Trang chủ > Phật Học

Chánh Niệm - Sức mạnh của sự tỉnh thức

Tác giả: Thượng toạ Minh Thành.  
Xem: 13151 . Đăng: 10/09/2014In ấn

Chánh Niệm - Sức mạnh của sự tỉnh thức

TT. MinhThành

Trong phần lớn thời gian, hầu hết chúng ta hiện diện trong thất niệm, tức là chúng ta chỉ có mặt về phương diện vật chất hay cơ thể mà thôi chứ không hiện hữu song hành phương diện tâm ý – sự tỉnh thức đối với cái thực tại đang diễn bày. Chúng ta thường xuyên hiện hữu, thường xuyên nối kết với, hay sống với cái-đã-là hay cái-sẽ-là một cách nửa vời hay còn gọi là bán-tỉnh-thức. Như đã nói ở bài một, đó là một cơ chế mặc định tự bao giờ, cơ chế tự hành hay tự động theo thói quen, không cần sự quan tâm hay chủ động của chúng ta. Cơ chế mặc định này đã và đang tạo nên và tích tụ lại hàng tấn những nỗi khổ niềm đau lên trên cuộc sống của chúng ta mà chúng ta không hề biết.

Có tin vui nhưng không phải tin vui theo kiểu tín ngưỡng được một người nào đó xa lạ hay hơi quen thông báo cho bạn biết, theo kiểu bạn sẽ được một cái gì đó "miễn phí hoàn toàn" thậm chí bạn được cái đó ngay tức thì mà bạn "không cần làm gì cả mà chỉ cần...". Tin vui ở đây là, cơ chế mặc định tự động vận hành theo thói quen của tâm thức không phải là một cơ chế bất di bất dịch, chúng ta có thể thay đổi, có thể hạn chế đáng kể cơ chế âm thầm khuất lấp tự động vận hành – có thể gia tăng đáng kể sự tỉnh thức, một dạng của chánh niệm. Sự tỉnh thức khiến chúng ta nhạy bén hơn trong việc nhận thức bản thân và chuyển hóa phương cách mà tâm thức của chúng ta vận hành. Khi được thực tập kiên trì thì sự tỉnh thức hay chánh niệm khiến chúng ta hiện hữu nhiều hơn đối với những gì mà chúng ta tiếp xúc trong từng phút giây của cuộc sống; khiến chúng ta nới lỏng hơn, tự do hơn đối với sợi dây dàm từng lôi kéo tâm thức chúng ta hết nơi này đến nơi khác. Siêu hình một chút, "nó" lôi kéo chúng ta hết kiếp này đến kiếp khác.

I. THẾ NÀO LÀ CHÁNH NIỆM?

Tỉnh thức còn có thể được diễn đạt bằng những tên gọi khác như chánh niệm, tỉnh giác, giác sát, hiện hữu, hiện tồn, chú ý... đối với cái giây phút đang có. Như vậy, không-tỉnh-thức có nghĩa là thất niệm, lơ mơ, lo ra, xao lãng, vẩn vơ, không hiện hữu... đối với cái giây phút đang có. Hai từ chủ chốt mà người viết chọn để dùng là tỉnh thức và không-tỉnh-thức, một dạng tương đương với chánh niệm và thất niệm. Tỉnh thức hay chánh niệm căn bản có nghĩa là chú ý một cách có chủ ý tới cái đang diễn ra nơi bản thân. Nghĩa thứ hai của tỉnh thức là hiện hữu với từng phút giây của dòng thời gian. Nghĩa thứ ba, tiến trình giác sát đối với những gì mà ta đang tiếp thọ khi những cái đó đang trong dòng diễn trình. Nghĩa thứ tư, đó là sự đặt tâm ý nơi cái đang diễn trình mà không phán xét hay lượng giá. Vì trạng thái tỉnh thức hay chánh niệm hiện hữu với, đi cùng với những diễn trình, cùng với mỗi một giây phút trong dòng thời gian nên nó cũng có tính liên tục. Dòng tỉnh thức là một tiến trình hiện hữu nhưng không đi song song với tiến trình so sánh lượng giá. Trong một tâm thức bình thường của người chưa tu tập, dòng tỉnh thức và dòng so sánh lượng giá hầu như luôn luôn se kết với nhauvà song hành một cách âm thầm, đến đỗi chính bản thân người ấy không nhận ra. Bộ máy tâm thức của chúng đã vận hành theo cơ chế: Tỉnh Thức Lượng Giá Phán Định. Một cơ chế được mặc định tự bao giờ. Ba việc khác nhau đã se kết đến độ gần như trở nên MỘT trong thế giới ý thức. Và vì vậy mà ba chuyện diễn ra mà chúng ta cứ ngỡ là một chuyện đang diễn ra, rất bình thường. Và, không có gì phải ầm ĩ.

Khi chúng ta tỉnh thức hay chánh niệm, theo nghĩa trong bài này, tâm thức của chúng ta chỉ có chuyện một, chứ không có chuyện hai và chuyện ba. Chúng ta chỉ hiện hữu với cái phút giây đang có. Lượng giá và phán định có công cụ là khái niệm và nhận xét. Như vậy, chúng ta hiện hữu thuần túy với phút giây đang có mà không khởi động việc sử dụng khái niệm cũ hay tạo dựng khái niệm mới, không khởi động việc nhận xét.

Khi đạt đến một mức độ tập trung trong thiền định, chúng ta trực tiếp hiện hữu với thực tại đang là. Chúng ta không hiện hữu qua trung gian của khái niệm cũ hay mới. Theo nhà thiền thì tất cả khái niệm đều thuộc về quá khứ, cái gì thuộc về quá khứ thì cái đó đều cũ. Chỉ có màu lá đang quang hợp trước mắt mới là mới. Chỉ có tiếng chim vừa nhảy nhót vừa ríu rít mới là mới. Chỉ có nhịp đập của trái tim đang chuyển máu trong cơ thể là mới. Chỉ có...

Khi tỉnh thức hay chánh niệm, theo nghĩa trong bài này, chúng ta không phán xét lượng giá dòng cảm nhận mà chúng ta đang có là đúng hay sai, tốt hay xấu, nên mức độ thông thoáng (openness) của tâm thức tăng lên rất cao; mức độ tiếp nhận và nhậm tính của tâm thức (receptivity and inquisitiveness) cũng theo đó mà tăng cao. Với trạng thái thông thoáng và tập trung sức chú ý (từ đồng nghĩa với tỉnh thức) chúng ta có thể nhận thức bản thân rõ ràng hơn, chúng ta thấy được những xung lực và những chi tiết của chúng. Thông thường những xung lực tâm lý này hoạt động lẫn khuất, âm thầm, tự động, ngay trong tâm thức của chúng ta mà chúng ta không hề hay biết. Sức mạnh của cuộc sống tỉnh thức hay chánh niệm chính là ở đây.

Định nghĩa và miêu tả sự tỉnh thức hay chánh niệm là một chuyện, còn thực sự biết được tỉnh thức hay chánh niệm bằng chính trải nghiệm của bản thân là chuyện khác. Để có một chút hương vị của tỉnh thức hay chánh niệm, chúng ta hãy làm một bài thực tập ngắn. Không cần phải chuẩn bị gì cả. Hãy nhắm mắt lại và làm theo lời hướng dẫn. Hãy cố gắng đóng vai một người bàng quan nhìn vào những gì mà bản thân tiếp thọ, những gì mà bản thân đang trải nghiệm ngay trong giây phút này, hãy ghi nhận cái gì đang xảy ra từng tíc tắc, từng tíc tắc, khi chúng lướt ngang qua vùng ghi nhận của tâm thức. Đừng làm thêm gì khác ngoài chuyện quan sát. Động từ nghe trong khi thực tập có túc từ chủ yếu là âm thanh, chứ không phải là lời nói. Như vậy khi lắng nghe bạn để tâm ý của mình tiếp xúc với âm thanh, mặc dù âm thanh cụ thể ở đây là giọng nói. Giờ đây, hãy hướng sự chú ý tới giọng nói của tôi, của người hướng dẫn. Bạn hãy tỉnh thức đối với những trạng thái mà bạn trải nghiệm hay cảm nhận đối với những gì bạn nghe được. Bạn hãy ghi nhận những tính chất khác nhau của dòng cảm nhận. Bạn hãy nhận thức sự uốn éo của âm điệu mà bạn nghe được. Bạn hãy quan sát âm vực của giọng nói, lúc cao lúc thấp, lúc chuyển lên lúc chuyển xuống. Bạn hãy quan sát âm lượng của giọng nói lúc to lúc nhỏ, lúc ồn ào lúc lặng lẽ. Bạn hãy chú ý lúc mà giọng nói trở nên yên lặng hoàn toàn... (hoàn toàn yên lặng)... và lúc nó bắt đầu xuất hiện trở lại. Xong rồi, bây giờ bạn hãy mở mắt ra và xem xét lại những phản ứng mà bạn vừa trải nghiệm.  

Bạn có hoàn toàn chú ý tới những cảm nhận về âm thanh mà bạn nghe được không? Nếu có thì bạn là người tỉnh thức còn gọi là chánh niệm. Nếu bạn nghĩ ngợi về việc này hay nghĩ vẩn vơ về một cái gì khác thì bạn đã rơi vào sự vận hành của tư tưởng; bạn đã không tỉnh thức hay thất niệm.

Nếu bạn đánh giá chất giọng của tôi hay ngẫm nghĩ về bài thực tập mà bạn đang làm thì bạn đã bị rơi vào trạng thái không tỉnh thức hay thất niệm.

Nếu bạn nghĩ, ông sư bảo mọi người đang làm một bài tập vô bổ, mất thời giờ thì bạn cũng đang bị rơi vào trạng thái không-tỉnh-thức hay thất niệm.

Tuy nhiên, nếu bạn nhận ra rằng bạn đang nghĩ ngợi về vô bổ hay bổ ích và có thể thấy rằng đó chỉ là một ý tưởng trôi qua vùng tâm thức của bạn thì bạn đang sống trong trạng thái có tỉnh thức.

Nhưng, nếu bạn lại nối tiếp theo ý nghĩ đó mà nghĩ rằng: "Mình đã nghĩ không tốt về cách thức của ông sư, mình không nên như vậy, như vậy là không tốt." thì bạn lại rơi vào trạng thái không tỉnh thức hay thất niệm.

Và, nếu bạn đơn giản nhận ra rằng, "Mình đang tự phê phán mình vì đã phê phán cách của ông sư" thì bạn đang trở lại trạng thái tỉnh thức hay có chánh niệm.

Bài tập này được tạo ra nhằm giúp cho bạn nhận ra được trạng thái tỉnh thức hay chánh niệm. Nó như thế nào? Trạng thái tỉnh thức hay chánh niệm là sự để ý đến những trải nghiệm hay những cảm nhận trực tiếp mà không phê phán; những trải nghiệm hay những cảm nhận đó dù thuộc về thân thể hay tâm thức phải là cái đang diễn ra ngay giây phút hiện tại. Xin đừng hiểu lầm, trạng thái tỉnh thức hay chánh niệm ở đây không có nghĩa là tẩy sạch tất cả những ý tưởng ra khỏi tâm thức, dù đó là những ý tưởng thuộc loại phê phán. Trạng thái tỉnh thức hay chánh niệm không hề có nghĩa là tẩy, tống, rửa, gội, làm sạch... mà chỉ có nghĩa là chiếu sáng. Trạng thái tỉnh thức hay chánh niệm thực sự có nghĩa là nhận ra "giây phút này mà ý nghĩ đang xuất hiện" hay nhận ra "bản thân mình đang suy nghĩ", và thấy được rằng những ý nghĩ giống như những cụm mây nhất thời đang bập bềnh trôi ngang qua bầu trời tâm thức, hay "phạm vi tác nghiệp" của tâm thức.

Lại thêm một tin vui nữa là: Trạng thái tỉnh thức hay chánh niệm, là cái gần như có sẵn nơi mỗi người và ai trong chúng ta đều đã từng có những trạng thái tương tự. Nói đúng hơn, tất cả những yếu tố để có trạng thái tỉnh thức hay chánh niệm đều sẵn có trong cơ cấu ý thức mang tính nền tảng của một người (universal human faculty of awareness). Để hiểu rõ hơn, bạn có thể cố gắng nhớ lại những giây phút mà tâm ý của bạn tập trung hoàn toàn, giống như đang chìm vào một trạng thái nhập thần thì những tiếng thì thầm lao xao thường lệ trong tâm thức của bạn biến mất. Lúc ấy tâm ý của bạn không tán loạn ở đâu đâu nữa và "an trú" ngay nơi dòng trải nghiệm của bạn trong giây phút đang diễn bày. Chữ "an trú" ở đây không diễn tả được chính xác nên được đặt vào ngoặc kép. Có thể chỉnh lại câu trên để diễn tả được chính xác hơn như sau: Lúc ấy dòng ý thức của bạn không tán loạn ở đâu đâu nữa mà "nhập vào và chảy song song" với dòng trải nghiệm của bạn trong giây phút đang diễn bày.

Một người mới được làm cha lần đầu tiên và ý-thức-người-cha được hình thành đầy ấp tròn trịa, đã thuật lại như sau: Con gái tôi sinh ra. Tôi nhớ như in giây phút mà đứa bé lần đầu tiên nằm trong tay của tôi khi vừa mới lọt lòng ngay trong phòng sinh. Một phút sau đó lần đầu tiên nó mở mắt nhìn tôi. Tôi hoàn-toàn-hiện-tạivới những gì đang diễn ra trong giây phút đó (khác với cái tôi phóng tâm vào cái thời gian nào đó quá khứ hay phóng tâm vào tương lai). Trong giây phút đó, sự chú tâm của tôi thật hoàn toàn, thật tinh tuyền, tôi nhìn vào đôi mắt hài nhi và tiếp nhận tất cả mọi đặc điểm với tất cả nhậm tính, tất cả sự rỗng suốt và lạ lẫm cao độ của tâm thức (openness and curiosity). Những lời thì thầm lao xao thường trực và triền miên trong đầu óc của tôi bỗng trở nên lặng lẽ, tan biến đi đâu mất. Tôi hoàn-toàn-hiện-tại, hoàn toàn tỉnh thức với sự hiện diện của cái sinh linh hoàn toàn tinh khôi này.

Dĩ nhiên, tôi xin thừa nhận rằng, qua khỏi những giây phút tinh tuyền và toàn bích đó thì thực tế đời thường trở lại, những lời thì thầm lao xao thường trực và triền miên trong đầu óc của tôiđã trở lại như trước. Trạng thái thanh khiết, thanh lương, có tính hoàn-toàn-hiện-tại trong tôi cũng phải nhường cho trạng thái lo âu trước những trách nhiệm tương lai và công việc cụ thể của người cha ngay sau đó. Tuy vậy, cần phải nói rằng trong giây phút ngắn ngủi cái tổng-thể-tôi (my entire being) với cái trải nghiệm kỳ thú, khác với cái tôi thất niệm, cái tôi phóng tâm, cái tôi lao xao, cái tôi lo ra...đã có mặt.

Những trải nghiệm tương tự không phải là không thông thường trong đời sống của chúng ta. Cụ thể, có người kể lại những phút giây mà họ hoàn toàn tỉnh táo, tỉnh táo đến cao độ khi họ rơi vào tình huống nguy hiểm. Nếu bạn từng có mặt trong một tai nạn giao thông thì chắc hẳn bạn đã biết về một hiện tượng đặc biệt là "hiệu ứng phim quay chậm". Trong những sự kiện này cảm thức về sự vận hành chậm chạm của thời gian liên quan đến mức độ sắc bén trong hoạt động của tâm thức, khi tâm thức đang tập trung tất cả nguồn lực của nó để tự vệ trước sự tồn vong của chính nó. Nếu bạn chưa từng trải nghiệm tình trạng tính mạng bị đe dọa, bạn có thể tưởng tượng: bạn đang cố gắng đi ngang qua một mặt hồ đã đóng băng, thình lình bạn nhận thấy hai chân của mình đã vô tình đi vào trong một khoảnh băng thật mỏng. Hãy nghĩ về việc tâm thức của bạn sẽ tập trung chú ý đến mức độ như thế nào với tất cả sự nhạy bén tinh tế nhất, khéo léo nhất, tương nhượng nhất, uyển chuyển nhất, nhu nhuyến nhất để chi li nhất mà dàn xếp với lớp băng duy nhất dưới từng bàn chân, mặt và trái, với ý hướng duy nhất là ổn thỏa lui trở ra nơi an toàn. Một trường hợp khác, hãy hồi ức lại giây phút mà bạn vừa nhận được hung tin, lúc đó trải nghiệm của bạn rõ rệt và sống động như thế nào. Người ta thường kể lại một cách kịch tính và chi tiết về nơi mà họ đang có mặt, những gì mà họ đang làm khi nghe biến cố Tổng thống Kennedy bị ám sát hay biến cố 11/9. Sở dĩ họ có ký ức thật rõ ràng mạch lạc về những biến cố là do lúc đó họ đang tỉnh giác cao độ. Tỉnh thức cao độ là một phẩm chất quan trọng của chánh niệm. Xin mở ngoặc, như vậy, chánh niệm chính là sự tỉnh thức cao độ và lành mạnh do chính hành giả chủ đạo và chủ động.

Tất cả những trường hợp cụ thể về chánh niệm hay tỉnh thức ở trên đều có bản chất giống nhau, nếu khác thì chỉ khác về tố chất của sự tỉnh thức hay sự tập trung tâm ý. Thông thường mức độ tỉnh thức tăng cao do vì ngoại cảnh bên ngoài kích thích, nhưng trong tu tập,mức độ tỉnh thức hay chánh niệmcủa bạn tăng cao vì bạn chủ động làm như vậy. Chúng ta cần chủ động sử dụng cái công năng có sẵn mà tâm thức tự động vận hành như một bản năng khi rơi vào những tình huống đặc biệt, vào trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

II. LỊCH SỬ CỦA NẾP SỐNG CHÁNH NIỆM

Tỉnh thức hay chánh niệm là cái có sẵn trong con người, sức mạnh của nó tiềm tàngtrong chúng ta từ hàng chục ngàn năm, nhưng khái niệm về chúng thì xuất hiện trễ hơn. Những cứ liệu lịch sử cho thấy rằng Đức Phật Thích-ca mâu-ni đã khởi dạy phương pháp này lần đầu tiên cách nay 2.500 năm.

Trong những lời dạy, Đức Phật nói rất nhiều về "sati", một dạng tỉnh thức có mức độ cao và mang tính chủ động. Dạng tỉnh thức cao độ hay chánh niệm này có tác dụng đẩy mạnh tiến trình diệt khổ, nuôi dưỡng sự hạnh phúc và khang lạc cho tất cả sinh linh. Sati là từ vựng mà Đức Phật dùng, ngày nay chúng ta thường dịch là chánh niệm. Theo lời Phật dạy, tỉnh giác là lực lượng chủ yếu trong việc loại trừ vô minh và thấy được thế giới và bản thân chúng ta một cách như thật.

Phật giáo đã dành rất nhiều công sức cho việc nghiên cứu và thực hành chánh niệm hay nếp sống tỉnh thức. Ở phương diện này, Phật giáo đóng góp nhiều hơn bất kỳ một tôn giáo nào khác. Tuy vậy, mỗi tôn giáo lớn đều có thiết kế một cái gì đó tương tự. Dù thế nào thì sự thực hành tỉnh thức hay chánh niệm trong những tôn giáo khác không phải luôn luôn nổi trội như người ta thấy nó trong Phật giáo. Nhìn cặn kẽ hơn một chút, chúng ta có thể thầy rằng sự thực hành tỉnh thức hay chánh niệm thường có mặt trong những truyền thống linh mật và tịch mặc của bất kỳ một tôn giáo nào. Nhìn bao quát hơn, chúng ta thấy sự thực hành tỉnh thức hay chánh niệm không bị giới hạn trong phạm vi của thế giới tôn giáo mà thôi, nó còn có mặt trong nhiều truyền thống triết học thế tục khác nhau, Đông cũng như Tây. Trong những năm gần đây,tỉnh thức hay chánh niệm cũng đã trở thành một khái niệm đặc biệt nổi trội trong thế giới tâm lý học và y học đương đại. Trong đó, kỹ năng tỉnh thức hay chánh niệm thường được vận dụng trong mối liên quan đến việc giảm thiểu áp lực và tăng cường sự khang lạc (Tôi từng nói vui với các bạn bè trong giới tâm lý học rằng thiệt là thỏa thích khi thấy rằng cuối cùng thì nền khoa học hiện đại của chúng ta cũng đã bắt kịp Đức Phật).

Vì tính chất nổi trội của việc thực hành chánh niệm hay tỉnh thức trong truyền thống Phật giáo nên nguồn tư liệu sử dụng cho môn học này phần lớn có xuất xứ từ Phật giáo. Việc chúng ta dựa chủ yếu vào nguồn tư liệu Phật giáo không nên làm lu mờ sự thật rằng thực hành sự tỉnh thức có mặt trong rất nhiều truyền thống tôn giáo, triết học, và tâm lý học. Bất cứ khi nào thích đáng, chúng ta sẽ hướng sự chú ý tới những truyền thống khác, những thế giới quan khác, và sử dụng tư liệu có nguồn gốc khác. Đến đây tôi xin được nhấn mạnh rằng việc tham gia những khóa học này không mặc ước (presumed) hay yêu cầu bạn phải có tín ngưỡng là Phật giáo, hay có tín ngưỡng nơi một tôn giáo bất kỳ nào khác. Tỉnh thức hay chánh niệm là một pháp môn không có tính khu biệt và cũng không liên quan nhiều đến vấn đề tín ngưỡng. Dù vậy, sự thực hành này lại liên quan rất nhiều với cách liên hệ của chúng ta đối với với những niềm tin mà chúng ta đang giữ.

III. NHỮNG LỢI LẠC CỦA NẾP SỐNG CHÁNH NIỆM HAY TỈNH THỨC

Nếp sống chánh niệm hay tỉnh thức đòi hỏi người ta phải ra công. Vì vậy, chúng ta có thể đặt những câu hỏi:

1. Nếp sống chánh niệm hay tỉnh thức có đáng tốn công như vậy không?

2. Đạt được một trình độ tỉnh thức cao thì có giá trị gì ghê gớm lắm không?

3. Tại sao mình nên làm người quan sát một cách bàng quan đối với những trải nghiệm của mình và nên tránh việc phán xét, đánh giá?

4. Nếp sống chánh niệm hay tỉnh thức sẽ đưa mình đi về đâu?

Bốn câu hỏi trên quả là thiết yếu trong thế giới mà chúng ta đang sống, đặc biệt khi thế giới đó cũng bắt buộc chúng ta không ngừng đổ công sức ra để kiếm sống.

Những câu trả lời truyền thống cho những câu hỏi này từ xưa tới nay thường dựa trên thế giới quan cũng như quan điểm triết học của hành giả. Nếu hành giả là người theo Phật giáo thì chánh niệm hay tỉnh thức là một trong 8 chi phần cấu thành Bát Thánh Đạo. Đây là con đường dẫn đến tuệ giác, giải thoát khỏi vòng luân hồi, sinh rồi tử, tử rồi sinh. Do vậy, chánh niệm hay tỉnh thức là yếu tố góp phần phục vụ cho con đường tìm về Niết-bàn của một người. Trong những truyền thống thuộc Thiên Chúa giáo, tín đồ cho rằng thực tập sự tĩnh tâm sẽ đưa người tu tiến gần hơn tới Chúa trời, tiến gần hơn tới một đời sống thánh linh. Nhưng những truyền thống này không cho rằng tỉnh thức hay chánh niệm có vai trò thiết yếu đối với sự cứu rỗi vì Thiên chúa giáo đặt sự cứu rỗi trên nền tảng của đức tin và giáo điều, chứ không phải là trên nền tảng của sự tu tập. Trong Bà la môn giáo, tín đồ cho rằng tỉnh thức hay chánh niệm sẽ lột bỏ dần dần từng lớp mê muội từ lâu đã ngăn cản không cho chúng ta thấy được thực tính tối hậu. Trong Nho giáo, tỉnh thức là một phần của việc tu thân, là một liệu pháp, một dưỡng chất giúp cho mỗi cá nhân đạt đến sự hoàn thiện của con người. Nói một cách chung nhất, tất cả truyền thống đều cho rằng tỉnh thức hay chánh niệm là một phương tiện nhằm chuyển hóa đời sống của một cá nhân theo chiều hướng lành mạnh và có ý nghĩa nhất.

Người ta không cần phải xem tỉnh thức hay chánh niệm qua lăng kính của những phạm trù siêu hình mới có thể nhận ra tính chất vô cùng lợi lạc của nó. Dù xem nhẹ những cách lý giải tỉnh thức hay chánh niệm qua lăng kính tín ngưỡng và thần học, người ta vẫn có thể nhận ra một cách không thể tranh cãi giá trị vô cùng thực tiễn của chánh niệm hay tỉnh thức trong việc sống một đời sống đúng nghĩa và hạnh phúc hơn. Danh mục liệt kê những lợi lạc thì dài lắm và cũng không có cách gì kể hết. Ở đây, chỉ cần một bảng sơ lược tóm tắt cũng đã đủ để thuyết phục hầu như tất cả mọi người về giá trị vô song của nếp sống chánh niệm hay nếp sống tỉnh thức.

IV.TRẠNG THÁI TỈNH THỨC NÂNG CAO VÀ PHƯƠNG PHÁP CHÂN CHÁNH

Chính những định nghĩa của chánh niệm hay tỉnh thức gợi lên cho chúng ta thấy rằng mục tiêu mà cũng là lợi ích chủ yếu của chánh niệm là đạt đến sự tỉnh thức (awareness) cao độ. Thật ra chánh niệm và tỉnh thức có mối liên hệ mật thiết với nhau, có khi đồng nghĩa với nhau. Tuy vậy, chúng ta cũng có thể phân biệt một chút như sau: Tỉnh thức là một trong những cơ năng hay chức năng của tâm thức, nằm sẵn trong cơ cấu của tâm thức. Trong khi đó chánh niệm là một dạng tỉnh thức đặc thù, một dạng tỉnh thức nâng cao mang tính chất lành mạnh và tích cực, do tu tập mà có. Vì vậy nói về mục tiêu và lợi ích như ở trên chỉ mang tính chất ước lệ thông tục mà thôi. Câu trên có nói lại như sau: Mục tiêu và lợi ích chủ yếu của chánh niệm hay tỉnh thức chính là chánh niệm hay tỉnh thức. Để hiểu được câu này chúng ta phải nương theo nguyên lý của nhà Phật: Con đường chính là mục đích, chứ không có mục đích nào khác. Nói chính xác hơn: đi trên con đường chính là mục đích, hay đi chính là mục đích chứ không phải có một đích đến nào cả. Cũng vậy, sống theo đúng nghĩa là mục đích chứ không phải sống nhằm một mục đích nào khác.

Hiểu được như thế rồi thì những lợi ích khác của chánh niệm, mặc dầu rất đáng kể và rất có giá trị vẫn không phải là giá trị số một mà thuộc về hàng số hai. Nghĩa là tất cả những gì khác mà bạn gặt hái được qua việc tu tập chánh niệm đều dựa trên việc tăng cường chức năng tỉnh thức (awareness).

Mặc dù được sử dụng với mục đích để buông thư, để giảm áp lực, thậm chí để cải thiện bản thân, nhưng nếp sống chánh niệm hay tỉnh thức chủ yếu không phải là để buông thư, để giảm áp lực, hay để cải thiện bản thân. Chánh niệm hay tỉnh thức hướng đến việc nhận thức tốt hơn và rõ hơn về bản thân và thế giới. Nhận thức mà chúng ta nói ở đây không phải thuộc dạng khái niệm trừu tượng mà chúng ta có thể tìm thấy trong sách vở hay qua những cuộc đàm luận. Nhận thức mà chúng ta nói đến ở đây thuộc dạng tự thân trải nghiệm và chỉ tự thân trải nghiệm mà thôi. Tự thân trải nghiệm là tự bản thân mình nhận ra các sự các vật. Với chánh niệm hay tỉnh thức, bạn có thể nhận ra tâm thức của bạn hoạt động như thế nào, tâm thức của bạn ứng đối trong thế giới của nó như thế nào. Tu tập chánh niệm hay tỉnh thức là phương thức để hoàn thành phương châm mà triết học Hy Lạp cổ đại nêu lên: "Tự tri"

Có mặt trong hiện tại để có sự sống đúng nghĩa

Vì chánh niệm hay tỉnh thức đòi hỏi chúng ta phải tập trung sức chú ý trên những gì đang diễn ra nơi tự thân và nơi hoàn cảnh chung quanh một cách như thật, cho nên bạn có thể chủ động có mặt với hiện tại để có sự sống đúng nghĩa. Trong bài học đầu tiên chúng ta đã thấy rằng chúng ta đã trải qua hầu hết thời gian sống của chúng ta trong trạng thái bán-tỉnh-thức, giam tâm thức vào những cái linh tinh, vào những kế hoạch được chế tác rồi điều chỉnh tới, điều chỉnh lui, cho tương lai, hay xào qua xào lại, hay hâm nóng lại những gì trong quá khứ. Chúng ta rất thường sống theo quán tính hay trình tự lập đi lập lại mà không chủ động chọn lựa cho cuộc sống. Đối với tôi thì quả thật là bi kịch khi sống như vậy và tiếp tục sống như vậy cho đến ngày cuối của cuộc đời. Lúc cuối đó mới nhận ra rằng hầu như hết ngày này đến ngày khác, hầu như mỗi ngày và mọi ngày đã trôi ngang qua cuộc đời mà bản thân tôi đơn giản là không có mặt trong đó. Nếu sự tình như vậy làm bạn rúng động như đã từng làm cho tôi rúng động, bạn có thể khám phá ra rằng phương pháp tu tập chánh niệm hay tỉnh thức sẽ cung ứng cho bạn một phương thức để bạn có mặt, có hiện hữu, để cho bạn có cuộc sống đúng nghĩa.

Những gì nằm trong phạm vi kiểm soát và ngoài phạm vi kiểm soát của chúng ta

Từ kỹ thuật chánh niệm hay tỉnh thức, chúng ta học được rằng trong thế giới này có rất nhiều thứ chúng ta không hề kiểm soát được. Chánh niệm truyền đạt cho chúng ta điều này không phải theo kiểu một ý kiến trừu tượng để chúng ta tiếp nhận và đồng thuận, mà theo kiểu một thực tế được hiển lộ một cách rõ ràng và cụ thể. Đồng thời, chánh niệm cũng truyền đạt cho chúng ta rằng một trong những thứ mà chúng ta có thể thay đổi là sự hoạt động của tâm thức của chúng ta.

Những gì nằm ngoài phạm vi kiểm soát của chúng ta?

Chúng ta không thể làm cho tiến trình lão hóa dừng lại, chúng ta không thể thoát khỏi cái chết. Rất rõ ràng, tôi không thể kiểm soát những gì mà bạn nghĩ về tôi. Tôi cũng không thể thay đổi cái quá khứ đã định dạng cái tính cách mà tôi đang có.

Những gì nằm trong tầm kiểm soát?

Tôi có thể chọn cách thức mà tôi sẽ đối ứng với việc lão hóa, đối ứng với những ý kiến của bạn về tôi; tôi có thể quyết định cách thức mà quá khứ của tôi tác động lên tôi trong hiện tại và sẽ tác động lên tôi trong tương lai. Thông thường những đối ứng của ta đối với những thứ mà ta không thể kiểm soát được trong cuộc sống là những đối ứng do bối cảnh trưởng thành chi phối, mang tính phản ứng và phản xạ của đầu gối. Chúng ta có khuynh hướng hành động theo tập quán, không suy nghĩ, không ý thức được rằng chúng ta có thể chủ định hơn đối với cách thức mà những thứ nằm ngoài phạm vi kiểm soát của chúng ta tác động lên chúng ta. Tu tập chánh niệm hay tỉnh thức khiến chúng ta có được một vùng trời tâm thức thông thoáng hơn. Vùng trời tâm thức như vậy cung ứng cho chúng ta sự tự do ở mức độ cao hơn để định hình cho mẫu tính cách mà chúng ta sẽ trở thành.

Cho phép tôi trưng lên một trường hợp mang tính cá nhân về cái mà tôi gọi là "vùng trời tâm thức thông thoáng". Trước đây một thời gian, một trong những sinh viên của tôi yêu cầu tôi dẫn chương trình cho đám cưới của cô ta, và tôi đã vui vẻ nhận lời. Đó là một buổi chiều mùa hạ đẹp tuyệt trên một ngọn đồi... Đám cưới đã diễn ra ngoài sân vườn, nhìn ra xa là một vùng trời mênh mông hoành tráng. Vầng thái dương đã dần dần chìm xuống chạm mí chân trời. Tân lang và tân nương thật là khả ái và tỏ ra hạnh phúc khiến tôi cảm thấy hạnh phúc lây. Tôi cũng cảm thấy bản thân mình trông cũng rất dễ thương. Có những giây phút thế gian thật hoàn hảo. Ngay trước khi tôi bắt đầu tuyên đọc nguyện thề cho tân lang và tân nương đọc theo, trong khoảnh khắc trong vắt tinh tuyền ấy thì một con ong vù vù bay vào, lượn khắp, đảo quanh rồi đáp lên gò má của tôi. Nó bò lần lần lên khoảng hở giữa con ngươi và tròng kính. Khi ấy năm tháng thực tập chánh niệm đã có chút đền đáp. Nhận thức được phản xạ thông thường là nhặng xị lên, là hỏng giây phút tinh tế trang trọng nhất của lễ cưới, tôi đã chủ ý thực hiện vị trí của một người quan sát đối với những trải nghiệm đang diễn ra nơi tôi. Tôi không bấn loạn. Tôi không hốt hoảng.

Khi tôi đĩnh đạc tiến hành vai trò điển lễ, tôi tiếp tục duy trì trạng thái ý thức về con côn trùng, nó đang tỉ mẫn sục sạo khu vực chung quanh con ngươi của tôi. Tôi hiện hữu hoàn toàn với phút giây đó để nhận ra rằng nếu tôi có bất cứ một cử động bất thường nào để tống khứ nó đi thì chắc chắn tôi sẽ lãnh một hay nhiều phát găm kim đích đáng của con ong và sẽ làm cho buổi lễ vỡ vụn với những cú nhảy lưng tưng mà tôi sẽ trình diễn. Tôi cũng biết rằng cơ hội lớn nhất cũng như công việc vĩ đại nhất tôi có thể làm để giữ vững sự điển nhã uy nghi của bản thân trong thời khắc trang nghiêm của buổi lễ là không làm gì cả. Và, lạy đấng đạo sư, tôi đã không làm gì cả. Con ong nhỏ đã loay hoay cho đến khi tân nương và tân lang đã thực hiện xong việc tuyên xưng những lời thề nguyền đối với nhau. Tôi đã âm thầm thở phào nhẹ nhõm khi con ong nhỏ vù bay đi để tiếp tục thưởng thức phần thời gian còn lại của nó. Tôi đã hành động như là một ông Phật, ít nhất cho đến lúc con ong bay đi. Nếu tôi là một vị Toàn giác đúng nghĩa thì tôi đã không phản ứng bằng một cái thở phào nhẹ nhõm mang tính bất chợt như vừa rồi. Một vị Phật đúng nghĩa sẽ đối ứng với mọi sự việc với tâm thái bình đẳng dù đó là một cú chích nhức nhối hay một cuộc bỏ đi không dấu vết. Nhưng ít ra trong vài phút tỏa sáng tâm thức của tôi tương tự như tâm thức của một vị Phật.

"Vùng trời tâm thức thông thoáng" có giá trị rất lớn trong việc điều hành cái chuyện hội thoại rù rì khen chê lượng giá gần như bất tuyệt của tâm thức. Chuyện thì thầm này là cái tạo nên trạng thái thất niệm hay không tỉnh thức của tâm thức. "Vùng trời tâm thức thông thoáng" khiến cho ta có thể nhận ra những cách động não nào đã làm tổn hại cho sự khang lạc của bản thân ta và của người khác, và cho phép ta giải trừ chúng khiến cho chúng không còn nguy hiểm nữa.

Cũng vậy, nếp sống chánh niệm hay tỉnh thức còn giúp cho ta đối phó với những trạng thái tâm lý tình cảm nặng nề như tức giận, tham luyến, và sợ hãi, cung ứng cho ta những nguồn lực để xử lý những trạng thái tâm lý tình cảm này theo phương thức đem lại lợi lạc, chứ không phải đem lại sự tổn hại. Nhờ ra công thực hành bạn có thể biết được cách dàn xếp cơn tức giận một cách hiệu quả, biết cách thiểu dục, và biết cách can đảm. Bạn có thể trở nên từ ái hơn đối với người khác và cũng biết làm một người bạn bè đúng nghĩa.

V. NẾP SỐNG CHÁNH NIỆM VÀ SỨC KHỎE THỂ CHẤT

Chánh niệm hay tỉnh thức không phải chỉ là cái nằm trong thế giới của tâm thức mà thôi. Nó còn là một công cụ vô giá trong việc giúp ta xử sự với thân thể. Trong một phần tư thế kỷ mới đây nghành khoa học về y dược đã sưu tầm một khối dữ liệu khổng lồ đầy ấn tượng chuyên biểu thị cho người ta thấy rằng công phu tu tập chánh niệm hay tỉnh thức có giá trị hữu ích đối với sức khỏe thể chất. Ở đây chúng ta không có điều kiện thời gian để có thể liệt kê tất cả những công trình nghiên cứu nên tôi chỉ đề cập một ít mà thôi.

Một công trình nghiên cứu mới đây đã trình bày cho Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ cho thấy rằng những bệnh nhân thường xuyên tu tập chánh niệm hay tỉnh thức giảm phân nửa nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, và tử vong cho mọi trường hợp khi so với những bệnh nhân tim tương tự những người chỉ được học hỏi về thực dưỡng và phương pháp sống lành mạnh. Công trình nghiên cứu này cũng kết luận rằng những người thực tập chánh niệm hay tỉnh thức đã giảm thiểu đáng kể cường độ của huyết áp và có thể miễn nhiễm đối với bệnh này lâu hơn những người không thực tập. Một nghiên cứu khác cho thấy rằng việc tu tập chánh niệm song song với việc tập thể dục và chế độ ăn kiêng tốt hơn thực sự có thể đảo ngược tình thế trong một số trường hợp tim tồi tệ. Cũng có chỉ dấu cho thấy rằng thực tập chánh niệm làm giảm mệt mỏi, đau nhức, và trầm cảm nơi những người bị bệnh lở da, bệnh u xơ màng tế bào, bệnh ung thư ngực và những loại ung thư khác. Những bệnh nhân hen xuyễn mãn tính biết thở tốt hơn và thở dễ dàng hơn khi vận dụng những kỹ thuật chánh niệm hay tỉnh thức.

Một công trình nghiên cứu khác cho thấy rằng đối với những người làm cha mẹ đã từng trải qua hai ba phen trầm cảm, họ nhờ thói quen hành trì chánh niệm đều đều mà giảm phân nữa bệnh trạng. Những nhà nghiên cứu ở trường đại học New Mexico tìm thấy rằng tham gia vào những khóa tu chánh niệm tương tự giúp cho hành giả giảm thiểu mức độ lo âu và những cuộc chè chén nhậu nhẹt. Một nhà tù cung ứng những khóa huấn luyện kỹ thuật thực hành chánh niệm hay tỉnh thức cho phạm nhân thấy rằng những phạm nhân nào hoàn tất khóa huấn luyện đã giảm thiểu sử dụng thuốc gây nghiện, có tinh thần lạc quan hơn, và có mức tự chủ cao hơn. Có những chứng cứ cho thấy rằng nếp sống chánh niệm hay tỉnh thức cải thiện bộ nhớ, tăng cường sức học tập, và giảm đi những sự cố trong gia đình. Hiện nay, một số công ty bảo hiểm đã bắt đầu cung ứng CD chỉ dẫn sống chánh niệm cho những cá nhân khách hàng sắp sửa bị phẫu thuật vì những công ty này khám phá ra rằng sau phẫu thuật thời gian hồi sức sẽ nhanh hơn, chi phí sẽ giảm đi nhờ vào việc thực tập chánh niệm hay tỉnh thức để hỗ trợ cho việc lành bệnh. Một cuộc khảo sát mới đây về cấp độ khoa học của những công trình nghiên cứu về thiền chánh niệm hay tỉnh thức đã kết luận rằng lời tuyên bố rằng nếp sống chánh niệm hay tỉnh thức có ích lợi cho sức khỏe là xác đáng và khả chứng trong thực nghiệm.

VI. CHẤP NHẬN MẤT MÁT

Mặc dù có những bằng chứng rõ ràng về những cống hiến giá trị và đáng ngạc nhiên của nếp sống chánh niệm hay tỉnh thức đối với sự khang lạc của thân tâm chúng ta nhưng nếp sống chánh niệm hay tỉnh thức vẫn không làm sao cản được sự hoại diệt của thân thể. Dù chúng ta có khỏe mạnh như thế nào đi chăng nữa thì mỗi người đều sẽ chết. Việc tu tập chánh niệm hay tỉnh thức không thể thay đổi sự thật này, nhưng công phu tu tập chánh niệm hay tỉnh thức có thể giúp chúng ta chấp nhận thực tế và làm cho chúng ta sẵn sàng cho giây phút chúng ta trả lại hơi thở cuối cùng mà ta đã vay và đã trả nhiều lần. Một trong những bài học chủ chốt mà việc tu tập này dạy cho chúng ta là: Đời sống là mong manh. Chối bỏ thực tế này chỉ tổ làm cho chúng ta đau khổ và không có hạnh phúc. Chấp nhận một cách đúng nghĩa tính chất vô thường của kiếp sống ngược lại sẽ giải thoát chúng ta và khiến cho chúng ta có hạnh phúc.

Nói gọn, công phu tu tập chánh niệm hay tỉnh thức dạy chúng ta biết chấp nhận buông bỏ xác thân này khi lâm chung. Tương tự, công phu tu tập chánh niệm hay tỉnh thức sẽ tiếp tục giúp chúng ta chấp nhận buông bỏ mọi thứ khác. Cuộc sống là như vậy, ai trong chúng ta cũng phải chịu vô vàn những nỗi khổ niềm đau, những muộn phiền thấm đẫm nước mắt. Rồi cuối cùng chúng ta sẽ lìa xa mọi thứ chúng ta trân quý mến thương. Từ khi biết nhận thức đến giờ này, ai trong chúng ta cũng đã bao lần từng nói lời vĩnh biệt khi tiễn người thân xuống mộ, ai trong chúng ta cũng đã từng chia xa với những gì mà chúng ta từng sở hữu, từng buông bỏ những ước mơ, những hy vọng. Thực tập chánh niệm hay tỉnh thức dạy cho chúng ta chuẩn bị sẵn sàng đối diện với điều không thể tránh khỏi và chấp nhận nó. Chúng ta không đối diện và chấp nhận một cách bất cần đời hay cam chịu, chúng ta đối diện và chấp nhận với niềm vui và tâm trạng thong dong tự tại.

Điều này nghe có vẻ như khôi hài, nhưng sự thật mà nói, chấp nhận sự mất mát lại làm cho chúng ta buông thư, thong thả, thênh thang, và giảm hẳn phiền não. Tôi nói nó khôi hài vì hầu hết những hành vi của chúng ta đều gợi lên chủ kiến cho rằng thủ đắc và níu giữ những người như thế hay những thứ như thế sẽ làm cho chúng ta có hạnh phúc, sẽ làm cho đời sống chúng ta thỏa thích. Khôi hài thật, điều ngược lại mới là sự thật. Buông bỏ tâm thái dính mắc của chúng ta đối với những thứ mà chúng ta cho là hạnh phúc mới thật sự là hạnh phúc, mới thật sự khiến chúng ta có hạnh phúc đúng nghĩa. Tu tập chánh niệm hay tỉnh thức sẽ giúp cho chúng ta tự thấy ra sự thật này và cho chúng ta thêm nội lực để sống theo sự thật.

Hầu hết những điều mà chúng ta được học trong bài này có vẻ tuyệt vời quá đáng, tuyệt vời đến độ khó là sự thật. Và, tôi sẽ không cảm thấy ngạc nhiên nếu bạn có một mức độ nghi ngờ một cách lành mạnh về những lợi ích của chánh niệm hay tỉnh thức mà tôi vừa trình bày.

Sự thật mà nói, tôi mong rằng các bạn hãy như vậy. Tôi không tán thành thái độ cả tin vì đó là ngọn nguồn của những thứ khủng khiếp khác. Khủng bố và bạo lực phần đáng kể có dính dáng đến tôn giáo. Chính xác mà nói, Đức Phật đã từng khích lệ những người có chí nguyện theo Ngài hãy có mức độ hoài nghi thích đáng. Đức Phật yêu cầu nhiều lần rằng họ đừng chấp nhận lời Ngài nói chỉ vì oai thần hay uy tín của Ngài mà hãy tự thân kiểm nghiệm những lời Ngài đã dạy. "Ehi passiko" là câu Đức Phật thường dạy, hầu như dạy mỗi ngày. "Đến để bản thân tự thấy" chính là phương châm soi sáng mà chúng ta sẽ luôn luôn nêu cao trong tâm thức suốt những bài học còn lại trong khóa trình mà chúng ta sẽ học.

http://daophatkhatsi.net/thien-hoc/khat-si/1736-chanh-niem-suc-manh-cua-su-tinh-thuc.html

BÀI LIÊN QUAN

Đại thừa và Tiểu thừa: Phái nào cao siêu hơn?  ( Tỳ kheo Giác Hoàng , 10315 xem)

Hướng dẫn tuổi trẻ đến với Phật pháp  ( Thượng tọa Giác Nhân , 7937 xem)

Hướng về tương lai  ( Hòa thượng Thích Trí Quảng , 7237 xem)

Bảy bước chân vào đời  ( Tỳ kheo Minh Điệp , 8059 xem)

Để thích nghi với xã hội đang sống  ( Hòa thượng Thích Trí Quảng , 7591 xem)

Sự xin ăn cao thượng  ( Liên Anh , 7491 xem)

Bốn bộ phái Tây Tạng  ( Thượng toạ Minh Thành , 7559 xem)

Làm theo Lời dạy của đức Đệ Nhất Pháp chủ GHPGVN  ( Hòa thượng Thích Đức Nghiệp , 7142 xem)

Giải thoát quan Phật giáo  ( Ni sư Tín Liên , 7142 xem)

Ý Nghĩa Tụng Kinh  ( Ni trưởng Huỳnh Liên , 7272 xem)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC


NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên

 

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương

 

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ
  • Thích Nữ Bạch Liên
  • Thích Nữ Thanh Liên
  • Thích Nữ Kim Liên
  • Thích Nữ Ngân Liên
  • Thích Nữ Chơn Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Tạng Liên
  • Thích Nữ Trí Liên
  • Thích Nữ Đức Liên
  • Thích Nữ Thiện Liên
THÔNG BÁO

Thông báo Khóa tu Truyền thống lần thứ 37 tưởng niệm 100 năm ngày sinh Đức Tổ sư Minh Đăng Quang

Ni giới Hệ phái Khất sĩ sẽ tổ chức khóa tu Truyền thống lần thứ 37 tưởng niệm Tổ sư vào tháng 8 âm lịch năm 2023 như sau: ĐỊA ĐIỂM: CHÙA THUẬN PHƯỚC ĐỊA CHỈ: SỐ 171, ẤP 4, PHƯỚC VÂN, CẦN ĐƯỚC, LONG AN Trụ trì: SƯ CÔ NGHIÊM LIÊN Thời gian tu: Từ ngày mùng 10/8 - 16/8 (âl) năm Quý Mão (24.9.2023 - 30.9.2023)

Thư mời viết bài Hội thảo Hệ phái Khất sĩ: Tư tưởng Phật học, Lịch sử truyền thừa và những đóng góp

Thư mời viết bài Hội thảo Hệ phái Khất sĩ: Tư tưởng Phật học, Lịch sử truyền thừa và những đóng góp

Thông báo Khóa tu Truyền thống lần thứ 36-37-38 của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm Quý Mão 2023

Khóa tu Truyền thống của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm 2023 sẽ tổ chức tại các Tịnh xá, như sau: KHÓA 36: Tịnh xá Ngọc Long - Xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. KHÓA 37: Chùa Thuận Phước - số 171, ấp 4, Phước Vân, Cần Đước, Long An. KHÓA 38: Tịnh xá Ngọc Lâm - số 839 Trần Phú, phường B’Lao, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến

Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày

VIDEO HÔM NAY

Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO

Pháp âm MP3

  • 0 - Lời Mở Đầu
  • 01 - Võ Trụ Quan
  • 02 - Ngũ Uẩn
  • 03 - Lục Căn
  • 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên

LỊCH VIỆT NAM

THỐNG KÊ