vài tiếng thì hốt hoảng bác sĩ, y tá, thuốc men; mới đứt tay một chút là nhờ người bông băng, thuốc đỏ; mới thèm ăn một chút là chạy ù ra quán quen xì xụp hủ tiếu, bún, phở, mì; trong nhà bày ra thức ăn này nọ thì chê ỏng chê eo, chưa đậm đà, thiếu ngọt, thiếu chua, nêm chưa tới; bất hoà với người thân trong nhà thì xách xe chạy đi chơi chỗ này chỗ nọ, buồn chút cũng đi chơi, mà vui chút cũng đi chơi. Mà đi chơi thì vui, còn gặp cảnh tắt đường kẹt xe thì rầu thúi ruột. Tiếng còi, tiếng hú, tiếng động cơ, tiếng tạp nham, tiếng đủ thứ; mùi khói, mùi bụi, mùi linh tinh; bực mình, lo lắng, chán nản rồi quạo quọ.

Còn nay thì sao? Mọi thứ đều quẩn quanh trong căn nhà bé bỏng, thân yêu mà trước đây ta thường hay vô tình hất hủi. Hành trình du lịch quẩn quanh từ nhà bếp, nhà tắm, phòng ngủ, phòng ăn; mâm cao cỗ đầy quẩn quanh là cơm, mì tôm, nước tương, mắm muối; lại còn học cách tự chăm sóc cho bản thân bằng gừng, xả, chanh, vitamin các loại; tự luyện tập sức khoẻ tại nhà như dưỡng sinh, yoga hay vận động cơ bản thay vì đăng ký vào các phòng tập luyện chuyên nghiệp như trước đây; tự biết chế biến món ăn dù nguyên liệu thô sơ đơn giản; có cơ hội gần gũi nhau hơn, hiểu nhau hơn với người bạn đời đầu ắp tay gối, với bọn trẻ thơ đã từng gởi suốt ngày trong những ngôi trường nội trú đến tối mới gặp mặt mày; biết trân quý từng tấc đất tấc vàng trồng trọt thêm rau xanh, hoa đẹp mà trước kia bỏ mặc cỏ dại tràn bờ. Dân biết tu tập, thực hành thì càng cảm thấy may mắn hơn, vừa sống chậm lại để có những sát na an lạc, tránh mấy cô mấy chú virus đang nhởn nha ngoài kia, lại vừa chuyên tâm vào đề mục để phòng hộ mấy chú mấy cô virus tham, sân, si suốt bao trăm ngàn đời hành hạ. Tuy có pháp hành như vậy, nhưng cũng khó tránh khỏi những phút tan lòng. Bởi vậy cho nên có người cũng ngâm nga giữa đêm Rằm tháng Tám:

Trăng thu trải chiếu toạ thiền,

Nghe đâu đó một giọt phiền vừa rơi.

Con người sẽ trưởng thành hơn rất nhiều sau đại dịch. Chú nghĩ là thế. Dù là người Châu Á hay Châu Âu, Việt Nam hay nước bạn thì thân ngũ uẩn vốn như nhau, Phật tánh vốn đồng đẳng, còn cái chết thì vô phân biệt. Nhớ những người bạn ở xứ chùa tháp đã ra đi mà chú cũng còn bàng hoàng, kinh cảm. Từng học lý vô thường, duyên sinh, vô ngã nhưng chú chưa đủ trưởng thành về mặt tâm linh để nhận chân ra nó có thể xảy ra bất cứ ở đâu, bất cứ với ai và bất cứ lúc nào một cách đột ngột và ngỡ ngàng đến vậy. Trăng thì nay khuyết, mai lại tròn. Mọi khó khăn cũng thế, chấp nhận, kham nhẫn rồi sẽ qua. Khi bình thường trở lại thì chú sẽ được gặp lại bác nơi xứ sở bình yên đến nao lòng nơi ấy.

Bác cũng được ở yên một chỗ hơn hai năm rồi nhỉ. Từ lúc chia tay đến giờ, bác bảo chẳng đi đâu, đến cái ngôi đại tháp cách mười phút tản bộ mà bác cũng không còn dịp thả đôi chân mình theo nhịp thở. Biểu tình loạn lạc, bom nổ súng rền, lửa cháy tứ bề, dịch bệnh tràn lan … Tất cả như một cơn ác mộng mà bác cứ nhéo mình hoài sao chẳng thức. Bạn bè các nước đều đã lục tục về quê từ ngày xuất hiện một vài ca bệnh đầu tiên trong thành phố, bác vẫn cứ không thể rời mảnh đất này chắc do còn nặng nợ với người dân hiền lành sặc mùi trầu thuốc, gương mặt cứ tèm lem những chất dưỡng da được mài ra từ loài cây quý lạ, ngày nào cũng ít nhất một lần đến chùa lim dim tụng mãi những bài kinh cổ ngữ mà chưa chắc dân học giả uyên thâm xứ mình thuộc nổi. Cứ thế rồi quen. Cứ thế rồi yêu. Tình yêu nó là thế đó. Cứ im ỉm, âm thầm mà len lỏi. Bác yêu nó. Chú cũng yêu nó. Phật dạy không nên dính nhiễm mà sao đi đâu cũng có cái để nhớ về. Hư quá đi à!

Nhớ lắm Yangon, nhớ lắm rồi,

Mưa thời trút nước, nắng thời sôi.

Đông về lạnh lẽo chui chăn rút,

Hạ tới râm ran bận áo tời.

Chùa tháp trang nghiêm sừng sững hiện,

Đường quê nhàn hạ thảnh thơi chơi.

Đi xa bỗng thấy yêu thương lạ,

Nhớ lắm Yangon, nhớ lắm rồi…!



Chơn Hạnh Phúc

-----ooOoo-----

BÀI LIÊN QUAN

Hoán đổi vị trí  ( Tâm Minh Ngô Tằng Giao , 4032 xem)

Nữ thần trẻ Ticca  ( Tâm Minh Ngô Tằng Giao , 1748 xem)

Mẹ và mùa bắp  ( Nguyễn Thị Bích Nhàn , 2632 xem)

Khi Thiền Ni Chiyono Chứng Ngộ  ( Nguyên Giác biên dịch , 4968 xem)

Lời nhắn nhủ của bác sĩ triệu phú: Đừng tôn thờ tiền như tôi  ( Hồng Tâm , 5816 xem)

Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con  ( Tâm Minh Ngô Tằng Giao , 6116 xem)

Vì mê nên bất hiếu  ( Thích Trung Hữu , 3336 xem)

Nước Mắt Người Mẹ Già  ( Tâm Minh Ngô Tằng Giao , 4204 xem)

Hai lần mất cha  ( Mãn Đường Hồng , 4604 xem)

Mùi của lưỡi kiếm BANZO  ( Tâm Minh Ngô Tằng Giao , 3988 xem)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC


NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên

 

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương

 

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ
  • Thích Nữ Bạch Liên
  • Thích Nữ Thanh Liên
  • Thích Nữ Kim Liên
  • Thích Nữ Ngân Liên
  • Thích Nữ Chơn Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Tạng Liên
  • Thích Nữ Trí Liên
  • Thích Nữ Đức Liên
  • Thích Nữ Thiện Liên
THÔNG BÁO

Thông báo: Hội thi giáo lý nhân ngày Lễ Tưởng niệm lần thứ 38 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam

Nhân ngày lễ Tưởng niệm lần thứ 38 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương sẽ tổ chức Hội thi giáo lý về cuộc đời và đạo nghiệp của Ni trưởng Đệ Nhất.

Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)

Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến

Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày

VIDEO HÔM NAY

Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO

Pháp âm MP3

  • 0 - Lời Mở Đầu
  • 01 - Võ Trụ Quan
  • 02 - Ngũ Uẩn
  • 03 - Lục Căn
  • 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên

LỊCH VIỆT NAM

THỐNG KÊ