Trang chủ > Hoạt Động Hệ phái > Thời Sự

Giáo đoàn III: Chương trình Hành đạo Ngày thứ sáu

Tác giả: Ban TT - TT Giáo đoàn III.  
Xem: 342 . Đăng: 18/03/2024In ấn

Giáo đoàn III: Chương trình Hành đạo Ngày thứ sáu

 

Sau khi dừng chân nghỉ ngơi tại TX. Ngọc Duyên (Bình Định), sáng ngày 16/03/2024 (nhằm ngày 07/02 Giáp Thìn), chư Tôn đức Ban Lãnh đạo GĐ.III tiếp tục thực hiện chuyến hành đạo ngày thứ sáu, tại hai tỉnh Bình Định và Gia Lai.

 

 

 

 

 

 

 

1 - Tại Tịnh xá Ngọc Duyên (Đập Đá)

Nhân chuyến hành đạo tại TX. Ngọc Duyên (Đập Đá, Bình Định), sáng nay 07/02 Giáp Thìn, duyên tùng duyên sự tùng sự, chư Tôn đức Tăng GĐ.III cũng đã trang nghiêm tham dự lễ Tưởng niệm Trưởng lão ân sư Đạo hiệu Giác Dưỡng - Nguyên Phó trưởng GĐ.III, tròn 30 năm viên tịch (07/02 ÂL, 1994 – 07/02 Giáp Thìn, 2024). Buổi lễ còn có sự hiện diện của chư Tôn đức Tăng Ni các miền Tịnh xá đồng về chứng dự.

Tại buổi lễ, chư Tôn đức đã đi nhiễu tháp, viếng thăm nơi Bảo tháp và dâng hương tưởng niệm ân đức một đời vì đạo pháp và nhân sinh của cố Trưởng lão HT. Giác Dưỡng.

Tăng là các nhà sư thanh tịnh
Thể không không, chẳng dính bụi trần
Ly gia, cắt ái khinh thân
Dứt trừ bổn ngã lãnh phần độ sanh.
Tăng là kẻ thừa hành Phật pháp
Đem đạo mầu dạy khắp thế gian,
Hồng trần đám lửa cháy lan
Nước mưa cam lộ xối tràn tắt ngay.
Chư Thánh Tăng công dày vô hạn
Độ chúng sanh bao quản nhọc nhằn
Đội ơn cảm đức không ngằn
Chúng con thành kính lễ hằng dám sai. 

Trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh, thắm tình đạo vị, HT. Giác Trong thay mặt chư Tôn đức Chứng minh GĐ.III, cung tuyên tiểu sử của cố HT. Giác Dưỡng, nhắc lại hành trạng của Ngài, nhằm hoài niệm và tri ân công đức của cố Hòa thượng.

Cố Trưởng Lão Giác Dưỡng thế danh Đào Vọng. Sinh năm Tân Dậu (1921), tại thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định - miền đất trứ danh vị anh hùng áo vải Tây Sơn, vua Quang Trung (Nguyễn Huệ), một vùng đất hiền hoà xuất xứ một vị danh Tăng - Tổ Sư Nguyên Thiều, miền Trung nước Việt.

Ngài sinh ra trong gia đình có truyền thống nho phong, lễ giáo, đạo đức, kính tin Tam Bảo lâu đời, với thân phụ là cụ ông Đào Thực (PD: Thiện Phước) và thân mẫu là cụ bà Trần Thị Biếu (PD: Ngọc Đức). Thời ấu thơ Ngài được hai đấng sinh thành cho đi học và đã học xong trung học thời Pháp thuộc. Sau vì hoàn cảnh gia đình, Ngài xin thôi học để phụng dưỡng cha mẹ và giúp việc gia đình.

Đến năm 22 tuổi, Ngài vâng lời song thân lập gia thất cùng cô Đinh Thị Thao (PD: Ngọc Lan), là một thiếu nữ Phật tử đức hạnh trong vùng. Ngài có 5 người con: 2 trai và 3 gái, tất cả đều hiền hòa chân chất.

Vì Ngài vốn sẵn có duyên với Phật, vào năm 1960 Đạo Phật Khất sĩ truyền đến Đập Đá xã nhà, thông qua Đức Thầy Giác An là đệ tử của Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang - Vị Tổ Sư khai sáng Đạo Phật Khất sĩ. Thế là Ngài xin quy y Tam Bảo và được Đức Thầy chứng minh thọ ký, ban cho pháp danh: Thiện Chi, tu học Cư sĩ tại gia. Từ đó lối đi đã chọn, sự nghiệp bắt đầu chuyển mình. Ngài tư duy suy tưởng nhiều về cuộc đời vô thường, ảo mộng trước cảnh tang thương của kiếp đời giả tạm, nên phát tâm xin xuất gia làm Du tăng Khất sĩ. Lễ xuất gia được tổ chức vào ngày 15/04/1963 (Quý Mão), Ngài là một trong những vị Đệ tử của Đức Thầy Giác An và TX. Ngọc Duyên (Đập Đá, An Nhơn, Bình Định) là chỗ nương thân tu học của Ngài.

Sau một thời gian tu học tập sự 2 năm, đức hạnh đủ đầy, Ngài đã được Đức Thầy Giác An cùng chư Tôn đức Tăng trong Giáo Hội hiệp hòa chứng minh, truyền thọ Y bát Thập giới Sa-di vào ngày Rằm tháng 7 Ất Tỵ (1965), tại Giới đàn TX. Ngọc Cát (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), pháp danh Giác Dưỡng và thọ Tỳ-kheo tại TX. Ngọc Hải (Cam Ranh) vào ngày Rằm tháng 7 Kỷ Dậu (1969).

Từ ngày nhận lãnh Y bát chơn truyền làm vị Khất sĩ, bước chân của Ngài đã đi khắp đó đây. Hầu hết các miền Tịnh xá của GĐ.III đều có sự lưu trú hành đạo của Ngài. Ngoài những nơi đã được Giáo Hội bổ nhiệm, Ngài còn đi hành đạo ở các Tịnh xá thuộc Cao Nguyên Trung phần, cũng như ở đồng bằng Trung Bộ.

Trong suốt cuộc đời hành đạo, Cố Trưởng Lão Giác Dưỡng luôn luôn là vị Thầy cao cả, tinh nghiêm giới luật, đạo hạnh tròn đầy, nên Tăng chúng trong Giáo đoàn đều kính mến và noi gương tu học. Ngài được Tấn phong lên hàng Giáo phẩm Thượng tọa vào năm 1980 và đến năm 1992 Ngài lại được Giáo đoàn suy cử vào chức vị Đệ Nhất Phó Trưởng GĐ.III HPKS.

Do phước duyên nhiều đời hội tụ nên trong gia tộc của Ngài, có nhiều người xuất gia theo Phật như: Cố ĐĐ. Giác Nên là em ruột của Ngài, Cố Tỳ-kheo Ni Lan Liên và trong 5 người con ruột đã có hết 3 vị là Tu sĩ như: HT. Giác Phùng, NS. Hoa Liên, NS. Hà Liên. Năm 1975, Ngài được Giáo hội bổ nhiệm về trụ trì TX. Ngọc Duyên (xã Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) cho đến ngày viên tịch.

Thuận thế vô thường, Ngài đã xả bỏ báo thân trở về cảnh Phật vào ngày mùng 07/02 Giáp Tuất (nhằm ngày 18/03/1994). Trụ thế: 73 năm, hành đạo: 31 năm.

Nhục thân của Ngài được an táng trong khuôn viên TX. Ngọc Duyên. Tại đây, Tăng Ni thiện tín cũng đã trang nghiêm xây tạo một Bảo tháp để tưởng nhớ và ghi sâu vào lòng mọi người hình ảnh một bậc tu hành chân chính.

Đại diện chư Tôn đức GĐ.III, HT. Giác Hùng đã có đôi tưởng niệm cố HT. Giác Dưỡng, qua đó nhắc nhở đại chúng nên lấy cố Trưởng lão Hòa thượng làm tấm gương mà tu tập, hòng báo đáp ân đức của Ngài đã nhọc công dạy dỗ, từ đó mà tinh tấn làm nhiều điều phước, bỏ ác làm lành, đạt thành chí nguyện trên bước đường tu nhân học Phật.

Tiếp lời HT. Giác Minh ban huấn từ, khuyến tấn đại chúng: “Đường lối tu tập của người xuất gia, lẫn tại gia, đó là tiếp nối hành trạng của Phật, của chư vị Tổ sư, giữ vững mạng mạch của Pháp. Không nên quên đi ân đức của người đi trước, nên lấy đó làm động lực tu tập, không phụ ơn giáo dưỡng. Không nên chạy theo hình thức mà quên mất đi bổn tâm của mình. Đem lòng từ thiện rải khắp nhân gian, giúp người nghèo khổ hơn mình. Trì giới thanh tịnh để ngăn ngừa xấu ác. Nên ghi nhớ, giới luật là mạng mạch của Phật giáo, lấy giới luật làm Thầy dù ở bất cứ nơi đâu. Nhẫn nại chịu đựng, đi trên chông gai sạn sỏi, đó mới là bước chân của người giác ngộ. Tinh tấn nỗ lực, ngày hay đêm thường xuyên niệm Phật, Pháp, Tăng. Thực tập thiền định để tâm không bị tán loạn. Tu tập trí tuệ, nhận định đâu là đúng đâu là sai, đâu là con đường đưa đến khổ đau, đâu là con đường đi đến Niết-bàn, để  tiến thăng trên đường đạo hoá độ chúng sinh”.

Đồng thời Hòa thượng cũng khuyên hàng cư sĩ Phật tử nên sống thuận hoà với nhau, đoàn kết xây dựng hộ trì Tam Bảo. Bên cạnh đó, phải hiếu thuận cha mẹ, Phật hoá gia đình. Tự thân làm nhiều điều phước thiện, lánh xa điều ác cảm nhận sâu sắc về vô thường mà chăm lo tu tập, học hỏi giáo pháp, trân trọng những người bên cạnh, giữ gìn trong sạch 5 Giới. Kết lời, thay mặt chư Tôn đức GĐ.III, Hòa thượng thành tâm cầu nguyện, biết ơn, tri ân cố HT. Giác Dưỡng trong buổi lễ.

ĐĐ. Giác Phước trụ trì TX. Ngọc Duyên đã thành tâm cảm niệm, đảnh lễ tri ân tới chư Tôn đức giáo phẩm cùng chư Tôn đức Tăng, Ni đã đáp lời cung thỉnh của đạo tràng, quang lâm chứng minh và tưởng niệm trong buổi Huý kỵ Tôn sư.

Được biết, trước giờ diễn ra lễ Tưởng niệm, chư Tôn đức đoàn hành đạo GĐ.III cũng đã có thời tụng kinh, thiền định tại TX. Ngọc Duyên từ sáng sớm, đồng thời thực hiện hạnh trì bình hóa duyên khất thực tại khu vực chợ Đập Đá (đường Hồng Lĩnh, phường Đập Đá, An Nhơn, Bình Định).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2 - Tại Tịnh xá Ngọc An (An Khê)

Khép lại chuyến thăm tại tỉnh Bình Định, phái đoàn tiếp tục di chuyển đến các tỉnh cao nguyên Việt Nam. Theo đó, vào lúc 13g43, đoàn hành hành đạo đã đế thăm và khuyến tấn tại TX. Ngọc An (An Khê, Gia Lai) do NS. Chuyên Liên trụ trì.

Đại diện Ni chúng và quý Phật tử hiện diện, NS. Chuyên Liên đã có đôi lời vấn an sức khoẻ và đảnh lễ tri ân đến chư Tôn đức giáo phẩm, chư Tăng trong phái đoàn.

Nhân đó, HT. Giác Hùng cũng đã dành lời thăm hỏi đến Ni chúng và Phật tử nơi đây, qua đó huấn từ đại chúng cần nỗ lực tu tập, thực hành lời Phật dạy, tiếp nối những gì Tổ thầy đã truyền trao. Đồng thời, Hòa thượng cũng tán thán công đức Ni sư Trụ trì và các Phật tử, đã cùng nhau góp phần xây dựng đạo tràng Tịnh xá nơi đây trở nên khang trang, nghiêm tịnh, làm chỗ nương tựa cho hải chúng 10 phương.

Cuối cùng Hòa thượng khánh chúc chư Ni cùng Phật tử chân cứng đá mềm, tu hành mau thành tựu, làm lợi ích cho mình và tha nhân báo đáp ân đức của Tổ Thầy trong muôn một. 

 

 

 

 

 

3 - Tại Tịnh xá Ngọc Giác (An Khê)

Đến 14g27 cùng ngày, đoàn hành đạo chư Tôn đức trong phái đoàn đã đến thăm và khuyến tấn tại TX. Ngọc Giác (An Khê, Gia Lai) do ĐĐ. Giác Minh Thức phụ trách chăm coi ngôi đạo tràng từ ngày 13/07 Quý Mão vừa qua.

Tại TX. Ngọc Giác, chư Tôn giáo phẩm cùng chư Tăng đã dâng hương lễ Phật. Đồng thời, HT. Giác Hùng đã thăm hỏi, ban huấn từ chư Tăng và Phật tử nơi đây. Hòa thượng nhấn mạnh: “Mỗi hành giả tu tập và hàng Phật tử phải cố gắng vượt qua những chướng duyên, để tự vun bồi đạo tâm của mình, việc gì càng khó nếu làm được càng có giá trị. Nỗ lực tiến tu, chuyển hoá phiền não, dầu phía trước còn nhiều sỏi đá chông gai. Mong sao chư Tăng và Phật tử chân cứng đá mềm, không ngại gian lao khó nhọc mà tu tập, xây dựng đạo tràng làm lợi ích quần sanh. An lạc hạnh phúc từ đó mà phát sanh, thượng báo Tứ trọng ân, hạ tế Tam đồ khổ. Báo đáp ân đức của Phật, Tổ Thầy”.

 

4 - Tại Tịnh xá Ngọc Trung (An Khê)

Tiếp đến, đoàn hành đạo có chuyến thăm đến chư Ni tại TX. Ngọc Trung (An Khê, Gia Lai) do NT. Hiệp Liên trụ trì. Tác bạch đến chư Tôn đức lãnh đạo GĐ.III, NT. Hiệp Liên bày tỏ: “Thật xúc động khi được quý Ngài về thăm ngôi Tam bảo và dành lời đạo từ đến chư Ni, Phật tử nơi đây. Thành kính niệm ân chư Tôn đức, cầu chúc quý Ngài luôn luôn thân an tam khỏe, làm chiếc thuyền cho chư Ni cũng như Phật tử nương tựa tu học”.

Thay lời chư Tôn đức chứng minh, HT. Giác Hùng cầu chúc chư Ni vạn sự an lành, tu hành mau thành đạo quả để làm lợi ích cho chúng sanh, đáp đền ân đức của Tổ Thầy trong muôn một.

Hòa thượng khẳng định: “Đó là lý tưởng của người xuất gia. Phải cố gắng vượt qua chướng duyên, chướng ngại để đạt được lý tưởng giải thoát khổ đau, bước lên con đường thánh thiện cao ráo, để tâm hồn thanh thản, không vướng bận. Mong rằng tất cả quý Phật tử lúc nào cũng tinh tấn quyết chí trên con đường đạo. Tất cả đều giả tạm, không có gì là được hoặc mất cả, chính nó làm ta điên đảo không lợi ích gì”.

Dịp này, Ni trưởng Trụ trì cũng đã trình bày về nội dung tu tập tại Tịnh xá. Theo đó, từ năm 1968, Ni trưởng xuất gia với Đức Thầy Giác An. Năm 1971 Đức Thầy viên tịch. Mãi cho đến năm 1975 thì Giáo đoàn mới cắt cử về trụ tại TX. Ngọc Trung cho đến nay trên 40 năm. Trong tỉnh Gia Lai, Ni trưởng có 8 ngôi Tịnh xá - Tịnh thất và tại các tỉnh thành khác. Ni trưởng độ chúng Ni lên đến 50 vị, hiện đang là Trụ trì các nơi, hoặc đang đi học. Hiện nội chúng tại Tịnh xá có gần 30 vị.

Sau đó, HT. Giác Trong cũng có đôi lời giáo dưỡng: “Thành kính tán thán công đức to lớn của Ni trưởng và đại chúng khi mang chánh pháp Phật tỏa rộng ra chỗ chỗ nơi nơi xứ xứ, bằng cách thành lập trong nội tỉnh Gia Lai 8 ngôi Tịnh xá - Tịnh thất cũng như các nơi khác. Nguyện cầu Tam bảo hộ trì cho Ni trưởng khỏe mạnh tròn đầy, viên mãn, đi vào cuộc đời như ngọn đèn chân lý. Nguyện cầu mỗi hoa hồng các vị cầm, hiện hữu trong công đức của Phật, trong trí tuệ của Pháp, trong phước đức của Tăng, để đời đời, kiếp kiếp, vạn vạn, các vị sanh ra trong công đức trang nghiêm”.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5 - Tại Tịnh xá Ngọc Túc (Đắk Pơ)

Tiếp nối con đường hành đạo của Tổ Thầy, chiều 16/03/2024, đoàn hành đạo tiếp tục đến thăm và khuyến tấn chư Ni tại TX. Ngọc Túc (Đắk Pơ, Gia Lai), do NT. Cảnh Liên trụ trì.

Trước chư Tôn đức, Ni trưởng tác bạch: “Chư Ni chúng con cùng chư vị Phật tử đạo tràng thành kính cung đón quý Ngài trên đường hành đạo về ghé thăm. Chúng con rất lấy làm vui khi được sự chăm sóc của quý Hòa Thượng trong Ban Lãnh đạo. Xin đê đầu thành kính đảnh lễ cung đón quý Ngài”.

HT. Giác Hùng ban huấn từ: “Cầu nguyện ân trên Tam bảo gia hộ cho các vị vạn sự an lành tâm hồn thanh thoát, luôn nhớ Phật, nhớ Pháp, nhớ Tăng, nhớ ngôi Tam bảo, đạt thành chí nguyện tự lợi, lợi tha. Tán thán Ni trưởng và chư Ni hết sức chăm lo xây dựng thời gian qua, tạo ngôi đạo tràng nhà cửa khang trang tốt đẹp. Năm 1964, HT. Giác Hùng có về đây, khi ấy mới chỉ là một cốc nhỏ, giờ trở về thấy rất khang trang. Nay còn xây thêm Tháp mới, công đức không thể nghĩ bàn”.

Ngài chỉ dạy chư Ni và Phật tử cố gắng tạo thêm Chánh điện mới khang trang, cao hơn 2 dãy nhà 2 bên, cho chúng sanh về nương tựa, làm nơi tu tâm dưỡng tánh trở nên người thánh thiện, làm lành lánh dữ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

6 - Tại Tịnh xá Ngọc Hạnh (Kom Tum)

Vào lúc 20g20 tối cùng ngày, đoàn hành đạo cũng đã có mặt tại TX. Ngọc Hạnh (Kom Tum, Gia Lai) do TT. Giác Bửu trụ trì. TT. Giác Bửu và chư Tăng Tịnh xá, cùng nam nữ Phật tử, cung thỉnh chư Tôn đức lãnh đạo, thỉnh cầu lời sách tấn của chư Tôn đức cho hàng hậu học trên đường học đạo và hành đạo.

Theo đó, HT. Giác Hùng sách tấn: “Hôm nay quí vị có lòng với đạo pháp nên nghe chư Tăng hành đạo về, quí vị đồng vân tập cung đón. Cầu mong tất cả các vị sống cuộc đời lúc nào cũng nhớ Phật, nhớ Pháp, nhớ Tăng. Người con Phật phải tin nhân quả mà lánh ác làm lành, như vậy từng thời khắc mới an lành không còn sợ sệt, không còn quả báo nữa, tiến lên giải thoát khổ đau ở kiếp này và nhiều kiếp về sau. Xin chư Phật, chư Tổ Thầy chứng minh cho quý vị sở cầu sở nguyện, được thành tựu viên mãn”.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Là điểm cuối của chuyến hành đạo ngày thứ sáu, dịp này, TT. Giác Khiêm cũng đã có thời pháp thoại với chủ đề rất ý vị “Đạo Là Bổn Phận”. Qua đó nhấn mạnh: “Người Phật tử tại gia muốn thực hiện được bổn phận của mình thì phải biết mình đang làm việc gì”.

Thượng tọa giảng: “Bổn phận của người Phật tử, nương tựa Phật thì phải có được niềm tôn kính Phật, bởi lẽ đức Phật là một bậc đại từ bi, đại giác ngộ. Ngoài việc chăm sóc làm tôn nghiêm tôn tượng Phật, điện Phật, người Phật tử còn phải có đời sống tỉnh giác, tương ứng lòng từ bi của Đức Phật, nuôi dưỡng tâm ý sáng suốt, không để tâm phải nhiễm ô. Như vậy mới là người Phật tử sống trọn vẹn bổn phận của mình với Đức Phật, xứng đáng là người Phật tử có quy y Phật.

Để giữ bổn phận đó phải chú ý thực tập chánh niệm, ví dụ như nghe Pháp phải chuyên tâm nhất ý không nên để tạp niệm. Đối với Pháp phải y cứ vào Pháp của Phật để thực hành. Đối với các mối quan hệ trong gia đình cha mẹ, anh chị em phải nhường nhịn, hoà thuận, mang ý nghĩa của sự chơn chánh mà sống với nhau, quan sát tâm ý của mình. Thực hành Pháp từ lời nói, hành động, suy nghĩ, tất cả phải đem lại lợi mình, lợi người, cho đời này và cho cả đời sau. Giữ gìn năm giới cho thanh tịnh, học hỏi lời Phật dạy, ứng dụng vào trong đời sống của mình. Được như vậy, mới xứng đáng sống trọn vẹn bổn Phận của người Phật tử tại gia có Quy y Pháp.

Khi Quy y Tăng, trước tiên phải có niềm tôn kính đến Tăng, không nên làm việc gì gây tổn hại đến Tăng. Bản chất của Tăng là hoà hợp thanh tịnh, đời sống của Tăng là thiện lành, dù việc lớn hay việc nhỏ, hễ là việc thiện lành đều phải cố gắng làm. Cố gắng hằng ngày, khi làm bất cứ việc gì đều phải hướng tới những điều thiện lành, sống có đạo đức chan hoà. Ngoài ra, có một bổn phận rất quan trọng, là làm sao cho tâm mình ngày càng thanh tịnh hơn. Đây cũng chính là bổn phận quan trọng nhất của một đời người, đặc biệt với những ai gọi là đệ tử Phật.

Người đời hơn thua nhau bởi tiền tài danh vọng rồi lấy đó là thước đo của cuộc sống. Nhưng đối với người đệ tử Phật, thước đo chính là xem coi tâm hồn của người đó giảm tham - sân - si được bao nhiêu? Làm việc lành được bao nhiêu? Các Phật tử phải thực hành theo tâm thanh tịnh trong sạch, tâm thiện lành đó để thành tựu trí tuệ và phước đức cho chính mình. Từ đó, chúng ta trưởng thành trong giáo pháp.

Thực tập kham nhẫn có tình thương với những việc xúc phạm, sân hận của người khác, tìm hiểu nguyên nhân của nó để rồi giúp đỡ xua tan hiềm hận, không nên gây thêm oán thù. Ứng xử bằng kham nhẫn có tình thương trong cuộc sống hằng ngày. Thực hiện tốt bổn phận hiếu thảo với cha mẹ, trên thuận dưới hoà với thăng bằng quyến thuộc và mọi người xung quanh”.

Bên cạnh đó, Thượng tọa pháp sư cũng đã tán thán công đức của Thượng tọa Trụ trì đã thực hiện tốt bổn phận với các Phật tử, bằng cách xây dựng đạo tràng trang nghiêm, hướng dẫn các Phật Tử biết quy kính ba ngôi Tam Bảo, thực hành theo lời Phật dạy.

Thượng tọa nhấn mạnh: “Phải biết mình là ai? Tiếp xúc với ai? Làm những việc gì? Rồi tuỳ theo đó mà thực hiện đúng bổn phận của mình để sống an hoà với mọi người xung quanh, sống có tình thương, hiểu biết, xứng đáng là một con người con có hiếu với ông bà cha mẹ Tổ tiên, xứng đáng là người có nhân có nghĩa, có thuận có hoà, với mọi người xung quanh. Xứng đáng là người đệ tử Phật ngay trong đời sống hằng ngày. Đối với Tam Bảo phải cung kính, giữ gìn, vun đắp để Tam bảo ngày càng hưng thịnh. Bên cạnh đó, phải thực tập ăn chay trưởng dưỡng tâm từ bi, niệm Phật, ngồi thiền để trưởng dưỡng tâm ý thanh tịnh, làm lành lánh dữ, tạo nhiều điều phước thiện. Nhờ đó các Phật tử thực hiện trọn vẹn bổn phận của mình đối với Tam Bảo, với gia đình - xã hội và là một người Phật tử tại gia đúng nghĩa. Để rồi đem lại sự an lạc hạnh phúc cho mình và cho người, cho Phật pháp trường tồn mãi trên thế gian này”.

 

 

Thời pháp thoại cũng đã chính thức khép lại ngày thứ sáu của chuyến hành đạo do chư Tôn đức lãnh đạo GĐ.III chủ trì

Ban TT-TT Giáo đoàn III

-----ooOoo-----

Nguồn: daophatkhatsi.vn

BÀI LIÊN QUAN

Giáo đoàn III: Chương trình Hành đạo Ngày thứ năm  ( Ban TT-TT Giáo đoàn III , 296 xem)

Phước lành chuyển hóa phiền não  ( Ban Truyền thông NGKS , 2908 xem)

Giáo đoàn III: Chương trình Hành đạo Ngày thứ tư  ( Ban TT - TT Giáo đoàn III , 324 xem)

Giáo đoàn III: Chương trình Hành đạo Ngày thứ ba  ( Ban TT - TT Giáo đoàn III , 408 xem)

TP. HCM: Tịnh xá Ngọc Cầu (Bình Tân) cúng Thập tự và phóng sanh  ( Ban Truyền thông NGKS , 2360 xem)

Giáo đoàn III: Chương trình Hành đạo Ngày thứ hai  ( Ban TT - TT Giáo đoàn III , 400 xem)

Giáo đoàn III: Chương trình Hành đạo Ngày thứ nhất  ( Ban TT - TT Giáo đoàn III , 480 xem)

Xuân An, mỗi ngày An  ( Ban Truyền thông NGKS , 2660 xem)

TÌM LẠI DẤU CHÂN XƯA  ( Ban Truyền thông NGKS , 3640 xem)

Tịnh xá Ngọc Hương, Tịnh xá Ngọc Hưng, Chùa Thuận Phước hành hương đầu năm Giáp Thìn  ( Ban Truyền thông NGKS , 3392 xem)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC


NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên

 

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương

 

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ
  • Thích Nữ Bạch Liên
  • Thích Nữ Thanh Liên
  • Thích Nữ Kim Liên
  • Thích Nữ Ngân Liên
  • Thích Nữ Chơn Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Tạng Liên
  • Thích Nữ Trí Liên
  • Thích Nữ Đức Liên
  • Thích Nữ Thiện Liên
THÔNG BÁO

Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)

Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến

Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày

VIDEO HÔM NAY

Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO

Pháp âm MP3

  • 0 - Lời Mở Đầu
  • 01 - Võ Trụ Quan
  • 02 - Ngũ Uẩn
  • 03 - Lục Căn
  • 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên

LỊCH VIỆT NAM

THỐNG KÊ