Trang chủ > Hoạt Động Hệ phái > Giáo dục

Nghề giáo và việc ứng dụng lời Phật dạy trong Giáo dục

Tác giả: Như Liên.  
Xem: 7678 . Đăng: 12/01/2020In ấn

 

Nghề giáo và việc ứng dụng lời Phật dạy trong Giáo dục

 

Như Liên

 

Tại Pháp viện Minh Đăng Quang (TP Hồ Chí Minh) vào ngày 5/1/2020 (nhằm ngày 11/12/Kỷ Hợi) vừa qua có chương trình tọa đàm dược diễn ra.

Chương trình được thực hiện dưới sự chủ trì của TT. Giác Hoàng, ĐĐ. Giác Minh Tường và NS. Liên Hòa.

Tham dự chương trình có hơn 30 giáo viên đến từ TP. Hồ Chí Minh, từ Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Dương và Tiền Giang. Đa số là những giáo viên trẻ, tâm huyết với nghề, có hoài bão cống hiến. Trong số đó, cũng có một vài giáo viên vừa nghỉ hưu, nhưng tình yêu nghề, sự gắn kết với nghề vẫn còn sâu đậm.

 

 

Bối cảnh xã hội, đặc biệt là thực trạng giáo dục hiện nay, đã đặt ra cho người giáo viên rất nhiều bài toán khó. Tình trạng xuống cấp của giáo dục học đường là một sự thật đau lòng, do nhiều nguyên nhân. Đứng ở vị trí người Thầy, phải làm sao để góp phần vực dậy nhân cách học trò? Làm sao để mỗi ngày đến trường, các em cảm nhận một cách hạnh phúc rằng: Trường là nhà, Thầy Cô là Cha Mẹ, bạn bè là anh em!

Làm sao để bạo lực học đường không còn là vấn nạn. Ngược lại, các em có thể hưởng được năng lượng lành từ sự giáo dục của Cha Mẹ, Thầy Cô, từ tình bạn ?

Và làm sao để giáo viên đủ kiên nhẫn, đủ bao dung, vị tha trước những lỗi lầm của học trò, khi bản thân người Thầy cũng chịu nhiều áp lực trong cuộc sống đời thường vốn nhiều lo toan, bận rộn ?

 

 

Xa hơn nữa, làm sao để sống trong vòng xoáy của một xã hội mà giá trị thực dụng đang có mặt ở nhiều nơi, người Thầy vẫn ươm mầm thiện lành và lý tưởng phụng sự nơi con trẻ?

 

 

Có thật nhiều những ưu tư, trăn trở với những ai đã chọn cho mình sứ mệnh trồng người !

Trong quá trình đi tìm lời giải, đa số giáo viên đã dần nhận ra rằng: kiến thức sách vở ở nhà trường Sư phạm về tâm lý, giáo dục học chưa đủ cho người Thầy có thể vận dụng để giải quyết những bài toán khó trong thực tiễn. Vốn sống cá nhân, những trải nghiệm tự thân, bản lĩnh ứng xử Sư phạm, cũng chỉ đem lại một số kết quả nhất định và còn nhiều hạn chế.

Nhân một buổi viếng thăm và hỏi đạo với TT. Giác Hoàng, một nhóm giáo viên đã bày tỏ những ưu tư ấy với Thượng tọa. Vậy rồi, chương trình được tổ chức sau ba tháng ấp ủ ý tưởng, chờ đủ duyên để thực hiện.

Với cương vị là Giáo thọ Sư, đặc biệt là vị Thầy đang giảng dạy ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, Thượng tọa đã lắng nghe và chia sẻ những thắc mắc của các Thầy Cô xoay quanh chủ đề này.

 

 

Mở đầu chương trình, Thượng tọa đã nhấn mạnh vai trò của giáo viên trong việc giáo dục nhân cách cho học sinh. Xin được khắc ghi lời dạy của Người: Thời gian  đi qua, kiến thức mà người Thầy truyền đạt cho các em có thể phai nhòa, nhưng tình thương, lòng bao dung, những bài học làm Người, lý tưởng sống cao đẹp… sẽ đi theo các em suốt cả cuộc đời. Và đó chính là sợi dây kết nối bền vững tình nghĩa Thầy trò qua bao năm tháng !

Tiếp lời Thượng tọa, Ni sư Liên Hòa cũng chia sẻ: Một trong những tiêu chí hàng đầu ở người Thầy: Đó là thân giáo.

 

 

Người Thầy phải trang nghiêm tự thân, phải là hình mẫu cho các em noi theo. Người giáo viên truyền đạt kiến thức, rèn luyện đạo đức cho học trò qua lời nói (khẩu giáo), nhưng tất cả những điều đó chỉ có giá trị thực tiễn, chỉ có thể thuyết phục học sinh khi bản thân người Thầy là một tấm gương mẫu mực về đạo đức, về nhân cách sống. Nói theo cách nói ở nhà trường hiện nay, thì mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Những người tham dự chương trình cũng đã lắng nghe những băn khoăn, ray rứt của một cô giáo yêu nghề, tận tụy với nghề, và hết sức nghiêm khắc với sự gian lận trong thi cử của học sinh. Biên bản kỷ luật các em luôn là nỗi ưu tư của cô suốt những tháng năm qua. Tất cả xuất phát từ động cơ hướng các em đến một cách sống trung thực, dạy cho các em sự công bằng, giúp các em dũng cảm chấp nhận những yếu kém của bản thân để dần khắc phục. Nhưng, cô không khỏi phân vân về hậu quả trước mắt mà học sinh phải gánh chịu, cũng như một số ý kiến trái chiều về biện pháp cứng rắn này. Đã có những giọt nước mắt rơi trên gương mặt cô giáo khi chia sẻ những điều ấy !

Bằng việc dẫn lời Phật dạy (trích Kinh Pháp cú - hai câu đầu tiên trong Phẩm Song Yếu), Thượng tọa đã chỉ ra những tiêu chí để đánh giá một hành động cụ thể trong đời sống nói chung, trong giáo dục nói riêng. TT. Giác Hoàng cũng đã phân tích một cách thuyết phục và tán thán tính đúng đắn của việc cô làm, dựa trên động cơ tốt, mang tính hướng thiện, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc cho các thế hệ học sinh.

 

 

Sư Giác Minh Tường cũng hết sức đồng cảm với cách xử lý tình huống này của cô giáo. Sư chia sẻ: có động cơ đúng, có tình thương dẫn đường, cô giáo sẽ được sự đồng cảm của tập thể. Từ đó, sẽ lan tỏa những giá trị giáo dục, những giá trị sống tốt đẹp đến với đồng nghiệp, với học sinh.

Chương trình dự định sẽ kết thúc trong buổi sáng. Nhưng, có lẽ, cảm nhận được nhiều nỗi niềm, nhiều băn khoăn, nhiều điều còn muốn hỏi từ các Thầy Cô, nên dù công việc cho buổi chiều còn đang đợi, Thượng tọa đã từ bi và hết sức nhiệt tâm, cho đoàn tiếp tục chương trình vào đầu giờ chiều cùng ngày. Một quyết định bất ngờ và thật tuyệt vời cho tất cả mọi người !

 

 

Buổi chiều, TT Giác Hoàng tiếp tục trả lời những câu hỏi xoay quanh chủ đề chính của chương trình. Thượng tọa cũng dành thời gian để chia sẻ về những lợi ích hết sức thiết thực và ý nghĩa của việc hướng dẫn Thiền định cho học sinh. Không chỉ có ích về mặt sức khỏe, Thiền còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các em định tâm, từ đó tập trung tốt hơn trong học tập. Thiền tập còn là chìa khóa hướng dẫn các em trong việc làm chủ cảm xúc, hóa giải những sân hận, những bất đồng trong quan hệ giao tiếp giữa các em, là đầu mối dẫn đến tình trạng bạo lực trong học đường hiện nay.

Vẫn còn nhiều lắm những điều cần chia sẻ. Bởi lẽ, đây là một chủ đề lớn, là mối quan tâm của xã hội, nhất là với những ai thường xuyên trăn trở trước tương lai của thế hệ trẻ. Mong đủ duyên, để chương trình được tiếp tục thực hiện, với sự tham gia của nhiều Thầy Cô, ở nhiều địa phương khác nhau, đáp ứng được phần nào nhu cầu học tập và trao đổi của ngành giáo dục, trên cơ sở ứng dụng lời Phật dạy vào việc hình thành nhân cách cho học sinh.

 

 

 

Chúng con đã có một ngày an lạc với niềm Pháp hỷ tràn đầy. Căn phòng, nơi diễn ra buổi tọa đàm được bố trí trang nhã, không gian vừa đủ cho số lượng người tham dự. Một ngày trôi qua thật nhanh trong không khí thân tình, ấm áp. Quên đi những muộn phiền, tất bật, bon chen, mối quan tâm duy nhất của chúng con, trọn ngày hôm ấy, là được chia sẻ, được lắng nghe những lời giảng giải tận tâm, nhiệt tình, thấm đẫm giáo lý từ bi, trí tuệ của Đức Phật- từ Quý Sư và Sư Cô.

Chương trình đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho tất cả những người tham dự, đặc biệt là đối với những Thầy Cô lần đầu tiên được thính Pháp trong không gian an lành, thanh tịnh nơi Pháp viện. Chương trình cũng đã để lại những hình ảnh đẹp về người xuất gia nói riêng, về đạo Phật nói chung, trong lòng những ai chưa đủ cơ duyên để về với Đạo !

 

 

Chúng con Không biết phải nói sao cho hết lòng tri ân của chúng con trước tâm từ bi, và tâm nguyện đưa Phật Pháp đi vào đời sống của Quý Sư và Sư Cô. Sự cẩn trọng, chu đáo, khoa học đến từng chi tiết trong toàn bộ chương trình thể hiện sự trân quí mà Quý Ngài đã dành cho chúng con. Dù Phật sự đa đoan, dù bệnh duyên, quý Ngài vẫn nhận lời thỉnh cầu và đã cho chúng con một ngày thật an lạc.

Ngưỡng mong, sẽ có nhiều chương trình khác được tổ chức theo hướng đưa Phật Pháp đi vào đời sống, dành cho một số ngành nghề chuyên biệt. Điều đó sẽ góp phần gieo mầm từ bi, trí tuệ trong giáo lý nhà Phật vào nhiều tầng lớp trong xã hội, đem lại sự an lạc cho mỗi người, sự ổn định cho mỗi gia đình, rộng hơn là cho đất nước.

 

-----ooOoo-----

Nguồn: daophatkhatsi.vn 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC


NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên

 

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương

 

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ
  • Thích Nữ Bạch Liên
  • Thích Nữ Thanh Liên
  • Thích Nữ Kim Liên
  • Thích Nữ Ngân Liên
  • Thích Nữ Chơn Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Tạng Liên
  • Thích Nữ Trí Liên
  • Thích Nữ Đức Liên
  • Thích Nữ Thiện Liên
THÔNG BÁO

Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)

Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến

Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày

VIDEO HÔM NAY

Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO

Pháp âm MP3

  • 0 - Lời Mở Đầu
  • 01 - Võ Trụ Quan
  • 02 - Ngũ Uẩn
  • 03 - Lục Căn
  • 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên

LỊCH VIỆT NAM

THỐNG KÊ