Trang chủ > Phật Học

Đọc kinh, sám hối, tham thiền

Tác giả: Hòa thượng Thích Trí Quảng.  
Xem: 10226 . Đăng: 28/06/2017In ấn

 

 

Đọc kinh, sám hối, tham thiền

(Bài giảng tại Học viện Phật giáo - TP.Hồ Chí Minh)

 

 

GN - Chúng ta tu, dành thì giờ đọc kinh, sám hối, niệm Phật, tham thiền. Thầy muốn nhắc Phật tử tham thiền rằng phần nội dung quan trọng hơn, không phải tham thiền chỉ là ngồi yên. Ngồi yên để trở thành vô tri vô giác như gỗ đá là sai. “Tham” là chúng ta tham cứu, tìm hiểu vấn đề gì để thực tập việc đó.

Thực tập pháp thiền, ta tham cứu, tìm hiểu pháp thiền và tìm hiểu rồi thực tập, coi kết quả đúng hay sai, như vậy là có tiến bộ, không phải thiền là ngồi để tính được nửa giờ, một giờ, hay một ngày, làm như vậy không phải tham thiền theo đạo Phật. 

 

samhoi.jpg
Đảnh lễ Tam bảo - nhất tâm sám hối

 

Pháp thiền là pháp tu có trước khi Phật ra đời, nhưng khi Phật hiện hữu trên cuộc đời và tu đạt quả vị Phật, Đức Phật đã điều chỉnh pháp thiền, vì những người tu trước và tu đồng thời với Phật cũng thiền, nhưng kết quả khác. Thực tế chúng ta thấy có thiền của ngoại đạo là những đạo khác cũng tu thiền khác với thiền của đạo Phật.

Tất cả tôn giáo đều dùng từ ngoại đạo để chỉ những đạo khác, thậm chí họ coi đạo của họ là chánh, các tôn giáo khác là ngoại đạo. Nhưng chúng ta thấy có ngoại đạo chánh và ngoại đạo tà, mà ta gọi là tà giáo ngoại đạo chỉ cho những sai lầm.

Một số người tu theo Phật, nhưng lại rơi vào ngoại đạo tà giáo. Chúng ta nên tránh thiền của ngoại đạo tà giáo, vì người tu thiền lạc vào tà giáo một thời gian, trở thành điên khùng, gọi là lạc thiền. Tại sao. Vì là con người sống với tâm thức của mình, nhưng tâm thức của loài người gần với tâm thức quỷ thần, giữa ma và người gần nhau. Vì vậy, quý vị bắt đầu thiền sẽ lạc vào thế giới ma, đây là thế giới tâm linh, nhưng thế giới tâm linh của chúng ta là vọng tưởng điên đảo, mà vọng tưởng điên đảo là ma. Từ đó, người vọng tưởng điên đảo ngồi thiền là vô thế giới ma liền. Thầy không dạy thiền vì lý do này.

Những người đi chùa mà dụm năm dụm ba kể chuyện làm ăn tốt xấu. Tất cả chuyện của cuộc đời chất chứa đầy tiềm thức, nên hai người gặp nhau là tất cả những thứ này ở trong lòng họ liền bung ra. Gặp nhau thường nói chuyện bực bội, tức tối là phiền não, vì nằm trong tham sân. Mình làm ăn thua lỗ, lường gạt là phiền não. Còn người kia nói chuyện khổ là trần lao. Cuối cùng hai người tặng cho nhau phiền não trần lao, nên mỗi ngày phiền não trần lao của họ tăng thêm, nghĩa là nghiệp chướng tăng, mỗi ngày nghiệp chướng sâu nặng, thì phước mỏng lần. Từ đó, có người nói sao tu mà khổ quá. Vì Phật tử tu mà tìm khổ, tìm phiền não đem vô lòng nuôi sinh mệnh mình, thì sinh mệnh chúng ta là phiền não, trần lao, nghiệp chướng.

Phật dạy chúng ta tu, cởi bỏ phiền não nghiệp chướng trần lao. Khởi đầu tu, Phật dạy chúng ta tham thiền là thực tập pháp Thiền Tứ niệm xứ trước, đó là Thiền buông bỏ. Quý thầy của Phật giáo Nguyên thủy thường thực tập pháp này suốt cả đời, tức buông bỏ hết mà cũng chưa xong, tất cả những việc bên ngoài không đưa vô lòng nữa, khác với người không tu đem phiền não trần lao nghiệp chướng vô lòng mình.

Người tu dẹp bỏ cái cũ và không đem cái mới vô, nhưng việc cũ quá khứ nổi dậy thì chúng ta đẩy ra và cái mới không cho vô tâm, đó là thực tập thiền. Vì vậy, mọi việc trên cuộc đời đối với người tu coi như ảo giác, cuối cùng tất cả đều hoàn không. Biết như vậy, ta không để tâm chỗ này, nên gọi cửa chùa là Không môn, hay buông bỏ tất cả. Gọi người tu là xuất gia, đầu tiên bỏ tất cả việc thế tục, vì chúng ta biết rằng chạy theo nó chỉ rước lấy khổ.

Thầy thấy người đời lăn lóc làm đủ thứ để cố tìm cho được nhiều tiền của, nhưng Phật dạy rằng nếu không có phước đức thì của không giữ được. Thực tế cho thấy có người ráng làm để của cho con cháu, nhưng có ai để được không. Con hư thì có để của bao nhiêu, nó cũng phá hết, vì nó không có phước, không thể giữ của được. Nhiều người cha giàu có, quyền thế, con lười biếng cứ phung phí tiền của cha, khi hưởng thụ phước này cạn kiệt thì phải trả quả báo thảm hại. Thầy gặp con của công tử Bạc Liêu giàu có nổi tiếng một thời, nhưng con cháu của ông này lại nghèo đói, lang thang. Vì vậy, để tiền của hại cho con hơn, vì nó càng hưởng thụ, càng mau hết phước, vì không làm ra tiền, nhưng tiêu xài hoang phí thì của nhiều đến mấy cũng không thể còn.

Người hiểu đạo tiết kiệm phước như tiết kiệm máu của mình vậy. Riêng thầy tu hành, không có tiền cũng không mượn tiền, hay có tiền, nhưng không hưởng, vì biết rõ có ít mà hưởng nhiều, mau hết và bị đọa.

Nói về tham thiền, chúng ta tìm hiểu xem ngoại đạo tà giáo làm gì. Vì tâm họ tà, nên khi ngồi yên, tà ma liền tới với họ và cho họ biết việc này việc nọ, để họ tiếp tục lường gạt, lừa dối, tạo thành vô số tội lỗi.

Thầy quan sát những người tà giáo, phần nhiều họ luyện tập bùa ngải để ác ma tới với họ, giúp họ trù ếm người khác. Những người tu như vậy là tà, không thể tồn tại lâu và hậu vận của họ đều không tốt. Phật dặn đừng gặp thầy tà, nghe bùa chú thì tránh, vì đó là tà. Theo tà giáo tuy có kết quả trước mắt, nhưng không thể được lâu dài, thậm chí còn bị phản tác dụng, vì bùa sẽ quay ngược lại, hại mình.

Con đường thầy đi theo Phật trải qua hơn 60 năm tu hành, từng bước đi lên, nghĩa là có tu, có thực tập giáo pháp thì có kết quả tốt đẹp, đó là sự thật mà Phật dạy. Thật vậy, Phật dạy phải trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp để đến Phật quả, không phải một ngày mà được. Thường thì Phật tử tham, nghe việc gì dễ và hưởng lợi nhanh thì theo, nghe bạn rủ chỗ nào có lợi liền là vội vàng đi. Vì vậy, bạn ác sẽ dẫn đến thầy tà bày đủ thứ trò, cuối cùng bị phá sản. Thực tế cho thấy có người dùng bùa chú, biết mình gặp khó khăn, họ bảo đưa tiền để họ cấp tốc làm giàu cho mình, nghe vậy, sáng mắt đưa hết tiền cho họ. Có người đem một cọc bùa đến thầy, than rằng đi tiếp không được, nhưng dừng lại thì chết, vì bị họ hù dọa nên rất sợ.

Thậm chí, có người tu Tịnh độ nghe thầy tà nói rằng tu Pháp hoa chi cho cực khổ, lâu lắc. Ông này bảo đảm tu Tịnh độ một tuần là vãng sanh! Nghe theo thầy tà này rất nguy hiểm. Tu hành, chúng ta nên cẩn thận, phải tránh xa thầy tà bạn ác.

Trong thời kỳ mạt pháp, Phật dạy rằng tà giáo rất nhiều, chánh giáo thì ít. Tà giáo thâm nhập vào Phật giáo, họ vay mượn hình thức Phật giáo để cho người tin theo, bằng cách thờ tượng Phật để họ làm chuyện khác.

Tu hành, chúng ta suy nghĩ kỹ là tham cứu. Phật đi tu, Ngài cũng tham cứu và nhận thấy các pháp của ngoại đạo sai lầm, nên Ngài bác bỏ. Phật chọn ông Kamala, dù ông này chưa là Phật, nhưng pháp tu của ông cũng có kết quả đúng phần nào và tới gần ông, cũng thấy tâm Ngài an lạc.

Thầy nhắc các Phật tử khi tầm sư học đạo là tới vị sư nào, nếu tướng giải thoát họ hiện, nghĩa là từ tâm hiện ra và tướng này đập vô mắt mình, làm mình cảm thấy an lạc hơn. Nếu thấy sư mà mình bất an, coi chừng có tà bên trong.

Ông Kamala tu thiền, đắc thiền và pháp thiền đầu tiên của ông chứng được gọi là Ly sanh hỷ lạc, thì không còn ham thích phú quý lợi danh, nói cách khác, tâm ông Kamala được an lạc, vì không kẹt vật chất.

Trên bước đường tu, quý vị cố gắng thực tập cho được, trước nhất là không để xã hội chi phối. Người này rủ theo cái này, người khác rủ cái khác, nhưng mình không nghe theo, vì mình không tin, không thiết tha gì nữa: “Trần duyên thuận nghịch, tâm không thiết. Liễu ngộ Pháp hoa, chứng đạo thiền”. Còn nghe tiền, nghe được lợi mà sáng mắt là lạc vào đường tà.

Dù mình không cần vật chất, nhưng Phật dạy rằng nếu không cần mà cũng không có, là vì chưa có phước, hay không cần mà có, vì có  phước. Mình không cần, nhưng không có gì thì có của hay không, cũng như nhau, là người nghèo và người giàu bình đẳng theo lý này.

Người có của, mình tìm cách xin là tà. Thầy tu, thực tập pháp này, không cần và đó là ý nghĩa đầu tiên của giải thoát mà Phật chứng từ ngoại đạo Kamala.

Thiết nghĩ ngoại đạo cũng có người tốt, không phải chê tất cả ngoại đạo. Có người cố chấp ghét ngoại đạo. Một số Phật tử cực đoan nghĩ đạo Phật mình nhất và mình cũng nhất là tăng thượng mạn. Đức Phật, đạo Phật mình nhất được, nhưng mình còn một bụng tham sân phiền não. Người nghĩ mình nhất và gặp ai cũng chê là nguy hiểm, rồi lại nói rằng tôi bảo vệ Phật giáo, ai đụng tới Phật giáo thì bước qua xác tôi. Như vậy là người hung dữ quá.

Đạo Phật mà chúng ta chọn là nhất đối với chúng ta thôi, người khác có cái của họ. Có tầm nhìn thoáng mới có được bạn khác tôn giáo và mình cũng học được họ điều hay. Thầy gặp Hồng y Mẫn, thầy chỉ ông pháp thiền và ông nói cho thầy nghe về pháp cầu nguyện; như vậy là hiểu nhau. Ông lên đến Hồng y là có phước lớn rồi, chúng ta phải nhìn nhận sự thật như vậy.

Phật học Kamala, tìm được an lạc tâm bằng cách buông bỏ, không để xã hội chi phối. Ai nói gì, làm gì, đừng để nó đi vào trong tâm chúng ta. Thầy thấy có hai cửa ngõ đi vào tâm mạnh nhất là mắt thấy và tai nghe.

Vì vậy, tu thiền, đầu tiên tập bế quan, dán mắt, bít tai lại, như người điếc, người đui, để không bị mọi việc của cuộc đời đi vào tâm. Thực tập pháp này một thời gian, không thấy, không nghe, mình không biết gì và lòng trống vắng, đó là tu thiền, bằng cách bế sáu giác quan, đầu tiên là ngăn chặn mắt thấy tai nghe.

Vì nghiệp nặng mà muốn thấy, nghe, biết nhiều chỉ khổ nhiều mà thôi. Tu tập, ý thức rằng nhiều kiếp, mình đã biết nhiều quá rồi, cho nên bây giờ, muốn bỏ khổ, đừng đem điều xấu bên ngoài vô lòng mình nữa. Tuy nhiên, khi bịt mắt, bịt tai để chúng ta trở thành gỗ đá, không biết gì là tu sai.

Khi bế quan, không nghe việc thế gian, nhưng nghe Phật pháp và hiểu biết cốt lõi của Phật pháp, làm như vậy là tu thiền của đạo Phật. Vì mình không nghe, không thấy để không bận tâm là bước thứ nhất, nhưng bước thứ hai, nên nghe Phật pháp và thấy được điều tốt đẹp.

Riêng thầy, thực tập thiền ở bước thứ hai bằng cách nhìn tượng Phật chăm chú và nghĩ về hành trạng của Phật, không nhìn, không nghe những thứ khác.

Trên bước đường tu, chúng ta đọc tụng kinh điển Phật. Thầy biết nhiều Phật pháp nhờ suốt đời đọc kinh, không phải đọc bằng miệng, nhưng đọc bằng tâm mới quan trọng. Lúc nào tâm thầy cũng đọc kinh là thiền.

Đọc kinh bằng miệng là tu bên ngoài. Đọc kinh bằng tâm và thấy Phật bằng tâm là tu thiền, bấy giờ chúng ta nhắm mắt và bịt tai lại, nhưng tâm chúng ta vẫn đọc kinh được.

Một số Phật tử trong đạo tràng Pháp Hoa tu lâu và xin y nâu. Thầy hỏi thuộc kinh chưa. Chưa thuộc kinh là chỉ tụng bằng miệng, không tụng bằng tâm. Tụng kinh bằng tâm thì thuộc kinh lâu rồi. Thầy coi kinh một đoạn rồi xếp kinh lại và tâm thầy nhớ lại đoạn kinh đã đọc, chỗ nào quên, thì thầy coi lại, đó là đọc kinh bằng tâm. Và nhớ kinh rồi, thầy lấy kinh này để kiểm tâm mình. Thầy nhớ kinh nhiều và nhớ lâu, vì luôn giữ kinh trong tâm.

Bắt đầu tu thiền giai đoạn hai, chúng ta nhìn Phật, đọc kinh Phật, để đem hình ảnh trang nghiêm của Phật và kinh vào lòng. Và hình ảnh Phật, Bồ-tát luôn luôn đẹp, công đức các Ngài thì dễ thương, dễ kính, nên phiền não mình không sanh. Còn thấy người mà mình bực tức là nghiệp sanh. Thấy Phật, nghiệp mình không sanh, giữ Phật trong tâm lâu ngày, nghiệp tự mất. Vì vậy, thực tập thiền, lúc nào lòng cũng có Phật.

Chúng ta tụng Hồng danh sám hối thuộc lòng 80 danh hiệu Phật, từ Phật Phổ Quang đến Pháp giới Tạng thân A Di Đà Phật. Đầu tiên, chúng ta nhớ tên Phật và nhớ tên Phật được rồi, lòng chúng ta sẽ có hình ảnh Phật hiện ra, vì hình ảnh Phật luôn gắn liền với tên Phật. Và từ danh hiệu Phật, chúng ta vào thiền, quán thấy vị Phật này từ phát tâm Bồ-đề trải qua bao nhiêu kiếp hành Bồ-tát đạo, rồi thành Phật mang danh hiệu này. Thí dụ, đọc tên Phật Thích Ca gợi chúng ta nhớ đến Ngài đản sanh ở Ca Tỳ La Vệ, rồi Ngài xuất gia và thành đạo ở cội bồ-đề, thuyết pháp khắp vùng Ngũ hà ở Ấn Độ và Ngài Niết-bàn ở Câu Thi Na. Trong thiền định mới thấy được như vậy, giống như Trí Giả nói rằng Ngài thấy hội Linh Sơn chưa tan, thấy Phật Thích Ca vẫn thuyết pháp; đó là thấy Phật bằng tâm và tâm này thu nhiếp quá khứ cho đến hiện tại và cả vị lai. Chúng ta tu thiền để đạt được kết quả này, tức đem quá khứ và vị lai đặt vô hiện tại là chứng thiền.

Chúng ta cần dành thì giờ đọc kinh, sám hối, tu thiền để cắt phiền não bên ngoài, để tâm yên tĩnh, mới tiếp nhận được những pháp cao quý của Đức Phật truyền trao.

 

HT.Thích Trí Quảng

 

---oo0oo---

Nguồn: Giác Ngộ

BÀI LIÊN QUAN

Mười pháp tăng thượng  ( Thích Nguyên Hùng , 8196 xem)

Tư tưởng Tịnh độ & tha lực  ( Phan Minh Đức , 9240 xem)

Vài suy nghĩ về Pháp môn Niệm Phật & tông Tịnh Độ  ( Minh Hạnh Đức , 8480 xem)

Tư tưởng triết học thực hành thánh thiện  ( Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên , 7980 xem)

Xúc giác - Cội nguồn trí tuệ  ( Thường Huyễn , 9132 xem)

Phật giáo và khủng hoảng thế giới  ( Chân Nguyên chuyển ngữ , 9392 xem)

25 lời Phật dạy làm thay đổi cuộc đời  ( Nguyễn Hoàng Nam , 10291 xem)

Pháp trợ niệm của Đức Phật  ( Diệu Thể , 8944 xem)

Bờ Bên Kia  ( Lê Huy Trứ , 10714 xem)

Phải làm sao để chồng cho phép tôi đi chùa?  ( Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ , 11236 xem)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC


NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên

 

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương

 

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ
  • Thích Nữ Bạch Liên
  • Thích Nữ Thanh Liên
  • Thích Nữ Kim Liên
  • Thích Nữ Ngân Liên
  • Thích Nữ Chơn Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Tạng Liên
  • Thích Nữ Trí Liên
  • Thích Nữ Đức Liên
  • Thích Nữ Thiện Liên
THÔNG BÁO

Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)

Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến

Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày

VIDEO HÔM NAY

Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO

Pháp âm MP3

  • 0 - Lời Mở Đầu
  • 01 - Võ Trụ Quan
  • 02 - Ngũ Uẩn
  • 03 - Lục Căn
  • 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên

LỊCH VIỆT NAM

THỐNG KÊ