Trang chủ > Phật Học > Phật Pháp
Vì sao ta có mặt trong cõi đời này?
Xem: 3917 . Đăng: 17/12/2017In ấn
Vì sao ta có mặt trong cõi đời này?
Thích Đạt Ma Phổ Giác
Sự bám víu vào sắc thân và dính mắc vào các cảm thọ nên chúng ta bắt đầu có ý niệm về “cái tôi”, cho rằng có “cái tôi” thật có, rồi từ đó tham đắm, muốn chiếm hữu và bám víu vào đó vì thấy tất cả là của ta. Cho nên, một ông vua ngày xưa sau khi chết bắt buộc phải chôn sống vợ con, thê thiếp để về cõi vĩnh hằng cùng sống với nhau mà an hưởng hạnh phúc. Quan niệm đó quá tàn nhẫn vì sự tham chấp của chính mình, dần hồi con người thông minh hơn nên chỉ làm tượng để chôn theo. Văn minh con người tiến bộ nên thời nay chúng ta không chấp nhận những tập tục cố hữu lâu đời có tính cách làm đau khổ cho người khác chỉ vì mình là đấng bề trên. Tất cả chúng sinh đều đến với nhau vì niệm luyến ái ưa-ghét mà có mặt trong nhau rồi nương vào nhau để nối tiếp cuộc hành trình luân hồi-sống chết có nhau.
Con người vì cần có nhau, sống không thể thiếu nhau nên mới tìm kiếm để đến với nhau. Thời đại bây giờ hay có phong trào sống thử khi hai người trẻ vì muốn trải nghiệm đời sống gia đình, tìm hiểu lẫn nhau nhưng không thể sống xa gia đình hay sợ khó khăn, vất vả, không hạnh phúc. Khi chúng ta đã thực sự cần nhau và biết lo cho nhau thì họ sẽ sống thiệt với nhau, cho đến khi không còn cần nhau nữa thì họ sẽ chia tay vì không có sự cảm thông và tha thứ cho nhau.
Nhiều người yêu nhau rồi đi đến hôn nhân nhưng sau đó họ sống với nhau vì trách nhiệm nhiều hơn, chính trách nhiệm đã ràng buộc con người sống chung với nhau. Sự thiếu hiểu biết, làm cho ý niệm về bản ngã “cái tôi” gia tăng, vì cho rằng cái khổ hay cách chúng ta hành xử không có liên quan gì đến người khác nên mình có thể vung vãi hay gieo rắc khổ đau cho người khác mà không hay biết.
Chính vì thấy được bản chất thật của tình cảm con người rất phức tạp và phiền toái nên các bậc Thánh nhân thường hay khuyên nhủ mọi người hãy nên tu tập tâm từ bi để mở rộng tấm lòng rộng lớn bằng tình yêu thương chân thật, không vị kỷ. Tình cảm con người thật sự bao la, phải được xuất phát từ tình yêu thương chân thật bằng trái tim hiểu biết thì dễ cảm thông và tha thứ cho nhau. Trong tình yêu, ngoài việc quan hệ tình dục ra chúng ta còn có trách nhiệm, bổn phận đối với việc nuôi dạy con cái. Chính vì vậy, tình yêu cần có sự hy sinh, bao dung và độ lượng, nâng đỡ và sẻ chia, ngoài ra còn phải tha thứ và cảm thông cho nhau.
Trong cuộc sống thực tế, chúng ta chỉ thương yêu người đem lợi ích về cho mình và sẽ vắng bóng tình thương khi quyền lợi không còn nữa. Tình yêu nam nữ luôn mang tính chất ích kỷ của sự chấp ngã vì sự đam mê, say đắm thân này. Ai thương yêu và giúp đỡ ta thì ta quý mến, ai làm hại ta thì ta thù ghét. Đó là quy luật tất yếu của thế gian mà ít người vượt qua nổi. Một khi giữa hai người không đáp ứng được nhu cầu cho nhau thì từ đó vợ chồng sức mẻ, rạn nức, dẫn đến gây gỗ, cãi vã và việc bạo hành sẽ xảy ra, cuối cùng dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc vì trong họ không có tình yêu thương chân thật.
Từ ngàn xưa cho đến nay, tình ái vẫn là thứ dễ làm con người mù quáng và si mê nhất nên dễ dàng gây ra nhiều tội lỗi do đó rất nhiều câu chuyện thương tâm xảy ra làm đau lòng nhân thế. Cảnh nhồi da xáo thịt làm mất đi nhân cách một con người, con giết cha, mẹ giết con, vợ giết chồng, rồi kẻ tình địch giết hại lẫn nhau vì ghen tuông vô cớ. Con người ngày càng làm mất đi giá trị nhân cách, do không hiểu biết và nhận thức thiếu sáng suốt, nên dễ dàng gây tạo nhiều tội lỗi và làm khổ đau cho nhau.
Ai cũng có thể biết tình yêu đưa đến hôn nhân nhằm phát triển giống nòi nhân loại và bảo vệ truyền thống gia tộc, nhưng lại là đầu mối của nhiều hệ lụy khổ đau bởi sự yêu thương trong vị kỷ, nên nói “tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề”. Khi mới yêu ai cũng cố gắng che dấu khiếm khuyết của mình để được người tình yêu mến, khi đã lấy nhau rồi thói quen xấu mới lòi ra, nhà Phật gọi đó là tập khí. Tập khí tức những thói quen từ ý nghĩ dẫn đến hành động được huân tập, lặp đi lặp lại nhiều lần. Bởi huân tập lâu ngày nên nó có sức mạnh chi phối, sai sử chúng ta dù mình biết đó là tác hại; như người đam mê sắc dục, ham của lạ có thể làm tan vỡ hạnh phúc gia đình mình hoặc người khác, nhất là những người giàu sang và có địa vị trong xã hội.
Thật ra, tình dục không phải là chuyện xấu, nó luôn gắn liền với con người từ vô thủy kiếp đến nay. Đã là chúng sinh thì phải ăn, phải ngủ, phải làm việc và thụ hưởng cảm giác khoái lạc, đã đưa vào thì phải thải ra. Chúng ta có trách nhiệm duy trì giống nòi nhân loại nhằm gìn giữ và phát triển truyền thống làm người.
Phật dạy người cư sĩ tại gia có quyền lấy vợ, lấy chồng nhưng phải thủy chung một chồng một vợ, không được dan díu và quan hệ bất chính với vợ, chồng người khác. Ngoại tình là nguyên nhân dẫn đến ghen tuông vô cớ và phá hoại hạnh phúc gia đình người khác. Trong tình yêu, ghen tuông luôn gắn liền với ích kỷ và nó là trạng thái tâm lý không thể tách rời nhau, có yêu thương là có ghen ghét. Bao nhiêu vụ án xảy ra làm đau lòng nhân thế với những cái chết thật đáng tiếc và vô lý làm sao, chỉ vì ghen tuông trong mù quáng. Vì chúng ta yêu thương trong sự lợi dụng lẫn nhau mà không có tình yêu thương chân thật nên dẫn đến hẹp hòi, ích kỷ, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình.
Con người là một sinh vật cao cấp hơn hẳn các loài khác về mọi phương diện, nếu biết suy nghĩ, nói năng và hành động hướng thiện bằng trái tim yêu thương và hiểu biết thì sẽ giúp ích cho nhân loại sống an vui, hạnh phúc; ngược lại, vì tình cảm riêng tư muốn chiếm hữu trong sự ganh ghét, ích kỷ, tham lam sẽ gây khổ đau cho nhau. Chính vì thế mà loài người luôn đứng ở vị trí cao quý vì biết cách làm chủ bản thân, nếu vì lòng tham cho riêng mình thì cùng hung cực ác, nếu vì lợi ích chung cho nhân loại thì lợi ích cho con người không loài nào bằng.
Thế gian là một trường đời hỗn hợp, ai biết tu nhân tích đức thì sống an vui, hạnh phúc. Ai không biết thì cam chịu khổ đau vì si mê, sa đọa. Hạnh phúc hay khổ đau đều do mình tạo lấy, không ai có quyền ban phước giáng họa mà chính mình là chủ nhân ông của bao điều họa phúc được gây ra từ thân-miệng-ý của mỗi người. Mình làm phước sẽ hưởng được điều thiện lành, tốt đẹp; mình làm ác phải chịu khổ đau. Đó là sự thật.
Từ vô thủy kiếp chúng ta đã sống trong lầm lạc, vô minh nên huân tập rất nhiều thói quen xấu như tham lam, nóng giận và si mê. Nhiều người biết được sự tác hại của nó nhưng không đủ khả năng để vượt qua, đành cam chịu chết chìm trong tội lỗi. Thật ra, tình yêu thương giữa hai người phát sinh từ lòng tham ái mà ra vì sự khoái lạc của chính mình. Chúng ta chỉ yêu thương người nào đem lại hạnh phúc cho mình và sẽ oán giận, thù hằn những ai đem đau khổ đến cho ta.
Trong tình ái, do bảo vệ cái ta ích kỷ hoặc ghen tuông vô cớ nên dễ làm con người mù quáng, gây nhiều đau khổ cho nhau. Tình yêu bản chất vốn không xấu xa, tội lỗi, ai cũng muốn mình được an vui, hạnh phúc trong đời sống lứa đôi; nhưng vì chúng ta không có sự hy sinh và chia sẻ cho nhau, ta không biết bao dung và độ lượng, cảm thông và tha thứ vì sự tham lam, ích kỷ của mình. Một xã hội nếu không có nền tảng giáo dục về tâm linh dễ khiến con người cuồng si trong tham muốn nên con giết cha, vợ hại chồng, mẹ giết con, anh giết em và vô số sự giết hại khác từ chỗ không làm chủ được bản thân. Muốn biết được sự thật của tình yêu như thế nào, chúng ta hãy cùng nghe một đôi tình nhân có một không hai trong thiên hạ luận bàn như sau:
Một ông vua trong lúc cao hứng mới hỏi hoàng hậu của mình: “Chẳng hay ái khanh yêu ai nhất trên đời này?” “Tiện thiếp yêu bệ hạ nhất trên đời chứ còn ai.” Vua hỏi tiếp: “Tại sao ái khanh yêu trẫm?” “Vì bệ hạ đã ban cho thần thiếp hạnh phúc. Vậy bệ hạ có yêu thần thiếp hay không?” “Trẫm yêu ái khanh nhất trên đời.” “Bệ hạ nói thiệt không?” “Trẫm nói thiệt mà, ái khanh không tin sao?” “Bệ hạ nói cho vui lòng tiện thiếp đó thôi, làm sao bảo đảm được. Bây giờ bệ hạ cho tiện thiếp nói khác đi được không?” “Được, ái khanh cứ nói!” “Muôn tâu thánh thượng, thiếp chỉ thương yêu thần thiếp mà thôi.” Nhà vua bảo: “Ái khanh nói nghe sao lạ quá!”
Một sự thật không thể ngờ và quá phũ phàng mà ít ai nghĩ tới, chỉ vì bảo vệ tình yêu cho riêng mình mà thế gian xảy ra rất nhiều vụ án giết người vì tham lam, ích kỷ, vì ghen tuông vô cớ mà tình địch giết hại nhau. Ngày xưa, một ông vua có cả hàng khối cung phi mỹ nữ để hưởng thụ cảm giác khoái lạc cho riêng mình. Làm vua mà không có nhân từ đạo đức thì mau chết sớm và làm đau khổ rất nhiều người. Vì muốn bảo vệ các cung phi mỹ nữ cho riêng mình nên ông vua phải tàn nhẫn thiến hết các quan thái giám vì sợ họ phỏng tay trên.
Trên đời này không gì yêu thương và thù ghét bằng tình ái, chính cái tình này làm điên đảo cả thế giới loài người. Nếu ai dan díu với thê thiếp của vua thì bị mất mạng dễ dàng và bị chém đầu trong tích tắc vì chạm đến bản ngã và sĩ diện của vua. Vua là trên hết, vua có quyền ăn trên ngồi trước thiên hạ, vua là thiên tử tức con trời, thay trời trị vì thiên hạ nên vua muốn làm gì thì làm. Không ai có quyền ngăn cấm vì đó là của vua, ai đụng đến thì bị mất đầu như chơi, nếu không cũng bị lưu đày biệt xứ.
Thật ra, trong tình yêu nam nữ vì muốn cho thân mình được hạnh phúc nên chúng ta phải biết cho đi để được nhận lại bằng sự yêu thương, trìu mến. Đó là sự trao đổi có nghệ thuật giữa hai người. Vì ta thương mình nên ta phải cho người khác để người khác cho lại ta. Nếu một trong hai người vì không còn đáp ứng được nhu cầu cho nhau thì tình nghĩa đôi bên có thế thôi, đường em em đi, đường anh anh bước. Đó là một sự thật. Do đó, tình yêu lứa đôi trong hạnh phúc gia đình luôn mang tính chất ích kỷ, hẹp hòi vì muốn hưởng thụ khoái lạc cho riêng mình.
Chính sự đam mê hưởng thụ đó thôi thúc con người tìm đến nhau nhưng ít ai được hạnh phúc trọn vẹn. Thực tế thường cho chúng ta thấy, nhiều cặp vợ chồng gây gỗ, đánh đập nhau hoài vì ghen tuông, ngoại tình, cuối cùng ly dị để chịu cảnh tan nhà nát cửa, con cái bơ vơ. Trong tình yêu, nếu thiếu lòng bao dung và độ lượng, không có sự hy sinh và chia sẻ, không có sự cảm thông và tha thứ thì con người dễ dàng bỏ nhau.
Thói quen của người nam nặng về ham muốn nên thích chiếm đoạt, sở hữu nhiều người, và theo thói quen mình là gia trưởng hoặc quan niệm “chồng chúa vợ tôi”. Cho nên, xã hội thời xưa buộc người phụ nữ “gái chính chuyên phải một chồng” và chồng chết phải thờ con, không được quyền tái giá; đàn ông thì lại có quyền “năm thê bẩy thiếp”. Người phụ nữ trong thời đại này không được ra khỏi cửa, không được tham gia công việc bên ngoài, chỉ sinh con và lo việc trong nhà; nhưng phải sinh con trai để nối dõi tông đường, nếu sinh con gái cũng bằng thừa vì gái lớn lên phải theo chồng, nên trong cung vua từ hoàng hậu cho đến phi tử hễ ai có con trai thì được ưu ái. Do đó mà có tình trạng cạnh tranh, ganh ghét giữa các cung phi mỹ nữ rồi tìm cách hãm hại nhau để giành quyền lợi cho riêng mình.
Người phụ nữ thì thiên về tình cảm, có thiên chức làm mẹ và phải chờ đợi sự tìm kiếm của đàn ông nên đa số họ yêu bằng tai. Ai nhỏ nhẹ, tâng bốc, khen ngợi ngọt ngào thì dễ thu phục trái tim đàn bà. Vì thế, dân gian thường nói “đẹp trai không bằng chai mặt” là vậy. Người nam dù xấu trai đến cỡ nào nhưng cứ theo đuổi rù rì riết cũng dễ làm xiêu lòng người nữ. Chính vì vậy mà tục ngữ có câu “củi tre dễ nấu, chồng xấu dễ xài” cũng là vì vậy.
Trở lại câu chuyện vua và hoàng hậu luận bàn về tình yêu nam nữ. Hoàng hậu đã nói “thật ra, thiếp chỉ yêu thương thần thiếp, vì thương yêu mình nên muốn bệ hạ ban cho hạnh phúc đó thôi. Bệ hạ biết không, muốn cho thân này có được hạnh phúc nên thiếp phải yêu thương bệ hạ. Có vậy bệ hạ mới thương yêu lại thần thiếp và tạo ra tình yêu thương luyến ái nhau để thần thiếp được hạnh phúc.” Nhà vua nghe qua mới biết được sự thật của tình yêu là gì.
Tình yêu vốn không xấu xa, tội lỗi nếu chúng ta biết chia sẻ hài hòa, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhau. Nó sẽ là nền tảng đạo đức đóng góp lợi ích thiết thực trong công cuộc phát triển, duy trì giống nòi nhân loại. Ngược lại, vì muốn bảo vệ tình yêu trong sự ích kỷ cá nhân mà không có tình thương yêu chân thật thì con người sẽ không rộng lượng, bao dung, tha thứ và thông cảm cho nhau, dẫn đến nhiều gia đình bị tan nhà nát cửa vì sự ghen tuông vô cớ mà thành ra oán hận, thù hằn.
Thế gian thường hay nói “đàn ông yêu bằng mắt và phụ nữ yêu bằng tai”. Câu nói này chỉ hơi đúng thôi vì phụ nữ vẫn có thể yêu bằng mắt và đàn ông vẫn có thể yêu bằng tai. Tình yêu luôn gắn liền với tình dục và có sự thông cảm cho nhau vì trách nhiệm làm cha mẹ và con cái là nhịp cầu nối kết để cuộc sống phải chịu sự ràng buộc, lẫn trong cái tình còn có nghĩa ái ân.
Khi chúng ta yêu nhau mà quá bám víu vào thân xác, như tâm nhìn thấy sắc đẹp muốn chiếm giữ nên dễ sinh ngoại tình. Người nam thì ham muốn quá mạnh mẽ nên bám víu vào hình sắc phái đẹp, người nữ thì bám víu vào sự luyến ái nên sống bằng nghĩa nhiều hơn. Do chúng ta quá bám víu vào thân xác nên luôn tìm kiếm để có chỗ gá vào thân mà được tái sinh. Thân không bao giờ tồn tại mãi theo thời gian nên khi đã sinh ra thì phải chết đi, nhưng chúng ta vẫn bám víu vào đó để được tái sinh trong thân xác mới.
Tâm tư trong sáng, lành mạnh sẽ giúp cho thân xác dễ thương. Tâm hay dính mắc sẽ làm cho thân xác không được đoan chánh. Chúng ta giữ được giới chung thủy một vợ một chồng và thương yêu nhau bằng tất cả tấm lòng, sẵn sàng bao dung và tha thứ cho nhau thì ta sẽ gặp lại trong thân người hay thân người trời. Tâm chúng ta ngu si, mê muội thì sẽ đọa lạc vào chỗ súc sinh để thọ nhận quả báo si mê.
Trong tình yêu thương đôi lứa, ta không nên quá chú trọng nhiều vào thân xác mà chỉ giải quyết bằng tình dục thì rất dễ đổ vỡ như kiểu tình một đêm. Sự tìm kiếm để thỏa mãn tính dục qua thân xác được gọi là sự thoả mãn dục vọng theo nhu cầu sinh lý. Muốn vượt thoát khỏi sự luyến ái của thân xác thì ta phải biết chấm dứt sự dính mắc vào hình sắc. Chúng ta vì bị vô minh che lấp nên cho rằng thân này là “ta”, là “tôi”. Ta là cái thân này lâu dài và bền chắc. Sự thỏa mãn và thèm khát về thân này làm cho ta ngày càng thêm mê muội.
Tâm như dòng thác đổ nên buồn thương, giận ghét cứ thế phát sinh hoài mà không lúc nào dừng nghỉ; do đó, tâm vô thường biến đổi nên không thực thể là “ta”. Tình yêu cũng thay đổi nhanh như chong chóng, mới thương đó rồi ghét đó, mới buồn rồi lại vui, mới hứa hẹn yêu nhau suốt đời nhưng rồi lại chia tay nhau vì có quá nhiều nỗi khổ, niềm đau.
Có chàng trai nọ đến nhà thăm người yêu, thấy nàng thắp nhang bàn thờ Phật thì hết lời khen ngợi: “Em đốt nhang gì mà thơm thế?” Một năm sau, vợ chàng cũng thắp nhang như thường lệ nhưng lần này anh ta lại nói: “Em đốt gì mà đốt hoài vậy, làm ô uế cả gian nhà.” Tình yêu là vậy đó, khi chưa chiếm hữu được thì chúng ta tìm cách tâng bốc, khen ngợi để làm vừa lòng người yêu, khi đã thành vợ chồng thì không cần ga lăng nữa mà còn chê đủ điều. Tâm tư con người khi chưa được thì tìm đủ mọi cách để lấy lòng nhau, khi được rồi thì không cần quan tâm đến nữa vì nghĩ rằng người đó đã là của mình. Tình đời là thế đó!
Tình yêu có thể đẹp và tươi thắm nhưng nếu ta không biết hâm nóng lại tình yêu như thuở ban đầu bằng cách thường tặng quà cho nhau, nói những lời thương yêu nhất thì tình yêu cũng sẽ sớm lụi tàn. Nhiều người cho rằng sống mà không yêu thương, luyến ái nhau thì sống để làm gì. Sống mà không lập gia đình, không sinh con đẻ cái để nối dõi tông đường thì thật là vô cảm. Sự luyến ái trong thể xác đẹp đẽ khi còn trẻ sẽ làm ta gây đau khổ cho nhau khi thân này già nua, lão hóa. Thứ tình cảm luyến ái này không thể đem đến cho ta sự giải thoát, ngược lại nó còn làm ta kết chặt thêm sợi dây ràng buộc để rồi phải gặp nhau hoài mà trả nợ cho nhau.
Muốn chấm dứt luân hồi sống chết thì ta phải mạnh dạn cắt đứt dòng luyến ái nam nữ. Có thể trong nhiều kiếp sau chúng ta vẫn còn gặp nhau do tình xưa nghĩa cũ, tuy có thể sống bên nhau nhưng khi hết hợp đồng yêu thương ta sẽ không quá đau khổ. Con người ta sở dĩ khổ đau nhiều trong sự mất mát vì luyến ái quá mức và chính sự luyến ái đó khiến cho kẻ ở người đi trong ngậm ngùi thương tiếc.
Thế gian chỉ biết nghĩ rằng trai lớn lên thì phải lấy vợ và gái lớn lên thì phải lấy chồng, nhưng hiện tại số người cưới nhau rồi ly dị ngày càng tăng và chiếm đến 40% - 50% vì sống với nhau không có hạnh phúc thật sự. Tình yêu chỉ thật sự kết trái ra hoa nhờ biết chăm sóc, hỏi han, chia sẻ, chiều chuộng và biết nhường nhịn nhau thì mới bảo đảm được hạnh phúc lâu dài. Vì thế, trong tình yêu cần có sự làm mới bằng sự chung thủy một vợ một chồng, tin tưởng yêu thương lẫn nhau và sẵn sàng tha thứ cho nhau. Con người thường hay đổ thừa khi hạnh phúc không được xuôi chèo mát mái tại vì chúng ta không có sự cảm thông và tha thứ, không có sự nhường nhịn lẫn nhau.
Khi tâm khát khao luyến ái mà không được thỏa mãn vì bị ngăn cản bởi gia đình, người thân sẽ làm chúng ta đau khổ vì không được yêu thương. Lại nữa, có những cuộc tình chúng ta phải trải qua tận mấy năm thương yêu, hò hẹn rồi mới cưới nhau. Thế gian thường ca ngợi tình yêu lứa đôi lúc nào cũng đẹp như trong mơ. Duyên đã đến rồi thì dù ở xa cách mấy vẫn tìm thấy nhau và đến với nhau hết sức lạ kỳ, nhưng bằng con mắt Thiền quán thì tất cả đều do “nhân duyên” quá khứ đã từng là người thương yêu của nhau, hoặc ghét bỏ nhau nhưng vì nợ nhau mà tìm đến nhau, đây chính là duyên nợ năm xưa. Muốn chấm dứt và trả hết nợ cho nhau thì ta chỉ cần chuyển hóa sự khao khát luyến ái, bám víu vào nhau.
Vì nhân duyên ta lại gặp nhau
Giữa dòng đời tất bật, ngược xuôi
Sống dưới mái ấm một gia đình
Ta dành cho nhau chút tình yêu thương.
Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Đời mấy ai được nghĩa vẹn toàn
Ta yêu thương trong sự dày vò
Đến với nhau vì luyến ái tình xưa.
-----ooOoo-----
BÀI LIÊN QUAN
Chuyển hóa tham đắm lợi dưỡng ( Quảng Tánh , 5012 xem)
Bốn thứ che tâm ( Quảng Tánh , 3868 xem)
Pháp Tu Quan Âm ( Hòa thượng Thích Trí Quảng , 6587 xem)
Khai Thị ( Hòa thượng Tuyên Hóa , 4835 xem)
Những Hiểu Lầm Về Đạo Phật ( Minh Triều Tâm Ảnh , 5128 xem)
Tìm thấy chính mình qua đạo Phật ( Lama Yeshe - Minh Chánh chuyển ngữ , 4744 xem)
Đàn tràng Dược Sư đúng pháp ( Hòa thượng Thích Trí Quảng , 6680 xem)
Con mắt thứ hai cản trở việc tu hành ( Thích Đạt Ma Phổ Giác , 4060 xem)
Ngày Ấy Mùa Vu Lan Con Nhớ Mẹ ( Thích Đạt Ma Phổ Giác , 6964 xem)
Người Phật tử chân chính sẽ nghĩ như thế nào về câu: CON HƯ TẠI MẸ - CHÁU HƯ TẠI BÀ? ( Thích Đạt Ma Phổ Giác , 7380 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)
Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng